Về Năm Căn ngắm chim muông
Ngoài nổi tiếng về sự trù phú của các loài thủy sản dưới vuông thì người dân trong vùng còn biết đến nơi đây như một "vương quốc" thu nhỏ của các loài chim. Đây là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, một điểm dừng chân thú vị trong tour du lịch về thăm Đất Mũi…
Đến thăm nơi này, ngoài được thỏa sức ngắm nhìn chim muông, du khách còn có những phút giây thư giãn êm ái bên những túp lều mát rượi giữa rừng đước, mắm bạt ngàn, được thưởng thức những món hải sản bình dị, dân dã của vùng sông nước Cà Mau.
13 năm trước, cơn bão số 5 đã tàn phá nghiêm trọng nhiều khu rừng ngập mặn ở Năm Căn. Thế nhưng, khu rừng trong vuông tôm của ông Tư Na may mắn không bị hư hại. Không lâu sau đó, chim muông các nơi về đây trú ngụ, rồi lâu ngày phát triển thành bầy đàn đông đúc.
Từng là cán bộ kiểm lâm, yêu rừng, yêu thiên nhiên nên khi thấy chim cò quy tụ ngày càng đông, ông Tư Na ra sức chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ chúng một cách nghiêm ngặt. Ý tưởng của ông là sau này sẽ xây dựng khu vườn nhà mình thành khu du lịch sinh thái.
Nhờ giữ được rừng cộng với việc chăm sóc, bảo vệ tốt, ước đoán tổng đàn hiện có khoảng 100.000 con. Trong số các loài chim ấy, chim bồ nông chân xám, người dân địa phương gọi là chàng bè, là một loài chim quý có tên trong Sách đỏ Việt Nam ở cấp độ hiếm, đồng thời còn có tên trong Sách đỏ thế giới, ở cấp độ bị đe dọa mức nguy cấp. Đây là loài chim lớn nhất ở rừng ngập mặn Cà Mau, với trọng lượng mỗi con từ 3-6 kg, thường sống theo đàn, mỗi đàn từ vài chục con đến vài trăm con.
Để xây dựng vuông tôm nhà mình trở thành điểm du lịch sinh thái, thời gian qua, ông Tư Na đã thuê xáng dây vào cải tạo toàn bộ diện tích mặt nước xung quanh khu rừng, nhằm cải thiện môi trường nơi chim ở. Đồng thời, dưới mặt nước vuông tôm ông thả nhiều giống loài thủy sản để phục vụ nhu cầu ẩm thực cho khách du lịch. Trong số ấy, có nhiều loại như cá mú, cá chẽm… có con cân nặng hàng chục kí-lô-gam.
Ngoài ra, ông Tư Na còn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây tường thành ngăn mặn, đào ao nuôi một số loài cá nước ngọt và nuôi thêm ba ba, vít, cá sấu... Trên bờ, ông trồng sắn, khoai lang, khoai mì... Không chỉ vậy, ông còn mở các lối đi nhỏ len lỏi vào khu vườn chim; xây dựng hệ thống nhà ăn, chòi nghỉ cặp bìa vuông tôm dưới tán rừng.
Ông Lê Hoàng Linh, Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, cho biết: "Sau một thời gian chuẩn bị, đến nay khu vườn nhà ông Tư Na đã được công nhận đạt các yêu cầu của một điểm du lịch sinh thái. Hiện nay, điểm du lịch đã đón khách vào tham quan, bình quân mỗi ngày có khoảng 40-50 khách. Chính quyền địa phương tăng cường bảo vệ nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự, góp sức cùng lực lượng tại chỗ bảo vệ vườn chim nơi đây".
Vào thăm vườn chim, du khách có thể đi bằng xe hai bánh hoặc bằng vỏ máy đuôi tôm. Sự êm ả, thanh bình là cảm giác đầu tiên khi tới đây. Ngồi trên chiếc xuồng ba lá, hai mái dầm của các chàng trai, cô gái miền sông nước nhè nhẹ bơi, đưa du khách len lỏi vào tận khu rừng, nơi có nhiều chim cò… trú ngụ.
Dưới tán rừng gần 15 năm tuổi, thỉnh thoảng có những vệt sáng lọt vào, soi rõ những tổ chim non chằng chịt trên các đọt cây mắm, cây đước… Xa hơn, từng bầy chim thi nhau hụp lặn dưới mặt nước vuông tôm để bắt cá, tôm mớm cho chim non. Những hoạt động ấy diễn ra tự nhiên như chốn không người.
Nếu cảm thấy mệt mỏi, du khách có thể ghé vào nghỉ mát ở những căn chòi, có bàn ghế hoặc võng, thưởng thức bản nhạc hòa tấu phát ra từ tiếng kêu của chim muông. Hoặc du khách tiếp tục lên vỏ máy đuôi tôm rong ruổi khắp cánh rừng nơi đây, rồi ghé vào một hàng quán của chủ rừng, thưởng thức những món hải sản tươi sống bình dị miệt rừng, nhấm nháp vài ly rượu đế nồng ấm… Nếu đến đây vào con nước xổ tôm (từ 13-17 hoặc 28 - mùng 2 âm lịch hằng tháng), du khách sẽ tận mắt chứng kiến cảnh bắt tôm của chủ vuông hoặc của cư dân.
Du khách cũng có thể tham gia cùng chủ vuông các hoạt động này, rồi đưa lên những bếp than hồng, từ từ thưởng thức vị ngon tinh khôi ấy. Sáng mai về chắc chắn sẽ có một mớ đồ tươi sống, làm quà cho người thân… Những cảm giác thực ấy sẽ giúp du khách tạm quên những ưu phiền, lo lắng của cuộc sống để "hòa mình" cùng thiên nhiên!.
Theo bao Cà Mau
0 nhận xét: