Phượt – Sau ba lần sẽ thành trò nhảm & Phản biện...
Phượt hay sự khủng hoảng của lớp trẻ?
Cách đây ít hôm, tôi được một cô em đang học một trường đại học ở Hà Nội, với biệt danh cugu89, một tay phượt “nghiệp dư” thuộc thế hệ nửa sau 8X nhắn cho một cái tin cụt lủn trên Offline: “Tối thứ 6 tuần này, nếu anh rỗi thì phượt. Toàn dân đít 8 cả. Cung đường mới rất đẹp”. Tôi tò mò gọi điện hỏi lại thì hóa ra đó là cung đường Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa – Tam Đường – Than Uyên – Mù Căng Chải – Yên Bái – Hà Nội. Vậy là tôi kiếu vì cung đường này tôi đã đi nhiều.
Thế nhưng, tôi cứ băn khoăn nên hỏi lại là có hai ngày mà đi cung đường gần nghìn cây số như thế thì suốt ngày phải ngồi xe máy lao vù vù, cũng chẳng biết được những nơi mình đến là gì, thì lập tức tôi nhận được câu trả lời đầy vẻ khiêu khích...
Rằng, thế hệ chúng tôi đã trở nên chậm chạp và lỗi thời rồi. Phượt trẻ bây giờ là xăng đổ đầy bình, đi được càng nhiều cung đường, đến được càng nhiều địa điểm trong một thời gian ngắn nhất càng tốt. Và, tôi thấy choáng trước những kinh nghiệm của một ”phượt trẻ” như cugu89. Tôi cam đoan rằng, nếu những lời lẽ này đến tai một “phượt gia” chân chính nào đó, chắc chắn cô em cugu89 của tôi sẽ bị sạc cho một bài giáo lý nghiêm khắc về những quy tắc của nhà phượt.
Phải thú thực tôi không phải dân phượt, cũng chưa bao giờ nhận mình là một tay phượt, dù những cung đường Tây Bắc, những địa danh Tây Bắc và miền Trung tôi đi cũng không phải là ít. Thế nhưng, cứ nghe một số người trẻ tuổi bây giờ, lúc nào cũng tự đắc vỗ ngực mình là dân phượt, tôi cũng thấy ngài ngại thế nào. Hóa ra những người trẻ bây giờ hiểu về phượt đơn giản quá. Với họ, phượt chỉ là một cuộc hành xác “nho nhỏ” để đi ngắm cảnh.
Sau này có dịp trò chuyện với những tay phượt thuộc loại “có đai có đẳng” ở Hà Nội, tôi còn biết thêm rằng, những “phượt gia” trẻ tuổi nhiều như nấm bây giờ sống hời hợt và nông cạn lắm. Bởi nhiều người vẫn nghĩ phượt là sành điệu và dân phượt là những người có bản lĩnh khác người. Thế mới có chuyện dân phượt trẻ tuổi sau một chuyến phượt (có thể là đầu tiên của mình) đã lên mạng khoe mẽ, nói ra những tuyên bố rất hùng hồn như là mình vừa mới khám phá ra một điều gì đó lớn lao, tựa như Colombus tìm ra châu Mỹ. Cũng vì thế mới xuất hiện những kiểu tranh luận không đầu không cuối, có khi còn cãi nhau chí chóe trên diễn đàn của mạng TTVNOL giữa những phượt trẻ, chuyện cứ diễn ra như cơm bữa. Và, đó là những sự cố vui vẻ nhất và cũng đáng buồn nhất với dân phượt gạo cội.
Chị Nguyễn Thị Thu, còn có tên gọi khác trên diễn đàn là Xuxu, làm việc tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Bắc, một người còn rất trẻ nhưng đi phượt thì đã có thâm niên 3 năm cho biết: hiện dân phượt trẻ, nếu tính từ nửa cuối thế hệ 8X đến đầu thế hệ 9X chiếm khoảng hơn 30% dân phượt hiện nay. Mặc dù phượt dường như chỉ dành cho những người có cá tính mạnh. Thế nhưng không ít bạn trẻ thành phố hiện nay lại coi phượt là sành điệu, phượt để khẳng định bản thân, thay cho việc đi vũ trường hay đua xe một thời. Thậm chí nhiều bạn trẻ có gia đình không hạnh phúc, bố mẹ không quan tâm đến con cái lại coi đi phượt cũng như một hình thức để “dạt vòm” chạy trốn cuộc sống căng thẳng, chán chường trong gia đình.
Tuy nhiên, theo chị Thu, những bạn trẻ đi phượt vì mục đích này thường rất hời hợt. Họ thường đổ xăng thật nhiều, đi thật nhiều theo kiểu đi lấy được, chứ thực chất, những nơi họ đã đặt chân đến không hề để lại cho họ những ấn tượng cụ thể. Họ thường đến một nơi nào đó duy nhất một lần rồi họ không bao giờ trở lại nơi đó lần thứ hai nữa. Điều đó trái ngược hẳn với những người đi phượt nghiêm túc, thường trở lại có khi rất nhiều lần cùng một địa điểm, trong mỗi mùa khác nhau, vào rất nhiều dịp khác nhau. Chính vì sự hời hợt nên với dân phượt trẻ tuổi, nhiều người có khi chỉ tham gia được vài ba chuyến, họ đã thấy chán, thấy không có cảm xúc, rồi sau đó, chính họ sẽ phải rời bỏ cuộc chơi.
Và phượt không chỉ là phượt!
Khác với đa số phượt trẻ, những người đi phượt lâu năm có lối đi phượt của riêng mình. Với họ, phượt không đơn thuần là một cuộc hành xác, mà đó là một quá trình tìm hiểu và tích lũy văn hóa, lối sống, đạo đức ở mỗi vùng đất họ đã từng đặt chân. Chính vì thế, cùng một địa điểm nhưng ở mỗi chuyến đi, tại mỗi thời điểm, những ấn tượng của họ về vùng đất, con người nơi đó vẫn rất sâu sắc.
Anh Lê Triều Dương, biệt danh là Dugia, người mà nhắc đến tên, bất kỳ dân phượt gạo cội nào ở Hà Nội cũng nể phục đã phải thừa nhận đầy ngao ngán: dân phượt bây giờ, nhất là những tay phượt trẻ chỉ tham đi được nhiều cung đường, đến được nhiều điểm rồi chụp những tấm ảnh để thỏa mãn bản thân. Chứ chưa chắc sau những chuyến đi như thế họ đã hiểu hơn về vùng đất, con người nơi họ đã từng đặt chân. Sự hời hợt đó nếu được khắc phục và bù đắp thì những chuyến dã ngoại theo kiểu hành xác như thế sẽ giúp những người trẻ trưởng thành rất nhanh.
Cũng theo Dugia thì phượt bây giờ đã trở thành nhu cầu của nhiều người. Bản thân anh, một người thuộc thế hệ 6X, nghĩa là già lắm so với đại đa số dân phượt hiện nay, nhưng mỗi khi cảm thấy tù túng với cuộc sống nơi phố hội là một mình một xe máy, anh lại khoác ba lô đi… phượt. Bây giờ, sau hơn 20 năm đi phượt, anh cũng không biết mình đã đặt chân đến bao nhiêu địa danh mà sau này, rất nhiều hãng du lịch đã mở các tua phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng có một điều khiến anh thấy hạnh phúc là rất nhiều nơi anh đến, từ những đứa trẻ lên ba cho tới những người già cao tuổi ở những bản làng heo hút nhất vẫn nhớ đến anh và chạy ra đón anh như đón một người thân ở nơi xa lâu ngày mới trở về. Với anh, phượt không đơn thuần là một cuộc chạy trốn bởi sự ích kỷ để thỏa mãn những sở thích nhất thời cá nhân nữa, mà nó đã trở thành một nhu cầu văn hóa, nhân văn.
Chẳng thế mà rất nhiều lần, khi tin nghe người dân ở đâu đó bị thiên tai đang cần trợ giúp, Dugia lại cùng những thành viên khác mở những cuộc vận động quyên góp tiền, quần áo rồi mỗi người một xe chở lên tận nơi phân phát cho người dân vùng bị thiên tai. Số tiền và hiện vật, theo Dugia không lớn lắm, nhưng đó là điều không phải ai cũng có thể làm được.
Có lẽ chưa bao giờ dân phượt lại gia tăng về số lượng nhanh như bây giờ, đó là nhận xét chung của rất nhiều dân phượt. Cũng chưa bao giờ người ta lại dễ dàng đi phượt như bây giờ, bởi thông tin về những vùng đất, con người mà dân phượt quan tâm có đầy đủ và rất nhiều trên mạng internet. Nếu cần, người ta vẫn có thể hỏi thêm những thành viên khác, mà hiện nay đã có tới trên 1.000 thành viên của hàng chục nhóm phượt khác nhau thường xuyên đăng đàn, trao đổi thông tin trên các diễn đàn của trang TTVNOL và trên trang phuot.com. Thế nhưng, cái gì cũng cần phải nghiêm túc. Phượt cũng vậy. Nếu những người trẻ cứ đi, cứ cảm nhận mọi thứ hời hợt thì sau này, họ cũng sẽ hời hợt với mọi thứ, kể cả với cuộc sống của chính họ. Và vì thế, những chuyến đi sẽ không hề giúp họ lớn lên, mà nó chỉ kéo dài thêm sự khủng hoảng, vô lối của họ trước cuộc sống hiện tại và trước tương lai của chính họ mà thôi.
Phương Anh (Vietimes)
Phản biện “Phượt – Sau ba lần sẽ thành trò nhảm”
Đọc một lượt từ đầu bài đến cuối kể ra cũng gật gù. Tác giả phân tích có tình có lý theo cách hiểu của bản thân rằng là dân Phượt thì phải đi như thế nào, phải quan tâm đến cái gì, phải lướt qua những điểm đến nào để hưởng cái đẹp, cái thú, rồi thì những kẻ mới được xướng cái danh xưng mới “Phượt” đang có những phẩm chất gì, ra làm sao. Đọc rồi suy nghĩ toát mồ hôi vì hóa ra theo tác giả dân Phượt phải có nhiều phẩm chất cao đẹp lắm thì mới xứng. Đọc một hồi thấy chính người viết cũng “nhảm” như bài viết vậy, lầm tưởng cho cái chữ “Phượt” trở nên to tát giống với những thế hệ đuổi 8x mới được nhắc đến trong bài, hay lâu rồi ngồi nhà không đi đâu, chỉ lấy ý kiến của một đại cao thủ mà viết thành một bài quy kết cho toàn giới ham mê chạy xe trên những con đường.
< Cậu bé Hà Giang, chiếc quần vừa là áo luôn của một anh lên đây chơi và tặng em đấy – Ảnh: Lam Linh
Phượt nghĩa là gì thế? Là những kẻ trẻ tuổi lông nhông trên những con xe đã đổ đầy bình xăng, chạy từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, khám phá những mảnh đất mà ít người lui tới hay tìm đến những địa danh lâu nay chỉ biết đến cái tên trên bản đồ hay trong những phóng sự tài liệu. Ban đầu người ta đến với Phượt chỉ với mục đích như thế. Sẵn cái phương tiện mà hầu như ai cũng có, thêm cái balo chứa đồ và những gì mang theo vẻn vẹn trên trang bản đồ và những cái tra cứu được trên mạng một cách đơn giản nhất, những xế và ôm cùng lòng nhiệt huyết và đam mê lên đường. Họ không mang theo những suy nghĩ to tát cao sang như tác giả chụp mũ rằng đi để học hỏi hay khám phá để mình trưởng thành hơn mà chỉ vác theo một suy nghĩ duy nhất: đi để biết thêm một miền đất trong lãnh thổ Việt Nam mà thôi.
Nhóm Tây Bắc lẫy lừng trong giới đi trước cũng có những suy nghĩ thế. Ban đầu chỉ giản đơn với những thiết bị sẵn có. Rồi dần dần những chuyến đi kèm theo khám phá đã lôi cuốn bước chân những người trẻ, nên giờ người ta đi với những dụng cụ đầy đủ hơn cho cuộc đi. Không phải là những cuộc chơi nữa mà là những cuộc khám phá. Bản thân họ cũng đang dần hoàn thiện những kĩ năng chuyên nghiệp từ xe cộ cho đến những phụ tùng để leo núi và đi biển hay các hoạt động khác. Nhưng có mấy ai được như nhóm đi chuyên nghiệp này, những người đã từng trải và có chút vốn giắt lưng.
Muốn đi được thì phải có tiền. Đó là điều không thể phủ nhận. Sau những ngày làm việc chăm chỉ, những người bạn đã thân quen với nhau lại sắp xếp đồ đạc cho một chuyến đi chơi bụi bặm vài ngày. Hành trang nào cũng dày lên sau mỗi chuyến đi, đó là những kinh nghiệm đã trải qua và những gì cần mang theo phục vụ cho cuộc hành trình.
“Tôi tò mò gọi điện hỏi lại thì hóa ra đó là cung đường Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa – Tam Đường – Than Uyên – Mù Căng Chải – Yên Bái – Hà Nội. Vậy là tôi kiếu vì cung đường này tôi đã đi nhiều. Thế nhưng, tôi cứ băn khoăn nên hỏi lại là có hai ngày…”
Không phủ nhận chuyến này đi hơi gấp, nhưng ngay như bác Du cũng đã có lúc chạy một lèo sang cái Nam Lào rồi về trong có hai ngày rưỡi đấy, có hành xác không? Tùy vào tính chất của cuộc chơi lúc đó. Có người chỉ đi cung đường này trong hai ngày, mà chính xác hơn thường là chạy hai ngày rưỡi, tức là từ đêm hôm trước. Có đội chạy hẳn trong 4 hoặc 5 ngày. Đơn giản là cái độ tạt ngang tạt ngửa của họ ra sao. Theo mức độ nào đó của giới Phượt thì thêm một câu rằng giới trẻ giờ Háo danh hơn trước, sẵn sàng chạy cho được đến cái điểm mà người ta đến chẳng nhẽ mình không đến để được tiếng là từng đặt chân đến mảnh đất này.
Trong hai ba năm trở lại, người ta đi Hà Giang như đi chợ và leo Fanxipang như một chuyến dã ngoại. Các topic kêu gọi thành viên ầm ĩ, ồn ào, rồi ọp ẹp các thể loại và kết thúc bằng những tấm ảnh trưng đầy box. Bởi vì Phượt bị đóng mác là phải đi chỗ nọ chỗ kia và trong mắt dân đi lại chẳng nhẽ đã Phượt mà lại không biết đến Lũng Cú, Hà Giang, chẳng từng một lần chạy qua đèo Mã Phí Lèng mà nhìn xuống dòng Nho Quế thì vẫn chưa xứng được gọi là dân Phượt. Quan điểm “nhảm” đó được chụp mũ xuống như kiểu người ta chụp mũ rằng đi Phượt là hành xác vậy. Vậy là thương hiệu đẳng cấp Phượt gia phượt thủ ngồi với nhau phải có tiếng đã từng hút thuốc lào đâu đó với mấy chú bộ đội biên phòng hay đổ đèo cho bằng được trong một đêm trăng nào đó để được tiếng Phiêu, nhất loạt chạy trong những ngày mưa gió để biết thế nào là sạt núi, lở đường, những nguy hiểm rình rập mà ta vỗ ngực hùng dũng đi qua.
Từ “Phượt” ban đầu chỉ mang nghĩa đơn giản bỗng đâu trở thành to tát và hoa mĩ. Người người đi phượt, nhà nhà đi phượt, đến các em lớp 8 cũng đi phượt rồi các ngôi sao cũng phượt. Đánh dấu cho sự lạm dụng từ của báo chí là một loạt các phượt thủ mới nổi trên những cung đường. Chỉ cần đi một chuyến nào đó là đã thành phượt gia, có thể ngồi bi bô bên chén trà kể chuyện nọ kia. Kết quả tất yếu của một thời đại thông tin bùng nổ.
Tác giả đã ngồi bàn nước với nhóm trẻ đi phượt theo kiểu “Phượt trẻ bây giờ là xăng đổ đầy bình, đi được càng nhiều cung đường, đến được càng nhiều địa điểm trong một thời gian ngắn nhất, phượt chỉ là một cuộc hành xác “nho nhỏ” để đi ngắm cảnh tốt. Phượt là sành điệu và dân phượt là những người có bản lĩnh khác người. Một lớp trẻ đã bị mĩ danh “Phượt” làm cho mụ mị đầu óc và háo danh. Cũng đã ngồi với bô lão trong giới Du già “Với anh, phượt không đơn thuần là một cuộc chạy trốn bởi sự ích kỷ để thỏa mãn những sở thích nhất thời cá nhân nữa, mà nó đã trở thành một nhu cầu văn hóa, nhân văn.”, mà quên mất có một thế hệ đứng giữa, những kẻ nối tiếp bác Du và đứng trên lớp đang chạy theo mĩ từ kia.
Chính những kẻ đi bụi ấy không nhận mình với cái tên Phượt thủ và cũng chẳng cần đến bất cứ cái quy chuẩn nào hết. Họ chỉ đơn thuần trong một cuộc chơi với một chuyến đi về miền đất lạ. Chính cái bọn không cần đến những danh từ đẹp đẽ trong các chuyến đi ấy lại hưởng trọn niềm đam mê nhất. Họ vẫn lặng lẽ những chuyến đi, chẳng hô hào trên các topic, chẳng có những vụ ọp ẹp to tát, rỉ tai nhau chỗ này hay lắm, chỗ kia hay lắm rồi lên đường. Ấy, chính những kẻ sẽ kể cho tác giả nghe về một chuyến đi bụi vui vẻ và chẳng hành xác tẹo nào thì lại chẳng được mời vào bàn tròn tiếp chuyện.
Mỗi kẻ có cách khám phá cuộc sống theo lối riêng và cũng có cách biết đời theo cách riêng. Có kẻ đi cho biết chỗ nọ chỗ kia. Có kẻ đi để khám phá, để tìm hiểu thêm phong tục tập quán. Có kẻ đi để trưởng thành hơn trong giao tiếp và ứng xử với đồng loại, có kẻ đi để bỏ cái tự ti bản ngã mà hòa đồng với xung quanh, có kẻ đi để trốn tránh những điều phiền muộn, có kẻ chỉ nghĩ trốn được khỏi gia đình vài ngày, thử rời khỏi vòng tay mẹ xem sao. Ai cũng vác theo mình những cái tôi và để những cái tôi hòa nhập được với nhau đã là cả một thành công. Điều được nhiều hơn điều mất. Người ta không thể đi đâu đó với những ý nghĩ giống nhau, những mục đích giống nhau và cũng chẳng có mấy ai nghĩ ngay đến việc giúp đỡ bà con các dân tộc nơi mình đi qua nếu không một lần được tận mắt chứng kiến.
Cái được và cái mất không thể cân đo đong đếm và nhìn thấy ngay được. Người đi về nhiều khi vẫn như còn đang lâng lâng trên mây. Và cũng không thể coi tất cả các chuyến đi là hành xác. Ai nói vậy khi con người được ăn ngon và ngủ kĩ dưới những nếp nhà ấm cúng, trong vòng tay của bè bạn và những người dân hồn hậu. Chỉ có những chuyến đi mà thiên thời địa lợi nhân hòa không tốt mới là những cuộc hành xác đúng nghĩa, mà những chuyến đi ấy thực sự hiếm hoi họa hoằn xảy ra với những kẻ đi bụi đúng nghĩa. Vì họ không coi những điều đó là hành xác mà là những trải nghiệm cuộc sống đầy bất trắc. Không thể bắt người ta đi đâu cũng phải tìm hiểu nọ kia khi trong tâm tưởng với họ chỉ là những chuyến vui chơi dã ngoại đúng nghĩa. Đặt những mục đích cao như thế cho dân Phượt thì mấy ai được cái danh hão ấy.
Những kẻ đi Phượt thực sự lại chẳng nhận mình là Phượt bao giờ vì với họ đó chỉ là những chuyến đi với bạn bè đến những vùng đất xa xôi khắp đất nước. Với họ, hạnh phúc là cả một quá trình chứ không phải điểm đến. Chính những gì mà họ nhận được xuyên suốt cuộc hành trình ấy mới là điều quan trọng nhất. Không thể đặt những mục tiêu cao cả cho một chuyến đi, chỉ những cảm nhận nhỏ mới làm người ta nhớ mãi. Đương nhiên việc đi và giúp đỡ là rất tuyệt vời, nhưng cũng không thể lấy đó làm điều khiến người khác phải theo. Một thư viện đã được mở trên vùng cực Tây Apachai và sẽ còn nhiều những thư việc khác được mở trên khắp cả nước khi có những bước chân đi qua.
“Thế nhưng, cái gì cũng cần phải nghiêm túc. Phượt cũng vậy.
Nếu những người trẻ cứ đi, cứ cảm nhận mọi thứ hời hợt thì sau này, họ cũng sẽ hời hợt với mọi thứ, kể cả với cuộc sống của chính họ. Và vì thế, những chuyến đi sẽ không hề giúp họ lớn lên, mà nó chỉ kéo dài thêm sự khủng hoảng, vô lối của họ trước cuộc sống hiện tại và trước tương lai của chính họ mà thôi.”
Chụp mũ và lên lớp một cách vô lối. Tác giả cho mình là một chuyên gia trong việc phân tích đời sống cả một thế hệ. Hời hợt với cuộc chơi không có nghĩa sẽ hời hợt với cuộc sống và ngược lại. Bởi đơn giản một điều có những người coi đó là cuộc chơi, có người lại coi đó là cuộc đời. Thế nên mới có câu “Đời là những chuyến đi”. Những người lớn không hiểu vì sao lớp trẻ lại chạy hàng ngàn km bám đường chỉ để đặt chân đến một nơi nào đó và những người trẻ đôi khi cũng chẳng hiểu nổi vì sao mình lại có những đam mê bất tận đến vậy. Hội chứng mà nhiều người gọi đó là “say đường”. Cuộc hành trình của những người đam mê thực sự sẽ kéo dài cho đến khi chân không còn vững trên mặt đường bằng phẳng và kết thúc sớm với những kẻ chỉ đi để điểm mặt chỗ nọ chỗ kia. Bạn nhận mình là dân Phượt nghĩa là bạn sẵn sang leo lên ngựa chạy đến một nơi tuyệt đẹp trên khắp đất trời rồi trở về với những cảm xúc còn mãi.
Bỗng dưng một ngày, người ta dùng từ “Phượt” để gán ghép cho một nhóm những người trẻ ưa du lịch bụi. Ban đầu, từ Phượt quả rất đẹp và hay. Giờ thì nó trở thành một từ chẳng ai thích bị gán vào, trừ những kẻ thích danh hão mà thôi. Phượt đúng nghĩa là đi bụi và tự khám phá. Và như thế thì không thể coi chỉ có đi xe máy, mà còn có những chuyến trekking và những chuyến ô tô xuyên dọc đất nước.
Hãy nhìn những khuôn mặt khác, những người rong ruổi trên khắp các ngả đường thế giới vẫn đang hàng ngày bước những bước chân mạnh mẽ trên vạn dặm đường xa. Họ là những người ham mê chủ nghĩa xê dịch và dám theo đuổi nó đến tận cùng.
Tác giả: Lam Linh (Diễn đàn taybacgroup.com.vn)
Lời bác Vndrake: “Phức tạp quá! Đi là nhu cầu của tự thân cho du nó núp dưới bắt kỳ một từ nào (“Phượt” - “Lãng Du” – “Du khảo”.. vv và vv). Cái cần tránh là tâm lý bầy đàn thấy người khác làm mình cũng làm theo mà ko thực sự hiểu mình muốn gì! Bản thân mình khi cảm giác muốn đi là đi thôi còn nếu chán là nghỉ. Đi không phải là nghiệp mà là thú vui.nên mình luôn tránh sự gò ép bản thân Cũng không nên khoác lên việc đi những cái áo đầy hoa mỹ cao cả như thêm yêu Tổ quốc, mở mang kiến thúc…. Những điều cao cao ấy thường ẩn sau những điều bình dị chú không cần phải la toáng hay hét to lên ở chỗ đông người. Với mình khi đứng trước một không gian mênh mang trên đỉnh đèo, trên mặt biển … mình luôn cảm thấy ” Sao mình lại có những giây phút sung sướng thế này ! ” vâg vì cảm giác sung sướng ấy mình lại càng đi nhiều hơn!!!”
Lời của Phuongnguyen webi:
Cá nhân tôi thì rất thích bài phản biện này. Đối với tôi đi chơi chỉ là đi chơi, đừng khoát lên lên nó bất cứ từ hoa mỹ nào. Nếu bạn đi chơi và cảm thấy sung sướng? Thế là quá đủ rồi!
Điền Gia: Rối rắm nhỡ, tôi thì đơn giản xem hết mọi bài và thích đi hết mọi nơi. Chưa chắc các chuyến đi của mình có thể đánh giá là phượt vì thật sự tôi không quan tâm đến mỹ từ này cho lắm ngoài lý do gọi "phượt" có vẻ ngắn gọn hơn là "du lịch bụi", "du lịch balô".
Những chuyến "du lịch bụi" của tụi tôi chỉ để thỏa chí, đi để nhìn ngắm cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ... hay tiếp cận với người dân nơi ấy khi có thể. Nếu từ những chuyến đi biết thêm các cảnh đẹp khó quên, hiểu thêm cuộc sống - cách sống người địa phương nơi đó thì tốt. Nếu không thì cũng thâu tóm được chút ít kinh nghiệm sống cho bản thân.
Phượt là... phượt, tôi chậm tiêu nên thì chỉ biết "đi chơi" kiểu ít tiền sau quá nữa đời người vật lộn với cuộc sống, thích lắm kia.
0 nhận xét: