Đồng Cao xa vắng

(AutocarVN) - Những tảng đá nặng hàng tấn nằm rải khắp trên đồi cỏ bát ngát, cuộc sống Đồng Cao vẫn không điện, không nước sạch sinh hoạt.

Cách đây vài năm, Đồng Cao vẫn là một cái tên khá xa lạ với giới “xê dịch”, cũng bởi đường sá khó khăn, bởi cái xứ ấy chẳng ai lên làm gì. Tình cờ nghe một người bạn đọc đâu đó trên tờ báo địa phương nhắc tới địa danh này, họ gọi đó là “Mẫu Sơn” của Bắc Giang, vội vã lục tìm mọi thông tin thì được biết đây là một bản xa xôi nhất của một xã khó khăn nhất tỉnh. Những thông tin ít ỏi nói rằng nơi đó còn lưu giữ những truyền thuyết ly kỳ về những tảng đá rất lớn nằm đầy trên cả vùng đồi cỏ rộng bát ngát.
Vậy là chúng tôi lại lên đường…

Đêm bên bờ vực thẳm

Hà Nội tiễn chúng tôi bằng những cơn nắng nhẹ cuối thu. Thẳng hướng Bắc Ninh rồi qua Bắc Giang, rẽ theo hướng đi Chũ, Lục Ngạn. Quốc lộ 31 khá nhỏ nằm giữa những đồi vải xanh ngắt một màu, xen kẽ là dăm ba ngôi nhà ngói đỏ lọt thỏm giữa màu của núi, của rừng.

Theo bản đồ thì đường lên Đồng Cao phải đi qua trung tâm xã Thạch Sơn, từ đó men theo con đường đất nhỏ qua Đồng Băm rồi off-road tiếp khoảng hơn 10km nữa mới tới cao nguyên. Mải miết đuổi theo ánh nắng chiều, chúng tôi đi qua cả lối rẽ vào Thạch Sơn hơn chục cây số. Dừng lại nơi trung tâm huyện Sơn Động hỏi đường. Ai cũng nói “phải quay lại mới đi lên được, chứ ở đây không có đường nào lên Đồng Cao đâu”.

Chúng tôi ghé vào trạm xăng đổ đầy xăng và hỏi đến cả chục người dân thì đều nhận được câu trả lời là có thể lên Đồng Cao bằng đường đi qua bản Gà nhưng chỉ có thể đi bộ leo rừng mà thôi.

Vào trung tâm bản, hỏi thêm ba người dân nữa thì đều nhận được câu trả lời là có một con đường mòn rất nhỏ (chỉ rộng chừng 40cm) có thể lên được Đồng Cao nhưng chưa thấy ai đi xe máy qua đó. Phương án quay ra để đi đường cũ cũng không được bởi lối đi qua xã Cẩm Đàn (đường chính lên Đồng Cao) giờ đã bị phong tỏa vì đó là khu vực trường bắn của quân đội. Chúng tôi quyết định đi tiếp, đến sau này tôi mới biết đó là một quyết định mạo hiểm, vô cùng mạo hiểm…

Quả thật, con đường, cũng không hẳn là đường, chỉ là lối mòn đi bộ của người dân làm cho chúng tôi nhiều phen thót tim. Có khá nhiều đoạn phải băng qua vườn của nhà dân, thậm chí còn phải gỡ cả hàng rào ngăn trâu bò để đi qua.

Mỗi lần gặp lối rẽ là mỗi lần phải quyết định. Cho xe nằm đổ xuống bởi độ dốc quá lớn không thể dựng xe bằng chân chống, tôi lấy đèn pin ra dò từng dấu vết để lại. Dò xem lối nào có dấu chân người hay trâu bò, lối nào là lối bỏ hoang, cứ mỗi ngã ba như thế chúng tôi mất ít nhất là 5 phút, nhiều nhất là 20 phút. Dấu hiệu để nhận biết trong những trường hợp này là vết chân động vật hay con người để lại, và nhìn xa hơn nếu có ánh đèn thì đi về nơi ấy.

Kỹ năng sinh tồn suốt 5 năm đi du lịch bụi của chúng tôi đều được lôi ra dùng hết. Lúc này, bốn bề là màn đêm đen kịt, không còn tiếng chó sủa, không còn thấy ánh đèn nhà dân nữa, chỉ có rừng và rừng mịt mùng.

Không dưới năm lần tôi suýt bị rơi xuống vực, lý do là ngay phía bên phải của lối mòn chúng tôi đi là mép vực được các loài cây họ dương xỉ che kín. Cứ chống chân xuống lại bị hụt, càng đi sâu vào rừng lối mòn bằng đất dường như càng bị cây cỏ xóa nhòa. Cả ba chúng tôi đều ngóng về phía trước chỉ mong thấy ánh đèn điện của bản Đồng Cao hắt lên, nhưng khi đến tận nơi tôi mới biết rằng cả bản chưa hề có điện.

Sự cố về xe đã xảy ra khi liên tiếp leo dốc trong điều kiện cây cối che phủ cao cả mét như thế, đầu tiên là tiếng những cành cây đâm vào bánh xe bị cuốn gãy gây mắc kẹt, tiếp đến là việc va chạm vào những tảng đá giữa đường gây biến dạng một số bộ phận. Cần phanh ở xe tôi bị cong ngoặt lại sau cả chỗ để chân, vì thế phanh sau bị kẹt, giải pháp duy nhất là nới lỏng phanh sau tối đa, đồng nghĩa với việc mất luôn tác dụng phanh của bánh sau.

Mải miết chạy giữa rừng trong đêm mịt mùng, mồ hôi túa ra đầm đìa bởi những lần phải gò lưng đẩy xe, bởi phải căng mắt, gồng tay giữ cho xe không lao xuống vực thẳm bên phải.

Vượt thêm chừng 1 ngọn đồi đầy cỏ dại và thêm một khu rừng nữa, điều kỳ diệu đã xảy ra với chúng tôi. Sau cái hàng rào chắn trâu bò cao gần bằng một người lớn, chúng tôi thấy con đường rộng hơn, bên phải đường không còn là vực nữa mà là những vũng nước. Bằng trực giác của một kẻ lớn lên từ miền quê, tôi biết đó là vũng nước trâu bò hay đằm. Khi tôi nói lên điều đó, cả hai người bạn đồng hành đều thốt lên, như vậy là xung quanh đây có trâu bò, mà có trâu bò là sẽ có người dân.

Dừng xe lại nơi bãi đất bằng phẳng nhất, chúng tôi bắt đầu đi dò đường, tỏa ra hai hướng khác nhau. Tôi đi men theo hướng lên đồi, một ngọn đồi nhìn lờ mờ dưới ánh trăng như là đồi trọc. Khi lên đến đỉnh, phát hiện thấy có nhiều hòn đá rất lớn nằm rải rác, dõi mắt ra xa nhất cũng chỉ thấy toàn cỏ và đá như thế.

Điều đó có nghĩa là cả ngọn đồi rất lớn này đều chỉ có mỗi cỏ mà không có cây lớn, rất giống với một bức ảnh chúng tôi đã xem trên tờ báo địa phương trước lúc lên đường. Chúng tôi quyết định đêm nay sẽ dừng lại trên đỉnh ngọn đồi này.

Những kinh nghiệm sinh tồn được áp dụng hết mức từ việc chọn nơi cắm lều đến cách thức dựng, cách làm dây báo động khi có động vật lại gần, đào rãnh đề phòng đêm mưa nước tràn vào lều… Dựng xong chỗ ngủ đêm đó, chúng tôi bắt đầu lôi bếp và thức ăn ra nấu, cả chặng đường vật lộn với con đường, với rừng và sự sống đã làm quên đi cảm giác đói.

Ngẩng mặt lên trời, mới thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên, gió thổi tan hết những áng mây che để lộ ra vầng trăng tròn vành vạnh. Trăng của đêm 16 trên cao nguyên có lẽ là cái trăng đẹp nhất mà chúng tôi từng được ngắm. Giấc ngủ không mộng mị giữa thiên nhiên hoang sơ nhanh chóng đến để rồi sáng mai choàng tỉnh giấc vì ánh bình mình nơi ngọn núi xa mờ. Bình mình trên miền cao nguyên Đồng Cao mang toàn bộ vẻ đẹp của núi rừng nơi đây.

Những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên

Cả ba chúng tôi leo lên tảng đá cao nhất ở đó mà ngồi, cứ ngồi yên bất động như vậy để ngắm bình minh, chẳng ai nói câu nào bởi dường như tất cả đều đang “say” vẻ đẹp nơi đây, vẻ đẹp tinh khiết của buổi sớm mai, của những ánh nắng đầu tiên trong ngày mới. Chúng tôi thu dọn đồ đạc, xếp lại lều và tiến về hướng con đường của ngày hôm qua.

Đi thêm chừng 3km đường mòn ven rừng nữa thì chúng tôi đến một khoảng không rộng lớn. Khoảng không này rộng gấp hàng chục lần ngọn đồi mà chúng tôi đã cắm trại. Lúc này đây, tôi mới khẳng định với người bạn đường rằng chúng ta đã lên đến Đồng Cao, Đồng Cao chính là nơi đây, là nơi cắm trại hoặc dựng lều lý tưởng cho những chuyến dã ngoại hay đi “phượt” của giới trẻ.

Quang cảnh trước mắt chúng tôi là cao nguyên đầy cỏ, những đồi cỏ rộng thênh thang kéo dài như vút lên tận trời xanh, nằm trên trảng cỏ là những tảng đá như ai đó đặt lên tạo nét chấm phá cho bức tranh xanh rì này. Sim nở tím cả vạt đồi, sau sau đã ngả lá vàng, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, khói nhà ai bay lên bảng lảng, cả bầu trời ánh lên một màu xanh huyễn hoặc, đám mây nhẹ trôi tưởng như giơ tay lên là chạm vào được.

Chúng tôi tiến sâu vào bản, vào căn nhà vách đất đầu tiên, ngồi trò chuyện với ông cụ người Mán đã gần 70 tuổi. Cụ cho biết, cả bản chỉ có khoảng 13 hộ dân, sống quây quần tại thung lũng nhỏ trước mặt nhà cụ đây, nguồn lương thực chủ yếu là lúa cấy được trên dăm ba thửa ruộng bậc thang thấp, còn lại là ngô được trồng xen kẽ và chăn thả trâu bò trên những đồi cỏ mà chúng tôi đã đi qua.
Không điện, không nước sạch sinh hoạt, không sóng điện thoại, không đường bê tông, gần như không giao tiếp nhiều với thế giới hiện đại trừ những khi xuống chợ Sơn Động mua mắm muối là toàn bộ cuộc sống bình yên của bà con người Dao và Mán tại Đồng Cao.

Dừng lại nơi điểm trường đơn sơ nằm giữa bản, từng món quà nhỏ bao gồm sách vở, bút chì, quần áo, bánh kẹo được chia đều cho tất cả trẻ em ở đây. Lúc đầu các em còn nhút nhát và e dè nhưng rồi không khí trở nên vui hơn. Từng tiếng cười hồn nhiên giòn tan, từng bà mẹ bế con từ trong 13 ngôi nhà đi đến nhiều hơn. Tại thời điểm này, chúng tôi thấy vui, niềm vui được đền đáp xứng đáng sau một đêm đáng sợ. Mọi mệt nhọc và khoảng cách miền xuôi, miền ngược đều tan biến.

Chúng tôi ghé thăm dăm ba ngôi nhà trong bản, được nghe kể về sự tích những tảng đá, kể về hang Vua của bà con dân tộc Dao, về những câu chuyện cuộc sống nơi mảnh đất nghèo khó nhất của cả tỉnh.

Tạm biệt bà con sau khi nhận được cả túi đầy ngô và đậu Mán, chúng tôi theo con đường chính qua Đồng Băm, rồi Thạch Sơn trở về Hà Nội mang theo trong mỗi người là ký ức về một miền cao nguyên xa vắng…

Lộ trình:

Ngày 1: Hà Nội – Bắc Giang – Chũ – Cẩm Đàn – Thạch Sơn – Đồng Băm – Đồng Cao (120km).
Ngày 2: Đồng Cao – Thạch Sơn – Hà Nội.

Chú ý đặc biệt:

Nên đi theo con đường chính từ Thạch Sơn qua Đồng Băm rồi lên Đồng Cao mà không nên đi đường từ bản Gà đi lên. Mang theo đầy đủ lều, túi ngủ, các vật dụng và thức ăn cần thiết. Tuyệt đối không xả rác trên đồi cỏ, chỉ lấy những bức ảnh và để lại dấu chân mà thôi. Chú ý kỹ thuật cắm lều, đề phòng gió lớn làm lật hay bay lều…

Những điểm thú vị của chuyến đi:

Đồi vải dọc đường từ Bắc Giang vào Sơn Động, thung lũng Đồng Băm, con đường từ Thạch Sơn lên Đồng Cao, những đồi cỏ và tảng đá xếp ngẫu nhiên trên cao nguyên, hang Vua, bánh đa kê Bắc Giang, chè xanh Đồng Cao, vẻ hoang sơ rừng Sau Sau, cắm trại hoặc lều trên cao nguyên.
Xem thêm >

Theo Ovuong (Autocarvietnam)


Trên cao nguyên Đồng Cao
Hóng gió trên Đồng Cao