Vị 'chúa đảo' Hòn Đỏ

(TP) - Hòn đảo nhỏ xinh xắn và thơ mộng có tên Hòn Đỏ nằm phía đông bắc thành phố Nha Trang, cách đất liền khoảng 500m. Đảo nhỏ nhưng cảnh trí tuyệt đẹp.

< Chuẩn bị ra đảo Hòn Đỏ (cano miễn phí).

Mấy ai biết rằng vài chục năm trước, nơi này chỉ là một hòn đảo hoang vắng, khô cằn đầy gai góc. Có một người đã cống hiến tất cả sức lực và tuổi trẻ, đằng đẵng suốt 40 năm lao động quần quật, biến đảo hoang thành một địa điểm xanh mát rượi như hôm nay. Đó là sa môn Thích Viên Mãn, người mà trong tác phẩm cùng tên(*), nhà văn Quách Giao đã gọi là “Người gánh nắng”. Tôi lại muốn gọi ông là vị “chúa đảo” Hòn Đỏ này.

< Bến tàu phía Hòn Đỏ.

Tên gọi của đảo hình thành từ sắc đỏ của đá nơi này. Những buổi hoàng hôn, khi những tia nắng cuối ngày chiếu vào đảo, sắc đá ánh lên một màu đỏ rực kỳ ảo. Giữa sắc biển xanh bao la màu ngọc bích, Hòn Đỏ nổi lên như một viên ngọc xanh lá cây dưới nền trời xanh hòa bình, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Những con sóng trắng xóa ngày đêm tấp vào bờ, tung lên những vồng hoa trắng bạc lấp lánh nắng. Cùng với Hòn Chồng, Hòn Rùa, Hòn Tre, Hòn Miễu… Hòn Đỏ như một nét son mới, tô điểm thành phố Nha Trang thêm mỹ lệ.

Nấp mình dưới những tán cây rậm rạp là ngôi chùa nhỏ: chùa Từ Tôn. Ngôi Tam Bảo trang nghiêm và ấm áp. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trên Nghênh Phong Đài, mặt hướng về phương Đông, hiền lành và từ bi. Vườn tượng “Lâm Tì Ni” với 13 bông sen, diễn tả huyền thoại khi Đức Phật ra đời đã biết đi, mỗi bước để lại một bông sen dưới chân ngài.

Ngoài ra, trên đảo còn có quần cảnh tượng Đức Quan Âm với đồng tử có rồng nghinh bái, có đỉnh hương lớn với những bậc thang xây bằng đá xuống sát mé biển, có hang Tản Đà (nơi nhà thơ ngồi ngắm biển làm thơ), có những tảng đá hình thù kỳ lạ như hòn Em, hòn Chị, hòn Trắp (có hình cái trắp đựng sách ), hòn Bàn cờ (nơi ngày xưa các tiên ông thường xuống đánh cờ), hòn Ấn với dấu ấn là ngón tay cái của ông Khổng lồ v.v…
Khắp đảo là những vườn hoa rực rỡ sắc màu, những tàng cây cổ thụ râm mát và ríu rít tiếng chim ca.

Vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi vượt biển sang Hòn Đỏ. Từ đường Phạm Văn Đồng, sau vài phút ngồi đò, chúng tôi có mặt trên Hòn Đỏ. “Chúa đảo”, nhà sư Thích Viên Mãn vui vẻ ra đón khách.

Đã bước vào tuổi 80, nhưng nhìn ông còn rất khỏe mạnh, dù những năm tháng lao động nhọc nhằn vẫn in dấu trên nước da sạm nắng và hai bàn tay chai sạn. Dáng người nhỏ nhắn, bước đi nhanh nhẹn, cách nói chuyện linh hoạt và nụ cười rộng mở, ông sang sảng kể lại công cuộc khai phá đảo hoang…

Cuộc chiến với thiên nhiên

Ngày ấy, trên Hòn Đỏ không có nước nên không có cây mà chỉ có đá. Đá, lổn nhổn, trải dài, phơi mình dưới nắng gắt. Mặt trời nung những phiến đá nóng bỏng khiến cả không gian trên đảo hừng hực nóng. Từ đất liền, nhà sư trẻ Thích Viên Mãn dùng một con thuyền nhỏ chở nước và lương thực ra đảo, che tạm một mái lều, bắt đầu cuộc chiến cật lực với thiên nhiên khắc nghiệt.

< Những bậc thang đá lên chùa.

Công việc đầu tiên của ông là nhặt đá, giải phóng mặt bằng. Những hòn đá nhỏ được gom lại một chỗ. Những tảng đá lớn thì dùng xà beng hoặc cuốc chim trục lên rồi dùng đòn xeo lăn xuống biển… Cứ thế, lầm lũi một mình, suốt 5 năm liền, ông quần quật dời đá, để có một khoảng đất bằng phẳng trên đỉnh Hòn Đỏ như bây giờ. Việc dời đá song song với việc đắp nền cho khu đất để dựng chùa. Những viên đá nhỏ được dùng để làm nền khu Phật đàn, với kết cấu một lớp đá xen kẽ một lớp đất. Những đêm có trăng, ông tranh thủ khuân đá đắp kệ, bậc tam cấp, làm một con đường lên xuống đảo.

Công việc tiếp theo là phát quang. Dưới cái nắng như lửa đổ, trên đảo chỉ có gai mắt mèo um tùm trong các kẽ đá. Bên dưới gai mắt mèo là gai mắc cỡ. Sư Viên Mãn dùng cuốc dẹp gai bên trên rồi dùng cuốc dọn cây bên dưới. Cật lực suốt mấy ngày mới xong một khoảnh nhỏ. Gai góc được ông chặt nhỏ phơi khô rồi đốt thành than, bỏ vào các hố đào sẵn, chuẩn bị trồng cây. Hai  bàn tay chai sạn vì vần đá, rướm máu vì gai cào. Khắp người da bong loang lổ, miệng khô rộp, phồng lên từng mảng, lưng đau nhức, bỏng rát vì nắng xối.

< Cầu Chánh Niệm.

Lao động nặng nhọc là vậy nhưng do lương thực thiếu thốn nên sư Viên Mãn chỉ ăn mỗi ngày một bữa, đúng vào giờ ngọ. Có những ngày sóng to biển động, đảo bị cô lập nên ông phải ăn rong mọc nơi mép đá ven bờ như rong câu, rong mứt, rong chân vịt v.v...
Rong biển có mùi tanh. Vị vừa nhạt, vừa đắng vừa chát. Vậy mà, suốt nhiều năm sống trên đảo, ông vẫn duy trì chế độ ăn rong mỗi tuần hai lần để giảm thiểu việc tổn hao lương thực.

“- Có bao giờ thầy cảm thấy chán nản và nghĩ đến bỏ cuộc không?”- Tôi hỏi. Ông cười to, đưa tay ra trước: “Không bao giờ! Càng cực thì lại càng cố! Để coi mình thắng nó hay nó thắng mình !”.
Sau nhiều ngày cật lực, nền chùa khoảng 25 mét vuông đã hình thành. Mặt nền phủ một lớp đá cuội lượm nơi bãi biển khi nước thủy triều xuống thấp. Đá xây móng được chẻ ra từ những tảng đá to thành từng phiến vuông vức và xếp chồng sít lên nhau để không phải dùng vữa. Cùng với 8 trụ tre, một ngôi chùa nhỏ được dựng lên, đơn sơ nhưng ấm áp, trang nghiêm.

“Dời” đất và nước

Gian lao nhất trong công cuộc chinh phục Hòn Đỏ là vận chuyển nước từ đất liền sang. Dưới cái nắng như thiêu đốt, sư Viên Mãn phải gánh nước từ bến lên đỉnh. Đoạn đường chỉ dài khoảng nửa cây số nhưng cheo leo hiểm trở đầy đá nhọn và gai sắc.

Hai thùng nước trên vai, một tay ông cầm gậy chống, tay kia giữ quai thùng, bàn chân trần đặt lên những phiến đá bỏng như than đỏ, lần từng bước, rón rén để nước không bị sánh, để thùng nước không bị va chạm với các vỉa đá nhấp nhô trên lối đi hẹp. Không ít lần, khi sắp tới đỉnh, ông bị trượt bởi một viên sỏi vô tình, thế là lăn lông lốc xuống núi. Khắp người xây xát, tay chân bị cào rách, rướm máu, môi dập, đầu sưng... Những giọt nước vừa rơi xuống kêu đánh xèo đã lập tức bị đá hút sạch.

“- Tiếc lắm cô à ! Tiếc công gánh thì ít mà tiếc nước đổ thì nhiều!”. Giọng ông trầm trầm. Ánh mắt xa xăm…
Cứ thế, sư Viên Mãn đã cần mẫn gánh nước, gánh luôn cái nắng gay gắt của đảo suốt 10 năm liền, không một ngày ngơi nghỉ.

Một công việc cực nhọc khác là vận chuyển đất lên đảo. Đất được lấy từ các bãi đất hoang gần cầu sắt Ngọc Hội rồi chở bằng thuyền qua đảo rồi vác lên đỉnh. Cũng cái nắng gay gắt như đổ lửa, cũng chân trần bước trên những phiến đá nóng như than đỏ, những bụi cây dại đầy gai nhọn… “- Nhưng vác đất đỡ cực hơn ! Bởi vì khi tui bị té, đất không bị mất hết như nước!”. Nụ cười hóm hỉnh khiến gương mặt ông chợt rạng rỡ.  Từ đó,  những vườn rau mọc lên, xanh ngắt: rau cải, tần ô, cà chua, khoai mỡ, khoai tím, khoai lang, khoai mì… Ông vừa có rau ăn, vừa đưa về đất liền đổi gạo…

Sư Viên Mãn bắt đầu phủ bóng mát cho đảo bằng nhiều loài cây. Từng giọt nước chắt chiu tưới tắm, bón tỉa cùng rất nhiều công sức và mồ hôi… Giờ đây, cả Hòn Đỏ là một rừng cây lâu năm râm mát: xoài, bàng, nhãn, thông, phi lao…

Hai bên đường lên đỉnh, những hàng cây huyết giác, thiên tuế, hoa giấy, hoa đại xum xuê. Bên cạnh những gốc mai tứ quí, những giò phong lan lúc lỉu, những bụi cúc vàng rực… còn có một gốc bằng lăng cổ thụ tím ngát hoa, được trồng trong một cái thuyền thúng. Ông giải thích, chậm rãi: “- Đây là cái thuyền mà ngày đó tôi dùng để chở đất và nước từ bờ sang đảo! Trồng cây để kỷ niệm. Còn thuyền thì được chùm rễ gắn kết nên không bị bục!”.

Từ lúc bắt đầu khai phá Hòn Đỏ, nhà sư Thích Viên Mãn đã mơ ước đào giếng để  khỏi phải chở nước từ đất liền. Ông bắt tay đào bằng cách nạy những viên đá trên bề mặt và lăn xuống biển. Song, đào xuống sâu, đá to và cứng mà không có dụng cụ, ông đành mướn thợ. Còn ông lo chuyển nước và lương thực sang phục vụ họ. Ròng rã sáu tháng trời, giếng sâu tới 5 mét mà vẫn không gặp mạch. Toán thợ chịu thua rút về. Tuy vậy, vào mùa mưa, nước mưa đọng lại trong giếng nên ông có nước dùng.

Ngày nay, dù nước đã được dẫn từ đất liền qua đảo, nhưng cái giếng đá ấy vẫn là minh chứng sống động cho nghị lực và lòng quyết tâm của con người trong cuộc chiến với thiên nhiên khắc nghiệt.

Cuối câu chuyện, tôi thành thật khen ông: “- Sao cực khổ vậy mà bác vẫn khỏe mạnh? Có bí quyết gì bày cho tụi cháu với !”. Ông cười ha hả: “- Thật ra, ngó tui vậy mà cũng không khỏe lắm đâu! Thỉnh thoảng cũng có đau tay đau chân. Già rồi mà !”. Ánh mắt lấp lánh và nụ cười tươi rói, nhìn ông vẫn tràn trề sức sống.

Lan man, tôi hỏi tiếp: “Sau này, bác được về đất Phật, ngôi vị Chúa đảo sẽ thuộc về ai ?”. Vị sư già hồn hậu : “Tôi chỉ mong sao tất cả mọi người có được một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi thư giãn, vậy thôi!”.

(*) Người gánh nắng –Truyện ký của Quách Giao – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2005.

Theo Trần Thị Giao Thủy (báo Tiền Phong)
Ảnh

Chùa Từ Tôn tọa lạc tại đảo Hòn Đỏ, phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chùa do hòa thượng Thích Viên Mãn khai sơn kiến tạo vào năm 1960. Chùa được an danh Từ Tôn là danh hiệu của đức Phật Di Lặc. Trong kinh Pháp Hoa có câu “Từ bi thị hiển Di Lặc tôn kính Phật” hay nói gọn là “Từ thị Di Lặc tôn kính Phật” ấy chính là Từ Tôn.

Chùa Từ Tôn nằm trên đảo Hòn Đỏ, cách bờ đường Phạm Văn Đồng khoảng 250 mét. Để đến chùa, khách phải đi bằng ghe máy từ đường Phạm Văn Đồng sang. Khách phải đi theo lối mòn ở phía Tây để đến trước hướng chính Nam của chùa.

Mặt chính Nam của chùa nhìn về Hòn Yến, Hòn Tre. Xung quanh Chùa Từ Tôn là một bãi đá màu đỏ tự nhiên rất đẹp, làm cho ngôi chùa nhỏ vừa tôn nghiêm, vừa u tịch. Phía trước chánh điện là Quan Âm Các, nguy nga, tráng lệ, bên dưới nền Quan Âm Các là một bãi đá trải dài ra đến biển với tượng Bồ Tát Quán Thế Âm mặt hướng ra Nam hải như dõi theo những chiếc thuyền ra khơi của ngư dân Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước… nguyện cứu khổ cứu nạn, đem lại an bình cho người  dân biển Nha Trang.

Chùa Từ Tôn, với hơn 60 năm kiến lập thật còn quá trẻ, nhưng những ai đã một lần ghé thăm đều không quên ghi lại những cảm nhận sâu sắc của mình. Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu khi đến thăm chùa Từ Tôn  đã tức cảnh đề thơ:

“Tiếng chuông vang, ngoài của Từ Tôn,
Tiếng chuông dội, bên bờ Hòn Đỏ.
Trời Khánh Hòa bát ngát mây bay,
Biển Nha Trang dạt dào sóng vỗ.
Những ai đang: lạc nẻo mê đồ,
Những ai muốn: tìm về chính lộ.
Nghe chuông ngân, tìm lại chân tâm,
Nghe chuông gọi, cùng quy Phật Tổ.”

Nhà thơ Vương Kiều Thu một lần viếng đảo Hòn Đỏ đã gởi lại vần thơ lưu niệm:

“Hòn Đỏ nằm bên cạnh Đá Chồng,
Một bên liền đất một bên không.
Thắm tươi sắc đỏ nên danh hiệu,
Nhuần đượm màu xanh kết dải đông.
Phương Bắc gió về xua nắng bức,
Gành Đông hương thoảng đón trăng lồng.
Trông vời mây nước đâu xa cách,
Mà chỉ gần nhau một tấc lòng.”

Tổng hợp