Điểm du lịch ở Thái Bình
Thái Bình không có đồi núi nhưng lại có 53 km bờ biển với làn nước trong xanh. Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 110km, cảng Hải Phòng 70 km, xung quanh là một số tỉnh có tiềm năng du lịch như Ninh Bình, Hà Tây. Là cầu nối quan trọng giữa miền trung với cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân đây một điểm khá thuận lợi cho du lịch nơi đây.
Không những thế nơi đây đã xây dựng một số cầu như Triều Dương nối với Hưng Yên, cầu Tân Đệ nối với Nam Định là điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa, du lịch với các tỉnh bạn. Chính những thuận lợi ấy mà Thái Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và điển hình cho nền văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Là một vùng chịu sự trực tiếp ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế và trung tâm du lịch lớn Hà Nội-Hải Phòng- Quảng Ninh.
Thái Bình chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23ºC- 24ºC. Mùa đông thường ấm hơn so với các tỉnh nằm sâu trong đất liền. Mùa hè nóng nhưng có gió biển mát mẻ.
Ðến với Thái Bình, là đến với các công trình văn hóa lịch sử và sinh hoạt văn hoá dân gian. Toàn tỉnh có 82 công trình kiến trúc đã được nhà nước xếp hạng, nổi tiếng nhất vẫn là chùa Keo, đền Ðồng Bằng, đền Tiên Ca, cung Long Hưng, với những gác chuông chạm khắc đá, các di vật quí hiếm và tài nghệ. Thái Bình có gần 30 lễ hội khác nhau như hội Keo, Tiên Ca, Ðồng Bằng, hội Du xuân, hội thi nghề...Nơi đây cũng có nhiều làng nghề thủ công truyền thống như chạm bạc, thêu ren, dệt đũi, dệt chiếu...
Các hình thức sinh hoạt văn hóa ở Thái Bình hết sức phong phú với 16 thể loại hát, múa, đặc trưng như múa rối nước Nguyên Xá, chèo làng Khuốc, kéo chữ Phụng công, múa bát dập, hát ống Lộng Khê, hát trẽ khói Cốc mỏ... nhiều trò chơi độc đáo: Thi pháo đất, bắt cá, bắt trạch, bắt vịt, nấu cơm, dệt chiếu, rước ông Ðùng - bà Ðà, chọi trâu, chọi gà...Thái Bình còn có các bãi biển Đồng Châu, có các đảo cồn Vành, cồn Thủ và có làng vườn Bách Thuận bốn mùa ngát thơm hoa trái.
- Khu du lịch biển Đồng Châu
Biển Đồng Châu thuộc huyện Tiền Hải, cách thành phố Thái Bình 35km theo tỉnh lộ đi Kiến Xương - Tiền Hải. Đến với khu du lịch biển Đồng Châu, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của biển, của bãi tắm luôn lộng gió.
Khu du lịch bao gồm bờ biển thuộc xã Đông Minh; Cửa Lân; hai đảo biển Cồn Thủ và Cồn Vành. Diện tích toàn khu du lịch rộng hàng chục km2, trung tâm của khu du lịch là bãi biển Đồng Châu dài 5km, nơi đây đã hình thành hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ cao tầng phục vụ du khách đến với Đồng Châu tắm biển, nghỉ dưỡng. Điều thú vị là từ bãi tắm Đồng Châu, du khách có thể đi tàu, xuồng gắn máy ra thăm và tắm biển ở Cồn Thủ, Cồn Vành. Cách đất liền 7km, Cồn Thủ và Cồn Vành nổi lên như hai ngọn sóng xanh giữa biển khơi.
Cồn Thủ có bãi cát trắng mịn, có rừng thông, rừng phi lao xanh ngắt, có bãi tắm nhỏ thơ mộng là địa điểm lý tưởng cho du khách đi tắm biển, tổ chức các cuộc picnic và nghỉ dưỡng bằng tầu thuyền với các trò vui chơi, giải trí trên biển như câu cá, lướt ván, bóng chuyền bãi biển ...
Cồn Vành rộng 15km2, có khu bảo tồn rừng ngập mặn là điểm dừng chân của các loài chim quý hiếm như cò thìa, bồ nông, mòng biển ... Hằng năm nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách là các nhà nghiên cứu, khách du lịch tới thăm cồn đảo.
- Khu di tích các vua Trần
Khu di tích các Vua Trần thuộc xã Tiến Đức và xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khu di tích nhà Trần đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa di tích khảo cổ học cấp quốc gia.Nó chẳng những thu hút các nhà nghiên cứu sử học, các nhà văn hóa mà còn là một điểm du lịch có giá trị đặc biệt, là nơi liên quan đến cội nguồn dân tộc luôn luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước về thăm.
- Đền Tiên La
Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đền thờ Bát Nạn Tướng Quân (tướng quân phá nạn cho dân - một nữ tướng của Hai Bà Trưng). Du khách xuôi theo tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi thị trấn huyện Hưng Hà khoảng 35km là tới.
Toạ lạc trên một diện tích khoảng 4000m2 trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô to lớn, đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, toà tiền tế, toà trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền… Toà điện bái đường và thượng điện của đền được kiến trúc bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu với các nội dung có tích kinh điển như "long - lân - quy - phượng" đan xen với "thông - trúc - cúc - mai".
Toà điện trung tế là công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối "chồng diêm cổ các". Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng ở toà bái đường đều làm bằng đá như hệ thống cột, xà, kèo... Tất cả đều được chạm trổ công phu tạo nên cho nơi này toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ hiếm nơi nào có được. Ngoài ra, đền Tiên La còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí quý giá có giá trị thẩm mỹ cao có niên đại từ thời Lê, các tài liệu như thần tích và sắc phong thần thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá, minh chuông đều có giá trị lịch sử quý giá.
- Đền Đồng Xâm
Đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, có thể xem như một tập đại thành của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn.
Đền Đồng Xâm là cả một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông.
Trung tâm của cụm di tích của đền Đồng Xâm là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 10000m2 xây dựng với nhiều công trình kiến trúc hùng vĩ và tuyệt đẹp như Vọng Lâu, Thuỷ toạ, Hoành mã, Sân tế, toà tiền tế, phương đình, toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ sư nghề chạm bạc...
Thuỷ toạ là một ngôi nhà hình lục lăng cao chất ngất gồm sáu cửa vòm quay ra các hướng, từ đây du khách có thể ngắm được toàn cảnh sân tế và các đường thuyền đua tấp nập trên sông khi có lễ hội.
Toà tiền tế của ngôi đền là một tòa đại đình gồm 5 gian rộng, với quy mô đồ sộ có chiều cao tới 13 mét và kiểu dáng kiến trúc bề thế ít gặp ở các di tích khác. Nối liền toà tiền tế tới hậu cung là toà điện Trung tế được kiến trúc theo kiểu Phương đình. Mặt bằng ở khu vực này được các nghệ nhân xử lý cực kỳ hợp lý, từ ba gian của toà tiền tế được rút lại một gian chính giữa làm nền của toà Phương đình.
Toà Hậu cung của đền được cấu trúc thành hai bộ phận liên hoàn là toà điện năm gian, nối với gian trung tâm là phần chuôi vồ được tôn cao mặt bằng để đặt khám gian. Phía hiên ngoài Hậu cung được bài trí hài hoà bằng những đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm. Hệ thống cánh cửa khay soi ở ba gian trung tâm của toà hậu cung được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá, chữ triện trên 12 ô cửa của Hậu cung tạo cảm giác lâng lâng thoát tục cho du khách trước khi bước qua ngưỡng cửa vào đây.
Khám gian đặt tại Hậu cung là một tác phẩm độc đáo mang nét đặc thù của làng nghề chạm bạc, đồng, sắt. Khám gian được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng với các đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý... Trong khám thờ đặt tượng Triệu Vũ Đế và Hoàng hậu Trình thị, cỡ tượng to tương đương người thật và đều được đúc bằng đồng khảm vàng, bạc, thiếp bạc...
- Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng thuộc thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền Đồng Bằng là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn của vùng quê lúa Thái Bình.
Xuôi đường 10 đi Hải Phòng, dừng chân bên cầu Vật, du khách sẽ bị cuốn hút trước công trình kiến trúc uy nghi, lộng lẫy đứng khiêm nhường bên dòng sông Cổ đầy ắp huyền thoại. Làng Đồng Bằng xưa là trang Đào Động - Một trong những phòng tuyến quân sự của nhà Trần thế kỷ 13.
- Làng chạm bạc Đồng Xâm
Làng chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là làng nghề chạm bạc nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo mang tính nghệ thuật cao. Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm (tên cũ là Ðường Thâm) nằm ở bên hữu ngạn sông Ðồng Giang. Những ghi chép trong sách sử cho biết: làng này hình thành vào cuối thời Trần-Hồ, cách chúng ta ngày nay trên 600 năm.
Buổi đầu là nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khoá, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát...về sau mới làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc.
Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng-tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện tế nhị và hoàn hảo tới mức tối đa.
- Làng vườn Bách Thuận
Làng vườn Bách Thuận thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là làng vườn trù phú với những vườn cây ăn quả và cây cảnh. Làng nằm cách thành phố Thái Bình 20km theo hướng cầu Tân Ðệ đi Nam Ðịnh. Ðây là một làng vườn trù phú, rìa làng là bãi phù sa nơi trồng dâu nuôi tằm và chuối, mía. Trong làng là những vườn cây ăn quả, cây cảnh.
Ðến Bách Thuận, du khách như lạc vào một công viên thu nhỏ với đủ các gam màu đậm nhạt... Dọc hai bên đường làng là màu xanh thẫm của ngâu và màu xanh tươi của hoè. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bách Thuận phát triển nghề vườn truyền thống. Ở đây có đủ các loại hoa, quả bốn mùa: táo, ổi, roi, mận, chanh, nhãn, vải, hồng xiêm, cam, quýt, chuối, mít...
Bách Thuận còn là một làng quê cổ, tiêu biểu cho các làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây có chùa Từ Vân và Bách Tính đã được Nhà nước xếp hạng di tích cần được bảo vệ, là một điểm du lịch để du khách tới thắp hương, vãn cảnh. Du khách trong và ngoài nước rất thích thú với cảnh quan, môi trường sinh thái ở làng vườn Bách Thuận.
- Chùa Keo
Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo.
Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn.
Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m². Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa chạm rồng chầu (thế kỷ 16). Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Sau chùa Phật có đền thờ Thiền sư Không Lộ, người khai sơn ngôi chùa vào thời Lý.
Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau. Tầng một có treo một khánh đá dài 1,20m, tầng hai có quả chuông đồng cao 1,30m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796.
Đến thăm chùa, du khách có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.
Hằng năm vào ngày mồng bốn tháng giêng âm lịch, nhân dân làng Keo xã Duy Nhất lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng chín âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (Ngài qua đời ngày 3 tháng 6 âm lịch).
Tổng hợp từ internet
0 nhận xét: