Cổ Mân rực sáng một thời
Cổ Mân là một trong số ít những làng cũ trên đất Đà Nẵng hiện nay còn bảo lưu nhiều gia phả của các dòng họ. Đặc biệt, làng còn giữ được nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử văn hóa của làng dưới thời nhà Nguyễn, nhất là giai đoạn Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp. Theo gia phả tộc Phạm, tổ tiên của tộc Phạm đã rời xã Cổ Mân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào vùng đất phía hữu ngạn sông Hàn này khai canh, khai cư từ năm Cảnh Trị thứ 3 (Lê Huyền Tông - 1665); xong đâu đấy đặt tên làng nơi sinh sống theo tên làng cũ để lưu nỗi nhớ cố hương.
Tộc Trương giữ lại được các văn bản xác nhận các chức danh, ruộng đất của những người trong dòng họ, sớm nhất là năm Gia Long thứ 10 (1811) và muộn nhất là năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Theo gia phả tộc Phan, vào thời chúa Nguyễn, một chi tộc Phan - xuất phát từ tộc Phan của Thỉ tổ Phan Công Thiên ở Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam - đã phân nhánh sang lập nghiệp tại đất trà Sơn Úc (Vũng Thùng), cùng với họ Phạm thành lập làng Cổ Mân.
Các họ tộc làng Cổ Mân hiện còn giữ được các sắc chỉ về điều tra dân số (đinh), kê khai ruộng đất (điền) của các triều vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại; đặc biệt, còn giữ được tờ trát của Học chính Quan phòng tỉnh Quảng Nam lệnh cho Tù tài Đỗ Văn Tư (người xã An Hải) điều tra về núi Sơn Trà, đầm An Hải, vũng Trà Sơn, xã Cổ Mân và cảng Cổ Mân với tinh thần “tra cứu khảo sát lại các chi tiết thừa, thiếu, sai lầm hoặc bổ sung, nhất là về địa giới hành chính, phân hiệp qua các thời đại:. Việc này cho thấy, Cổ Mân là một trong những cứ điểm quan trọng theo cách nhìn của triều đình Huế lúc đó. Ngày nay, chưa ai khảo cứu được cảng Cổ Mân nằm ở đâu, chỉ biết rằng miền cảng thị này đã cùng với xã Nại Hiên Đông là tiền đồn chống trả những đợt tấn công của quân Pháp vào năm 1858.
Truyền thống đánh giặc, giữ làng
Rạng sáng ngày 01/9/1858, đại bác từ tàu chiến liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ vang trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây vào Việt Nam. Quận giặc đổ bộ tập trung hỏa lực tấn công uy hiếp vào các thành Điện Hải, An Hải. Sau khi Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế điều vào Quảng Nam làm Tổng đốc quân thứ, một phòng tuyến đã được nhân dân bên bờ Đông sông Hàn thiết lập từ chân núi Sơn Trà vào đến Mỹ Thị.
Cuộc chiến không cân sức qua đi, quân giặc rút vào Gia Định, bỏ lại trên bán đảo Sơn Trà gần một nghìn ngôi mộ mà dân gian quen gọi là khu Mả Tây, dấu tích vẫn còn ở phía đông mũi Mỏ Diều và đảo Cò. Bên ta, di hài những anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân sau đó đã được quy tập vào hai Nghĩa trủng Hòa Vang và Phước Ninh. Thế nhưng, ít ai biết rằng trong trận đầu đánh Pháp ấy, nơi tiền đồn Cổ Mân không ít người không rõ tên tuổi đã ngã xuống, được dân làng quy tập vào một nơi gọi là khu mộ chiến sĩ trận vong, lập riêng miếu Âm linh để hương khói.
Ông Phạm Phú Bài, Trưởng ban phụng sự đình Cổ Mân hiện nay kể chuyện, vào các năm 1946-1947, dân làng tản cư khắp nơi để tránh giặc Pháp. Ông Thủ Khoa - người giữ các sắc phong trong làng hồi đó – đưa hòm sắc xuống gửi nơi đình Phước Trường (nay thuộc phường Phước Mỹ). Giặc đốt đình Phước Trường, tất cả đều bị thiêu rụi. Năm 1948, dân làng Cổ Mân hồi hương, trùng tu lại đình làng và xây dựng miếu Âm linh, ngày khánh thành tổ chức hát bộ mấy đêm liền. Giữa con đường huyết mạch từ núi Sơn Trà vào Đà Nẵng, trên một ngã ba ở làng Cổ Mân, Pháp đóng đồn lính, dựng thùng phuy chung quanh để làm phòng tuyến, dân gian gọi là đồn Cồn Thùng.
Năm 1953, một nữ giao liên tên là Hai Nho - con bà Hương Nho trong làng - cùng với một cán bộ Việt Minh là ông Huỳnh Công Thích đã giúp cơ sở cách mạng phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức đánh vào đồn giặc. Được hỗ trợ bằng súng mây đặt tại gò Thần Nông, miếu Âm linh và đình Cổ Mân, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm quan trọng này của địch chỉ trong một tiếng đồng hồ. Từ đó, ngã ba nơi có đồn Pháp bị ta xóa sổ được người dân quanh vùng gọi là ngã ba Hương Nho.Thời kháng chiến chống Mỹ, đình Cổ Mân là một trong 8 ngôi đình ở Khu Đông được cán bộ cách mạng làm nơi hội họp, bàn kế hoạch tiến công đánh địch, xây dựng cơ sở. Năm 1972, cán bộ cách mạng đã treo cờ Giải phóng trên ngọn đa cổ thụ cạnh đình Cổ Mân.
Ngôi đình làng lúc sơ khai bị hư hỏng, các họ tộc cùng nhau góp công, góp sức xây dựng, trùng tu lại bằng vật liệu kiên cố : gạch, đá, ngói, vôi, cát, sạn, mật đường. Vào đầu thế kỷ XVIII, đình làng được xây dựng theo trường phái Phương Đông (long, lân, quy, phụng). Bên cạnh đó, xây dựng thêm ngôi âm linh để thờ vong linh của những chiến sĩ vô danh. Thường năm, vào ngày 25 tháng Chạp Âm lịch, dân làng tập trung tu bổ phần mộ, thắp hương tưởng niệm, tổ chức nghi lễ đón Tết Nguyên đán, treo cờ, cắm phướn, dựng nêu, chọn người hiền xông đất đầu năm, chuẩn bị lễ vật, bông hoa, cây trái, bánh chưng, bánh tét bày cúng trong 3 ngày Tết, tổ chức văn hóa, vui chơi giải trí, dân làng mến mộ nhất là loại nghệ thuật tuồng, hát bội.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân được sống bình yên, tham gia lao động, xây dựng cuộc sống mới, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Hơn 20 năm sau (1996), ngôi đình làng bị hư hỏng nặng, bà con nhân dân và ban phụng sự đình làng đã quyên góp tài chính, vật liệu, cùng nhau xây dựng lại đình Cổ Mân rộng rãi, chắc chắn, đẹp đẽ và khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Chống chọi với tai, địch họa đình làng Cổ Mân đã có bề dày lịch sử hơn 300 năm với nhiều lần tôn tạo, tái chế.
Nay vượt xưa
Chống chọi với thiên tai, địch họa hơn 300 năm trôi qua, đình Cổ Mân cũng phải mấy lần tôn tạo, tái thiết. Sau ngày thống nhất đất nước, đình đã được trùng tu khang trang, cổ kính hơn để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn".
Mới đây, thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, Ban phụng sự đình làng và thân hào nhân sĩ các họ tộc đã thống nhất di dời toàn bộ đình, miếu Âm linh và nhà thờ tộc Phan về vị trí dành riêng làm khu văn hóa của khu vực Mân Lập Tây, phường Mân Thái. Từ nguồn kinh phí của UBND thành phố và Ban Quản lý dự án Bạch Đằng Đông, các kiến trúc theo kiểu cổ này tuy đã được xây mới hoàn toàn nhưng vẫn bảo lưu được một số câu đối xưa. Ngay cửa đình là câu “Chánh khí lưu hành kim việt Cổ/ Văn phong thạnh phát thống chi Mân”. Các cụ cắt nghĩa : Giữ được chánh khí lưu hành trong làng thì nay có thể vượt qua xưa, bồi đắp nền văn phong để kế thừa truyền thống tổ tiên.
Hơn 150 ngôi mộ chiến sĩ vô danh đã được di dời lên Nghĩa trang thành phố ở Gò Cà. Chỉ còn lại ngôi mộ cổ của một đội trưởng họ Phan tự là Minh Trí, nằm giáp ranh giữa hai phường Mân Thái và Nại Hiên Đông, từng được nhiều bài báo đề cập đến. Hằng năm, đến ngày 25 tháng Chạp, trước khi tổ chức lễ tế chiến sĩ trận vong tại miếu Âm linh, dân làng lo tu tảo phần mộ, dọn vệ sinh quanh xóm làng để chuẩn bị đón năm mới. Ngày 16/3 âm lịch làm lễ cầu an, 16/8 làm lễ tế thu, trùng với lễ cúng cơm mới. Ngày trước, đây là dịp làng tổ chức hát bộ. Ông Phan Văn Kỉnh kể, năm 1958, làng Cổ Mân thành lập đoàn hát bộ Đồng Ấu, rước nghệ nhân từ Điện Bàn ra dạy, không chỉ hát ở địa phương, còn "đem chuông đi đấm xứ người" tận Huế.
Từ đình làng, đi mấy bước là đến bến sông. Con kênh Mương Lở đưa nước ngọt từ Tiên Sa về tưới mát ruộng đồng, gò Thần Nông xôn xao người về sau mỗi mùa thu hoạch, cây đa rợp bóng sớm chiều bên mái đình xưa... tất cả chỉ còn trong hoài niệm của những bậc kỳ lão. Trên dấu xưa giờ là phố mới. Người các nơi tụ về, nhận ra đâu đó trên đường nét của những rồng, những phượng lượn trên nóc đình mới chút dư âm của tháng ngày hội hè cũ. Tiếng chiêng, tiếng trống lại âm vang vào những ngày lễ trọng của làng, níu giữ hồn quê giữa lòng phố mới. Các thế hệ người dân Cổ Mân nối nhau đi qua, song vẫn một lòng thiết tha với di sản của cha ông để lại: Chánh khí lưu hành kim việt Cổ...
Theo Danang.gov + internet
0 nhận xét: