Du lịch Gia Lai
Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, chia hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 21ºC - 25ºC. Vùng tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình năm từ 2.200 – 2.500mm, vùng đông Trường Sơn từ 1.200 -1.750mm.
Tỉnh có trục quốc lộ 14 nối với Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; trục quốc lộ 19 nối với các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quy Nhơn đến Pleiku và đi các tỉnh đông bắc Cam-pu-chia; quốc lộ 25 nối với Phú Yên.
Tỉnh Gia Lai với cộng đồng nhiều dân tộc chung sống gồm người Kinh chiếm 52% dân số, còn lại là người Gia Rai (33,5%), Ba Na (13,7%), Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cơ Ho, Nhắng, Thái, Mường...
Gia Lai là một vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc, chủ yếu là Gia Rai và Ba Na thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục và nhạc cụ. Các lễ hội đặc sắc ở Gia Lai: lễ Pơ Thi (Bỏ Mả), lễ hội đâm trâu, múa xoang - trang phục ngày hội được trang trí hoa văn nhiều màu sắc thần bí, các điệu múa dân gian và âm thanh vang vọng của các loại nhạc cụ riêng của từng dân tộc như tù và, đàn đá, cồng chiêng...
Đến Gia Lai du khách còn được xem những khu nhà mồ dân tộc với những bức tượng đủ loại và những nghi lễ còn rất hoang sơ với tôn giáo đa thần (Tô Tem) còn nhiều nét nguyên thủy.
Gia Lai là đầu nguồn của nhiều hệ thống sông đổ về miền duyên hải và Cam-pu-chia như sông Ba, sông Sê San và các con suối khác. Vùng đất Gia Lai có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên. Đó là rừng nhiệt đới Kon Ka Kinh và Kon Cha Rang nơi có nhiều động vật quí hiếm; thác Xung Khoeng hoang dã ở huyện Chư Prông; thác Phú Cường thơ mộng ở huyện Chư Sê. Nhiều con suối đẹp như suối Đá Trắng, suối Mơ và các danh thắng khác như bến đò "Mộng" trên sông Pa, Biển Hồ (hồ Tơ Nưng) trên núi mênh mông và phẳng lặng - núi Hàm Rồng cao 1.092m mà đỉnh là miệng của một núi lửa đã tắt.
Gia Lai có truyền thống cách mạng hào hùng, có khu Tây Sơn Thượng, căn cứ địa của vua Quang Trung, là quê hương anh hùng Núp. Nhiều địa danh chiến trường xưa của Gia Lai như Pleime, Cheo Reo, La Răng đã đi vào lịch sử.
Pleiku là thủ phủ của tỉnh Gia Lai, nằm trên ngã ba giao lộ của quốc lộ 19, quốc lộ 14, quốc lộ 25, cách Qui Nhơn khoảng 170 km về hướng Đông, cách Thành phố Hồ Chí Minh 540 km theo hướng Đông Nam. Thành phố cao nguyên này nằm ở độ cao 780 m so với mực nước biển. Đến Pleiku du khách sẽ được thả hồn mình cùng cây cỏ thiên nhiên, được hít khí trời mát lạnh và cảm nhận trong gió thoang thoảng mùi hương của những nhánh lan rừng, của hoa cà phê.
Các địa điểm, thắng cảnh đẹp tại Gia Lai có thể kể như:
Biển Hồ (Hồ Tơ Nuêng)
Nằm cách trung tâm TP. Pleiku 6km về hướng Bắc. Biển Hồ, trước đây nguyên là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, với diện tích khu vực 460 ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 250 ha và có độ sâu trung bình 15-18m. Dân trong vùng gọi Hồ là Biển và thế là có tên Biển Hồ.
Hồ mang tên Tơ Nuêng - tên một làng cổ trong huyền thoại. Chuyển kể rằng: Làng Tơ Nuêng xưa to và đẹp lắm, dân bản sống yên vui hòa thuận, bổng một hôm núi lửa ập tới lấp làng Tơ Nuêng, những người sống sót khóc thương làng minh và người thân mãi không nguôi, nước mắt chảy thành suối đổ về làng mà thành Hồ. Hồ giữ lại tên Tơ Nuêng, một kỷ niệm chung của bản làng,... ngày 16/11/1988, thắng cảnh thiên nhiên Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng: Di tích danh thắng.
Biển Hồ ngoài tác dụng trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho dân cư Tp. Pleiku, nó còn tạo ra một vùng sinh thái rộng lớn. Đặc biệt là các di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại Biển Hồ đã đem lại một bộ sưu tập hiện vật phong phú, là bằng chứng chứng minh lịch sử lâu đời của mảnh đất Gia Lai tươi đẹp và huyền bí...
Di tích lịch sử - văn hoá Tây Sơn Thượng Đạo
Cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại do anh em họ Nguyễn lãnh đạo bùng nổ năm 1771. Vùng núi rừng An Khê của Gia Lai trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính từ căn cứ Tây Sơn Thượng đạo ở An Khê, đại quân của cuộc khởi nghĩa đã tràn xuống đồng bằng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Đống Đa lẫy lừng, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giành lại độc lập cho tổ quốc. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc Gia Lai.
Các anh em nhà Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã lập được mối quan hệ anh em giữa người Kinh và người Thượng, tập hợp được các dân tộc Bắc Tây Nguyên ở vùng Tây Sơn Thượng đạo như người Bahnar, Jrai vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Ngày 14-6-1991 quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Bộ VH-TT cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa, quần thể gồm 6 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Quang trung - Nguyễn Huệ: An Khê Đình, Gò Chợ, hòn đá Ông Bình, hòa đá Ông Nhạc, Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu, kho tiền - nền nhà ông Nhạc.
Di tích lịch sử văn hoá nhà lao Pleiku
Di tích ở trung tâm Tp Pleiku, cách Bưu điện tỉnh Gia Lai khoảng 300m về phía Nam có thể đến Di tích bằng các loại phương tiện xe ôtô, môtô hoặc đi bộ. Năm 1925, người Pháp cho xây cất Nhà lao Pleiku để giam giữ tù thường phạm, chủ yếu là người dân tộc. Đến năm 1940 phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc phát triển mạnh mẽ, lúc bấy giờ thực dân Pháp đã dùng nơi này để giam giữ những người yêu nước.
Hệ thống các thác nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Tiêu biểu cho hệ thống các thác nước còn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai gồm có: Thác Phú Cường, thác Công Chúa, thác Ya Ma - Yang Yung, thác la Nhí, thác Lệ Kim...
Thác Phú Cường:Thác thuộc xã Dun huyện Chư Sê, cách TP Pleiku 45km về phía Tây Nam, thác có độ cao cột nước khoảng 45m, đã từ lâu thác Phú Cường được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên, thảm thực vật xanh tốt, nằm trên dòng chảy suối Ia Peet đổ ra sông Ayun về hạ nguồn xuống hồ Ayun Hạ. Khu vực thác Phú Cường đang được ngành du lịch lập quy hoạch chi tiết cho phát triển du lịch.
Thác Công Chúa:Thác thuộc xã la Mơ Nông huyện Chư Pah, cách TP Pleiku 50km về phía Tây Bắc, đây là một thác nước tự nhiên tuy không cao, nhưng địa hình rất đẹp. Thác nước được dàn trải bởi nhiều tầng đá thấp theo chiều xuôi xuống, với những bậc lên xuống dễ dàng, nước chảy không dữ dội mà êm đềm. Với vẻ đẹp lãng mạng của mình, thác Công Chúa đúng như tên gọi của nó như một nàng Công Chúa giữa chốn rừng xanh.
Thác Ya Ma - Yang Yung:Cách thị trấn Kông Chro 3km, cách TP Pleiku 120 km về phía Đông, đây là hai thác nước được tạo bởi khúc gấp của sông Ba đoạn ngang qua thị trấn Kông Chro. Thác Ya Ma (còn gọi là thác nhỏ) dòng chảy êm dịu, trên nền những bậc đá nối tiếp nhau, đi bộ dọc theo chiều dòng chảy của sông khoảng 3 km ta gặp một thác nước khác có cột nước cao hơn, như được nứt ra từ giữa dòng sông, tạo thành hai vách đá dựng đứng hai bên, đó là thác Yan Yung (còn gọi là thác lớn).
Thác la Nhí:Thác Ia Nhí thuộc xã Nhơn Hòa huyện Chư Sê, cách TP Pleiku 70km về phía Nam, được tạo bởi suối la Lốp, tuy không có độ cao bằng thác Phú Cường, song bề mặt của thác rộng, dòng chảy không dữ dội mà êm dịu. Đây là điểm du lịch sinh thái dã ngoại hấp dẫn, Công ty Dịch vụ - Du lịch tỉnh đã chọn khu vực thác la Nhí để mở tour du lịch cưỡi voi dã ngoại trong rừng và nghỉ ngơi picnic tại thác.
Thác Lệ Kim:Thuộc địa bàn xã la Tô, là một thắng cảnh đẹp của huyện la Grai, cách trung tâm huyện khoảng cách 15 km, cách Tp Pleiku 35km về phía tây, được tạo thành từ suối Ia Pech, chảy vào sông Pô kô nằm ngay bên trục lộ 664 la Grai đi Đức Cơ, với cột nước cao gần 30m dội xuống một hồ nước rộng, đứng phía dưới nhìn lên, hơi nước bay ta có cảm tưởng như những làn sương mù bao phủ.
Thác chín tầng:Thuộc địa bàn xã Ia Sao, huyện Ia Grai, đây là dòng thác rất đặt biệt, cột thác được phân cấp 9 tầng, dòng nước chảy mạnh, phong cảnh hai bên bờ rất đẹp. Khách địa phương trong thành phố, đặc biệt là thanh niên thường tổ chức picnic tại thác. Đây là một trong những điểm có nhiều lợi thế cho đầu tư phát triển du lịch.
Thuỷ điện Ialy
Công trình thủy điện Ia Ly được xây dựng trên sông Sê San, một con sông lớn Tây Nguyên. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, lớn thứ hai sau thủy điện Hòa Bình, với công suất 720MW và sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ Kwh. Tổng công suất có thể khai thác của toàn bộ sông Sê San ước khoảng 1.500 MW, trong đó Ia Ly chiếm gần một nửa. Trên và dưới thủy điện Ia Ly dự kiến xây dựng thêm 4 nhà máy thủy điện khác: Sê San 3, Sê San 4, Plei Krông và Thượng Kon Tum. Sê San 3 và Sê San 4 là những nhà máy nằm phía hạ lưu của thủy điện Ia Ly.
Thác Ia Ly nổi tiếng ngày xưa nay được thay bằng cảnh đẹp đập dâng, đập tràn xả lũ và một hồ nước rộng lớn trong xanh nằm giữa núi rừng Tây Nguyên, với diện tích bề mặt hồ rộng 64,5km2 và dung tích 1,03 tỉ m3 (ứng với mức nước dâng bình thường 515m). Nơi đây sẽ là một điểm du lịch tuyệt vời về cảnh quan và môi trường, đồng thời còn là nơi cung cấp các loài thủy sản nước ngọt cho Tây Nguyên.
Hồ Ayun hạ
Hồ Ayun Hạ là hồ nước nhân tạo, hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại vào đầu năm 1994, để khởi công xây dựng công trình thuỷ lợi Ayun Hạ, đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chưa A Thai - huyện Ayun Pa, cách Tp. Pleiku 70km về phía Tây. Vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã HBông huyện Chư Sê. Hồ Ayun Hạ ngoài tác dụng cung cấp nước tưới cho 13.500 ha lúa nước, còn là hồ cung cấp nguồn thuỷ năng lớn ở khu vực, nhày máy thuỷ điện Ayun Hạ đã được xây dựng vừa chính thức hòa điện vào lưới điện quốc gia với 2 tổ máy đi vào hoạt động có công suất 3.000kwh.
Với bề mặt thoáng của hồ rộng 37km2, dung tích 253 triệu m3 nước (ứng với mực nước dâng bình thường), hồ Ayun Hạ còn là nơi cung cấp nguồn thuỷ sản lớn cho khu vực Ayun Hạ và TP Pleiku. Ngoài ra, mặt hồ còn là nơi tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước, tổ chức các đội tàu, thuyền phục vụ khách du lịch tham quan, dã ngoại ngắm cảnh ven hồ.
Cổng trời Mang Yang
Người dân Gia Lai vẫn quen với tên gọi khá huyền thoại "Đèo Mang Yang" là Cổng trời (Mang tiếng Jrai có nghĩa là cổng-cửa, Yang tức là trời). Quảng đường đèo không dài nhưng độ dốc đứng tạo cho ta có cảm giác như lên với trời xanh, có lẽ vì đặc điểm này mà nó rất thích hợp với tên gọi đó.
Nếu ai từng lên Phố núi Pleiku theo quốc lộ 19 và lại vào 2 mùa mưa nắng đặc trưng của cao nguyên này chắc hẳn sẽ không ngỡ ngàng trước hai vẻ đẹp rất riêng, rất nên thơ của phong cảnh nơi đây. Nếu bạn đến vào mùa nắng sẽ như lạc vào rừng cúc quỳ vàng rực rỡ dọc theo đoạn đường lên đến đỉnh trời, và nếu là mùa mưa bạn càng không khỏi ngỡ ngàng trước làn sóng nhấp nhô của cỏ tranh đuổi nhau trên sườn núi. Cảnh quan của Đèo Cổng trời vừa hùng vĩ vừa nên thơ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Đồi thông Đắc Pơ
Đăk Pơ được thiên nhiên ưu đãi một khu rừng thông tự nhiên và một thảo nguyên cỏ tranh cạnh bên đã tạo nên một vị trí hấp dẫn cho đầu tư một khu du lịch tại đây, vùng đất này thường được gọi là "Đồi thông Đăk Pơ". Là một rừng thông tự nhiên hơn 40 năm tuổi, có mật độ khoảng 500 đến 600 cây/ha, đường kính cây khoảng 40 cm trở lên, cá biệt có một số cây có đường kính từ 1 m trở lên. Đồi thông nằm ở độ cao trung bình 1.150 m so với mực nước biển, có hệ thống suối chạy qua và nhiều thác nước lớn nhỏ tạo nên một quanh cảnh tươi đẹp. Khí hậu ôn đới nhiệt độ từ 15-200C.
Ngoài ra, Gia Lai còn rất nhiều nơi độc đáo như đỉnh Hàm Rồng, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ja Răng, thác Xung Khoeng, đồi thông Hà Tam, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai... chờ bạn ghé thăm.
Trích Cuocsongviet, internet
gia lai đang phát triển lắm đấy
Trả lờiXóavietnam motorbike tours Loop Bike Tours