Hướng dẫn du lịch Bạc Liêu
Mỗi khi nhắc đến Bạc Liêu xưa người ta thường liên tưởng đến sự ngông nghênh, sự thừa mứa coi tiền như rác của một công tử Bạc Liêu thời thuộc Pháp. Vâng! Công tử Bạc Liêu rồi cũng tự đào thải theo quy luật tiến hóa của xã hội. Công tử Bạc Liêu giờ đây chỉ còn như một chuyện kể để người sau tránh lặp lại cái sự ngông cuồng ấy… Và Bạc Liêu ngày nay, mỗi khi nhắc đến người ta thường nói nhiều, nhớ nhiều với những tuor du lịch sinh thái thú vị mà không phải nơi nào cũng có được. Bởi nơi đây, du lịch Bạc Liêu có những nét riêng của mình…
Từ xưa, Bạc Liêu nổi tiếng là vùng đất trù phú, phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, du lịch. Với 156 km bờ biển và các cửa biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng, Vĩnh Hậu; đường giao thông thủy bộ đều thuận lợi nên bạc Liêu còn là nơi trung chuyển lưu thông hàng hóa của các cơ sở kinh tế trong và ngoài tỉnh, có tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và du lịch nên được chính quyền tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng.
Những dự án về phát triển du lịch như: xây dựng khu du lịch sinh thái Nhà Mát - Hiệp Thành, Gành Hào; cải tạo cụm nhà công tử Bạc Liêu đưa vào khai thác du lịch; trùng tu nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... trong tương lai sẽ thu hút du khách đến Bạc Liêu ngày một nhiều hơn.
Những nơi mà bạn có thể chu du khi đến Bạc Liêu
Vườn chim Bạc Liêu
Cách thị xã Bạc Liêu 6km về hướng Biển, trên con đường mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, về phía phải, sang kênh 30 tháng 4 là đến Vườn Chim Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu. Theo tư liệu của khu bảo tồn thiên nhiên Vườn Chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm.
Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh. Vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, trong đó có một loài chim được ghi vào sách Đỏ như Giang Sen, Cốc Đế nhỏ…, 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ: 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học rất cần được bảo tồn và phát triển.
Vườn nhãn Bạc Liêu
Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách phương xa đến tham quan.
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước. Ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày... được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu.
Tham quan khu làm muối Bạc Liêu
Đến Bạc Liêu mà không thăm những cách đồng muối được chia thành từng ô, từng hàng chạy dài tít tắp là chưa biết hết nét đặc thù của xứ muối nổi tiếng này. Muối kết tinh trong ô trắng tinh, lóng lánh phơi mình dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Bạc Liêu có 156 bờ biển được đánh giá là sạch, độ mặn nước biển cao, cho muối tốt, thu hoạch nhanh. Người dân Bạc Liêu ven biển luôn biết tận dụng những gì biển khơi ban tặng cho mình để làm nên những hạt muối đậm đà cho bữa ăn thêm ngon miệng. Nghề muối ở Bạc Liêu đã có từ lâu đời.
Bạc Liêu là nơi cung cấp một số lượng muối khá lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Có nhìn thấy sự lao động cật lực, lam lũ của người làm muối mới biết để có hạt muối trắng ngần ấy, diêm dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức; mới cảm thấy quý trọng hạt muối, cái tình cái nghĩa của người làm ra hạt muối.
Đến thăm “khách sạn Công Tử Bạc Liêu”
Khu nhà cổ tọa lạc ở 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu là nơi gia đình ông Trần Trinh Huy - công tử Bạc Liêu - trú ngụ, nay đã trở thành khách sạn Công Tử Bạc Liêu với 6 phòng ngủ. 5 phòng bình thường có giá 250.000 đồng/đêm, riêng phòng công tử từng ở trước đây có giá gấp đôi. "Phòng công tử" có 1 giường đôi, ti vi, máy lạnh, 1 bàn viết, 1 tủ áo và toilet khá rộng kế bên.
Điểm độc đáo duy nhất của căn phòng này là chiếc máy điện thoại có từ đời Pháp thuộc đến giờ vẫn sử dụng tốt. Cô Thúy Vy - nhân viên lễ tân khách sạn - cho biết phòng công tử Bạc Liêu luôn đắt khách, nhất là người nước ngoài. Họ muốn được trải qua một đêm thú vị tại nơi mà vị công tử lừng danh từng trú ngụ. Du khách muốn qua đêm tại đây buộc phải đặt phòng trước cả tháng.
Thăm di tích Đồng Nọc Nạng
Di tích Đồng Nọc Nạng là di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, di tích này nằm ở ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu ngày nay. Di tích này là nơi diễn ra cuộc đấu tranh anh dũng của nông dân để bảo vệ ruộng đất của mình trước sự cướp bóc của bọn địa chủ cường hào dựa vào thế lực của bọn thực dân Pháp.
Đã trãi qua hơn bảy mươi năm, cánh đồng Nọc Nạng vẫn còn đọng lại khúc ca bi tráng ngày nào, sự kiện ấy đã đi vào thơ ca hò vè và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật với hình tượng người nông dân Bạc Liêu chất phác thật thà mà đầy nghĩa khí.
Đền thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh
Ngày 3/9/1969 toàn thể nhân dân Việt Nam bị bao trùm trong buồn đau không kìm được nước mắt vì nhận được tin vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh đã từ trần. Hồ Chủ tịch mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ trên Thế giới.
Để tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc Người, sau tang lễ Huyện ủy huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Sóc Trăng (Nay là Huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã chỉ đạo và phát động nhân dân trong toàn huyện xây dựng Đền thờ Bác. Địa điểm xây dựng ở ấp Bà Chăng A - Xã Châu Thới - Huyện Vĩnh Lợi.
Tháng 3 năm 1970 Xã ủy Châu Thới thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Lợi tiến hành xây dựng Đền thờ Bác. Mặc dù bị địch đốt phá hai lần nhưng nhân dân cũng như Xã ủy Châu Thới và Huyện ủy Vĩnh Lợi vẫn quyết tâm xây dựng bằng được Đền thờ Bác và lần này quyết không để địch phá hoại. Xã ủy Châu Thới lập ra ban xây dựng và ban bảo vệ trong lúc xây dựng và sau khi xây xong, lần này xây dựng kiên cố bằng xi măng, cốt sắt.
Đến chùa Xiêm Cán
Cách thị xã Bạc Liêu 7km về hướng Đông Nam, chùa Xiêm Cán là ngôi chùa của người Khơ-me lớn nhất và đẹp nhất trong vùng. Chùa được xây dựng hồi thế kỉ 19 với kiến trúc độc đáo.
Quan sát trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khơ-me, đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Đối với chùa Khơ-me, chánh điện thường quay về hướng Đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông.
Vào những dịp lễ hội lớn như lễ Ok Om bok, lễ Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta, không khí chùa thật rộn ràng. Ngày nay, người ta cảm nhận một sắc thái văn hóa đang phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khơ—me đang từng ngày được gìn giữ, phát huy nhằm làm đẹp hơn, phong phú và đa dạng hơn cho văn hóa Việt Nam.
Di tích Phước Đức cổ miếu tọa lạc tại số 74 Điện Biên Phủ, Phường 3, Thị xã Bạc Liêu. Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu, nó được một nhóm người Hoa xây dựng vào khoảng năm 1810, bàn thờ chính là thờ Ông Bổn - Một vị thần được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành.
Về quê hương của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ai cũng muốn một lần lắng nghe “Dạ Cổ Hoài Lang”, để nhớ lại cái thuở mới sơ khai của điệu Vọng cổ và sắc màu của làn điệu Phương Nam. Nếu đã có lần về thăm Bạc Liêu, bạn hãy một lần nghe qua đờn ca tài tử nơi vùng sông nước này.
Bạc Liêu là xứ có “bên nước mặn biển cho muối nhiều, bên nước ngọt, phù sa vun bồi”, Bạc Liêu có biển, có lúa, có chùa Xiêm và những bài Vọng cổ buồn nghe nao long người khi vừa đặt chân đến. Bạc Liêu cũng có cái tính rộng rãi của “công tử”, cái chất hào sảng của người Nam Bộ để làm người ta lưu luyến mãi không muốn về.
Theo Chudu24, báo Đất Mũi
0 nhận xét: