Bánh cúng, món ăn mùi nhớ
Chẳng biết bánh cúng xuất xứ từ đâu và tại sao có tên gọi như thế. Hỏi các vị cao niên trong gia đình không ai giải đáp được! Thôi thì đành hình dung nó đơn giản như tên gọi và dịp người ta thường chế biến: “Thứ bánh làm từ bột gạo, hình ống tròn gói bằng lá chuối, dài cỡ gang tay người lớn, thường dùng để cúng tổ tiên trong những ngày giỗ chạp ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng với bánh tét, bánh ít…”.
Muốn làm loại bánh này, trước đó một đêm, má lựa loại gạo ngon đem ngâm nước, sáng hôm sau xay thành bột. Sau đó, má phân công anh tôi ra vườn hái dừa khô, rọc lá chuối xiêm lau sạch, chẻ lạt (cọng lá chuối) phơi nắng cho hơi héo, và cắt một nắm lá dứa.
Bột xay xong cũng là lúc mọi thứ phụ liệu khác đã sẵn sàng: nước cốt dừa để ra tô, lá chuối xé miếng vừa kích cỡ, một chén nước lá dứa, một nắm lạt buộc, cùng các gia vị khác (muối, đường)… Bằng một động tác “điệu nghệ”, má đổ bột vào thau nhựa pha với nước cốt dừa, nước lá dứa, cùng một ít muối, đường cho vừa khẩu vị (bột không quá loãng), dùng vá đảo đều cho bột hòa tan rồi chuẩn bị đổ bánh.
Má thường chỉ cho các anh chị tôi phần quấn lá hình ống (như tổ sâu kèn), buộc lạt lại một đầu. Má thường dặn đi dặn lại: lạt buộc phải chặt để khi đổ bột vào ống không bị chảy ra. Khi những chiếc ống đã hoàn thành, má cầm ống dựng đứng lên, dùng quặng đổ bột vào ống, sau đó buộc chặt đầu còn, lại xếp ra rổ. Sau khi cột hết bánh, má xếp tất cả vào xửng, hấp khoảng 30 phút, lấy ra để nguội, thế là xong!.
Chiếc bánh cúng tuy bình dân thế, nhưng để làm được chiếc bánh ngon là cả một nghệ thuật: bánh phải dai; có vị béo - ngọt - mặn vừa miệng, ăn không ngán và nhất là màu sắc phải bắt mắt, mùi vị hấp dẫn …
Thỉnh thoảng, có dịp thưởng thức bánh cúng bán ngoài chợ, tôi luôn cảm thấy hơi hụt hẫng vì chẳng có bánh ai làm có thể có hương vị đặc trưng của chiếc bánh cúng má gói ngày xưa!
Theo Phụ Nữ TP HCM
0 nhận xét: