Chế Tạo - Trạm Tấu - Bản Mù - Làng Nhì - Phình Hồ: luyện tay lái và thần kinh thép

Phần 1 - Đây là chuyến đi của bác Battramdao (forum Phuot.com) - Bài không quá dài nhưng rất nhiều ảnh nên như mọi lần: tôi buộc phải cắt thành nhiều bài nhỏ để tránh việc vỡ khung blog (hic, vẫn chưa tìm ra cái lỗi cà chua này, nó làm tôi thêm vất vả)...

< Quốc lộ 32 vẫn còn dấu vết của những trận mưa như trút nước trong cơn bão số 3 vừa rồi.

Xem để thấy sức mạnh thần kinh thép của nhiều bạn trẻ ngày nay đáng khâm phục thay!

Sau nhiều lần hoãn đi hoãn lại vì thời tiết, mưa bão, tranh thủ những ngày đẹp trời sau ngày Độc lập, 2h chiều ngày 3-9-2010, tôi lại lên đường nhằm thẳng hướng Nghĩa Lộ - Yên Bái để đến với rừng nguyên sinh Chế Tạo - huyện Mù Căng Chải...

Nhìn chung thì QL 32 đoạn xấu nhất là ở cửa ngõ Hà Nội, đoạn từ Cầu Diễn đến Phùng, không hiểu các ông ấy chào mừng Hà Nội 1000 năm kiểu gì, còn thì càng đi thì đường càng đẹp.

< Thong thả đến 6h chiều thì tôi đã có mặt ở Nghĩa Lộ.

Mọi người nhiều khi cứ đặt câu hỏi là tại sao dân Phượt cứ thích rúc vào những chỗ xa xôi, hiểm trở để
làm gì. Phải chăng đi để thể hiện khả năng của mình, đi để chụp vài tấm ảnh đánh dấu mình đã đến nơi đây giống như Tôn Ngộ Không.

Thực ra thì không phải vậy. Nếu bạn đi nhiều, bạn sẽ thấy một thực tế là càng những chỗ nào đường sá tốt, cuộc sống được hiện đại hóa là những chỗ đó sẽ mất dần đi bản sắc văn hóa. Cùng là người Mông nếu so sánh giữa người Mông ở bản Lao Sang trên Hà Giang và người Mông ở Tú Lệ thì thấy khác nhau một trời một vực.

< Đứng trên cầu ngắm dòng suối, vài ngày trước chắc nó còn cuồn cuộn trong lũ.

Đi tới những vùng đất xa xôi và lạc hậu ta như tìm thấy quá khứ của chính mình. Càng gần đường cái thì bản sắc văn hóa càng mai một và mức độ bị ô nhiễm văn hóa càng cao, ngoài ra môi trường cũng không còn giữ gìn được những nét hoang sơ, thiên nhiên bị tàn phá.

< QL 32 đi Mù Căng Chải vừa mới được trải nhựa mới tinh, đường nhẵn lỳ tha hồ kéo ga.

Thế cho nên càng ngày những địa điểm cho dân Phượt khám phá càng ít đi do quá trình đô thị hóa, rồi xây thủy điện, khai thác khoáng sản, do vậy tranh thủ mà đi càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt các bạn ạ.

< Chỉ có một vài chỗ là đường còn đang dở dang, tuy nhiên cũng không gặp khó khăn gì lắm.

Tối hôm đó, tôi ngủ lại khách sạn Miền Tây, nằm ở ngã 3 đường đi Mù Căng Chải và Trạm Tấu.
Khách sạn 2 sao (không biết ranking kiểu gì) nằm ngay gần 1 nhà thờ, buổi tối xem bà con công giáo hành lễ rất sùng kính, có điều sáng sớm ra họ gióng chuông nên buộc phải dậy sớm.

Gần khách sạn ngay ngã ba phía đi Trạm Tấu có một quán cơm mà bà con Phượt rất hay dừng lại ăn ở đây, đồ ăn ngon, sạch sẽ và giá rất hợp lý.

Sáng sớm hôm sau, tôi dậy ăn sáng và lên đường đi Mù Căng Chải.

< Ruộng bậc thang đã bắt đầu chuyển màu.

Nói thêm về chuyện đường sá khi đi phượt, bao giờ tôi cũng có 2 thứ: đó là GPS và bản đồ giao thông.
Chiếc GPS tôi đang dùng là Garmin 60CSX, theo đánh giá của tôi là rất tốt, có khả năng chống sốc, chống bụi và chống nước, có bản đồ Việt Nam đi kèm. Bản đồ trên GPS khá chi tiết có các địa danh tới tận các bản, địa hình của các dòng sông, suối lớn, đường giao thông chính. Tuy nhiên với các đường mòn hoặc đường mới mở thì đương nhiên là không có.

< Cảnh trên đường vào Tú Lệ.

... Chiếc GPS này được lắp trên tay lái bằng bộ gá chuyên dụng của hãng RAM và được cấp nguồn từ xe bởi một bộ xạc USB lấy nguồn 12V từ ắc quy xe. Cái lợi khi sử dụng bộ xạc này là không cần lo về pin cho máy đồng thời đèn LED của màn hình lúc nào cũng sáng, rất tiện lợi khi đi ban đêm, không phải liên tục bấm nút bật đèn trên máy. Chiếc GPS này cung cấp đầy đủ các thông số như vị trí của xe trên bản đồ số, hướng di chuyển, vận tốc, độ cao, áp suất không khí... và đặc biệt là ghi lại track log. Track log cực kỳ hữu dụng khi đi vào những chỗ lạ, dễ bị lạc.
Trong trường hợp đi nhầm đường phải quay lại thì ta biết lúc vào đi đường nào thì quay lại đúng đường đó, đồng thời nó cũng ghi lại các thông số của các điểm đi qua như tọa độ, độ cao, thời điểm đi qua để ta sử dụng khi cần.

Đặc biệt khi đi trek trong rừng thì nó là thứ không thể thiếu, thay vì dùng dao đánh dấu vào thân cây thì ta đã có track log với độ phân giải lên tới khoảng 2m hoàn toàn có thể tìm lại đường cũ trong đêm tối.

Tú Lệ vốn nổi tiếng về suối nước nóng và xem gái Thái tắm tiên.
Ảnh cầu treo phía bên là cầu qua suối nước nóng vào bản Chao.

< Suối nước nóng, mới sáng ra chắc chưa ai ra tắm.
Tại trung tâm Tú Lệ nay đã trở nên rất sầm uất. Tôi nghỉ chân uống nước tại Tú Lệ một lúc, tôi tranh thủ lên đường ngay cho kịp tới Mù Căng Chải.

< Ngắm Tú Lệ thêm một lần nữa trước khi lên đèo Khau Phạ.

Đường lên đèo Khau Phạ đang được trải thảm nhựa mới. Có 2 bạn Mông đi xe máy qua bị trượt bánh ngã lăn lông lốc như bi, may mà không bị làm sao.

< Thung lũng Tú Lệ nhìn từ trên đèo Khau Phạ với ruộng bậc thang đẹp lộng lẫy.

< Thác nhỏ trên đèo Khau Phạ.

< Lên đến độ cao 1.533m trên đèo Khau Phạ.

< Lúa ở đây đã chín vàng đồng.

< Đến Chế Cu Nha, xem ra mà chui vào mấy cái nhà con con đó chơi vài ngày chắc là khoái.

Còn tiếp
Battramdao - Phuot.com

Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần cuối