Thác Bà ở Bình Thuận
< Thác Bà Tánh Linh. Muốn lên đó thì cần phải vận động đôi chân leo trèo một tý, phần khác là phải lội qua suối.
Hơn nữa, ngoài những động thực vật vô cùng phong phú và quý hiếm được các cán bộ kiểm lâm nơi đây canh giữ nghiêm ngặt, ẩn dưới ngọn núi Ông cao gần 1500 mét là dải thác nước mang tên thác Bà đẹp mê hồn như một dải lụa mềm mại, ẩn hiện giữa bao la rừng núi.
< Đường vào Thác Bà đa phần láng nhựa.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, sau khi vượt hơn trăm cây số, chúng tôi tới thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh) khi trời đã giữa trưa. Từ đây, chẳng mất nhiều thời gian để tới được khu thác Bà nổi tiếng trong vùng bởi nó rất thân thuộc với người dân địa phương, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hơn nữa, dù đường đá khá khó đi nhưng nếu để ý hai bên đường, lẫn trong những cánh rừng đại ngàn là các biển cây số hướng dẫn rất chi tiết từng khúc cua, ngã rẽ để tới thác Bà.
< Duy chỉ đoạn cuối là đường đất, xe 16 chỗ vẫn vào được.
Ngồi nghỉ ở ngã ba La Dạ, ngay cửa khu rừng nguyên sinh nổi tiếng với những loài động thực vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới được phát hiện ở đây như vọoc chà vá chân đen, voi một ngà, vượn má đen hay những loài gỗ quý hiếm như trầm, kỳ nam, giáng hương, trắc đỏ, gỏ…
Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì không khí yên tĩnh và mát mẻ ở nơi này.
< Nước từ tầng thác đổ ầm ầm ngày đêm.
Khu rừng này hiện nay đã được quy hoạch thành Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông với mục đích có thể gìn giữ tốt hơn những động thực vật quý này nhằm tránh khỏi những cuộc săn tìm của những thợ săn bắn và những kẻ khai thác gỗ trái phép. Hầu hết các cây gỗ lớn nhỏ trong khu bảo tồn núi Ông này đều được đánh số, đặt tên, treo bảng và ghi lại rất tỉ mỉ.
Nhìn những cây gỗ trắc đỏ quý hiếm, giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng đang vươn lên bầu trời cao xanh đón nắng gió, chúng tôi đã không giấu nổi cảm giác ngỡ ngàng và vui thích.
Có lẽ, để những gốc cây có tuổi đời mấy trăm năm ấy được yên bình, được tồn tại là cả một quá trình đấu tranh bảo vệ không ngừng nghỉ của cán bộ và người dân nơi đây. Nó có lẽ là thứ tài sản hiện hữu, đặc biệt giữa khu bảo tồn rộng hàng ngàn hecta này.
< Nước từ thác tạo ra dòng suối cuộn, tung bọt trắng xóa.
Tuy nhiên, cái quý giá và đẹp đẽ nhất, đã tồn tại hàng ngàn năm nay ở núi Ông thu hút, chiếm được tình cảm của hàng vạn người khi đặt chân tới đây chính là vẻ đẹp lãng mạn của thác Bà.
Đó là ngọn thác có 3 tầng, chảy từ đỉnh núi Ông rồi ẩn hiện thấp thoáng đâu đó giữa bạt ngàn cây xanh trước khi êm đềm thả những dòng nước mát lành, hiền hòa dưới chân núi với những dòng suối trong vắt, là nơi lý tưởng để con người có thể thư giãn, đắm mình sau những vội vã, bon chen trong cuộc mưu sinh.
< Tầng trên của thác.
Hình như, chỉ đến khi hòa mình vào làn nước trong xanh ngằn ngặt nơi này, chúng tôi mới cảm nhận hết sự quý giá đến vô ngần của thiên nhiên hoang dã. Dường như, nước ở đây không chỉ đơn gian chảy từ đỉnh núi, được chắt lọc từ những đợt mưa của thượng ngàn mà nó còn được chắt lọc qua nhiều tầng lá mục của thời gian, nhiều lớp đá xanh rắn chắc hay vô vàn những gốc cây, trảng cỏ. Có thể hình dung rằng, để những dòng nước mát lành chảy xuống đây, qua hơn một ngàn mét độ cao của ngọn núi Ông là vô vàn những điều huyền diệu khác. Chính là đã làm nên ngọn thác Bà với những dòng nước mát lạnh nhìn soi tới từng viên sỏi đá này.
Theo những người dân địa phương, xung quanh ngọn thác Bà này có một câu chuyện rất ly kỳ, được lưu truyền từ bao đời nay. Đó là câu chuyện về những vách đá dựng đứng có cắm một thanh gươm quý của vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn cho tới chuyện con voi trắng (bạch tượng) hết lòng trung thành trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quan Tây Sơn.
Thực hư chuyện về con voi trắng và thanh gươm cắm vào núi đá đó thế nào thì còn nhiều điều phải kiểm chứng nhưng có một điều đáng tin là Nguyễn Ánh từng có một thời gian đóng quân nơi đây, có thể là lúc trốn tránh sự truy đuổi của nhà Tây Sơn.
< Lội suối bắt cá.
Bằng chứng là dưới ngay chân núi Ông này còn có một cánh đồng tươi tốt, bằng phẳng giữa điệp trùng rừng núi mang tên “cánh đồng Gia Long” được coi là nơi sản xuất lúa chính của đồng bào dân tộc suốt bao năm qua. Ngày nay, người dân trong vùng vẫn gọi cánh đồng ấy là “cánh đồng Gia Long”.
Về tên gọi núi Ông và thác Bà, có sự tích về một đôi vợ chồng sống rất êm ấm bên nhau; người chồng rất thương yêu vợ nhưng ông này có một niềm đam mê lớn hơn tất cả mọi sự, đó là thú chơi cờ. Khi đã ngồi vào bàn cờ thì ông ta quên hết thời gian, công việc... Một ngày kia, ông đánh cờ với một tiên ông. Ván cờ của hai kỳ phùng địch thủ này kéo dài ngày đêm, từ tháng này qua tháng nọ, năm này sang năm khác vẫn bất phân thắng bại...
Người vợ ở nhà chờ chồng đến khi tóc bạc như mây vẫn không thấy chồng về. Bà buồn bã, lâm bệnh và qua đời, tóc xoã trắng bên sườn núi như một giòng thác. Sau khi kết thúc ván cờ, ông chồng về nhà mới biết vợ mình đã mất. Vừa giận mình, vừa hối hận, ông hoá thành ngọn núi ôm thác trong lòng. Từ đó, núi mang tên núi Ông và thác Bà.
Có lẽ một ngày được đắm chìm trong dòng nước mát lành của thác Bà và những hoang vu nhưng lại rộn ràng âm thanh muôn loài của rừng núi Ông là đủ để chúng tôi cảm nhận về khung cảnh kỳ vĩ và đẹp đẽ nơi này. Nó như một thế giới thần tiên ở giữa cuộc sống xô bồ mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người.
Theo Đoàn Xá - Thời Báo Kinh Tế Sàigòn + ảnh i-dulich
Khám phá thác Bà – Bình Thuận
0 nhận xét: