Gái đẹp trăm miền
Nhưng hiện nay, nhiều người khẳng định không chỉ Tuyên Quang có “đặc sản” này. Mà ở Miền Tây, vùng Tây Bắc, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang cũng có những làng gái đẹp, miền gái đẹp. Rất nhiều người nói bây giờ ở Việt Nam, đi đâu cũng có người đẹp. Với giới văn nghệ sĩ, đến những vùng đó, hầu như ai cũng có một tâm trạng, ai cũng ngơ ngẩn muốn tìm một điều gì.
Đến với Điện Biên, du khách như bị lạc vào rừng hoa của váy áo sặc sỡ như những bông hoa đua nở trắng rừng Tây Bắc. Và càng bị hút hồn hơn bởi những điệu xoè. Tôi đến đây cũng thấy chộn rộn, vui sướng. “Inh lả ơi, sao noọng ời, khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười”. Mỗi đợt múa xoè có thể kéo dài đến hàng giờ đồng hồ, nếu ở trên bản có thể đến 2 giờ, thậm chí từ tối đến sáng.
Người múa thường là những cô gái mặt tươi như hoa, da trắng như trứng gà bóc, thắt đáy lưng ong điệu đà. Khách đến mà gặp đêm xòe, được mời vào cùng uống rượu, cùng nhảy, cùng vui thì không gì bằng.
Có những người lãng mạn đã chu du khắp cả vùng Tây Bắc để xem con gái Thái tắm suối. Nghe thì có vẻ thô tục, nhưng với những người sống gắn bó hoặc am hiểu văn hóa Thái thì cảnh con gái Thái tắm tiên là một phần không thể thiếu trong văn hóa Thái. Nếu thiếu cảnh đó suối ngàn Tây Bắc sẽ kém đi vẻ đẹp quyến rũ. Mùa hè, sau mỗi buổi đi nương về, các cô gái nghỉ chân bên suối, tự do ngâm mình trong làn nước mát lạnh giữa thanh thiên. Nhưng hình ảnh ấy cũng hết sức ý nhị. Các cô gái kín đáo quay mặt vào bờ, ý tứ cởi cúc áo, chiếc váy lúc này được kéo cao che kín khuôn ngực. Khi lội xuống nước tới đâu váy được nâng lên tới đó. Cho đến khi dòng nước đủ che kín thân mình. Thân hình tuyệt mỹ của các cô gái ẩn hiện dưới dòng nước xanh, tạo nên cái đẹp nhuần nhị, nên thơ hiếm có.
Trong Ngày Hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch vùng Đông Bắc được tổ chức vào giữa tháng 12/2008 tại tỉnh Bắc Giang, người ta còn được chiêm ngưỡng “đặc sản” của Bắc Giang với những cô gái dân tộc xinh xắn mà được nhiều người khen không kém gì hoa hậu. Nhất là các cô còn giữ được vẻ hoang sơ, như chưa hề biết đến sự nô dịch của mỹ phẩm hiện đại.
Đặc biệt là các thiếu nữ Tày ở đất vải thiều huyện Lục Ngạn. Vùng đất phía Tây của núi Yên Tử cách thành phố Bắc Giang chưa đầy 100 cây số này, từ lâu nổi tiếng bởi những “làng gái đẹp”.
Một cụ già ở xã Thanh Sơn, huyện Lục Ngạn kể rằng: “Tương truyền từ xa xưa xã Thanh Sơn là cái nôi sản sinh ra những người con gái đẹp. Họ luôn nằm trong tầm ngắm của những người đi kén các giai nhân từ khắp mọi miền của đất nước về kinh kỳ làm cung tần mỹ nữ. Con gái đến tuổi dậy thì đều có làn da trắng ngọc ngà, các chàng trai đi qua đều không thể không mải mê nhìn”. Chính môi trường sinh thái và khí hậu ở vùng sơn cước không quá nóng cũng không quá lạnh, rất hợp với sự phát triển của con gái đã khiến cho Thanh Sơn có “đặc sản” này.
Chuyện những cô gái đẹp được tuyển mộ đi làm cung tần trước đây là có thật. Có những người xuống tận Hà Nội, vào tận Huế làm việc ở trong cung cấm. Ngày nay, con gái xã Thanh Sơn vẫn đẹp, trời tối, con trai đến đứng đầy ngõ. Những năm gần đây, thôn Mậu và thôn Gà vẫn còn có nhiều cô gái tham dự và đã đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi người đẹp của huyện và tỉnh Bắc Giang.
Tuyên Quang vẫn tự hào với “chè Thái, gái Tuyên”. Tuyên Quang nổi tiếng là nhờ có vùng Thượng Lâm. Đặc biệt là những cô gái Tày. Một người dân bảo: “Dường như những gì người con gái cần có, ông trời ưu ái dành cả cho vùng này. Chả thế mà có câu thành ngữ “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm””. Vùng lòng chảo Thượng Lâm (huyện Na Hang) được bao bọc bởi những ngọn núi đá kỳ vĩ.
Có một truyền thuyết kể rằng: vào một ngày cả vùng chợt nhìn thấy một đàn phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi để làm tổ. Nhưng chỉ có 99 ngọn núi đủ để 99 con đậu, còn một con cứ lượn đi, lượn lại không tìm thấy chỗ đậu đành vỗ cánh bay đi. Vậy là, cả đàn lại bay theo con chim đó, để lại dấu tích 99 ngọn núi với hình dáng chim phượng hoàng, mỗi ngọn núi một thế đứng khác nhau tạo thành quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo đẹp này. Anh Bàn Tiến Đức, một cán bộ Phòng Văn hóa huyện Na Hang nói: “Con gái Tày ở Thượng Lâm nức tiếng xinh đẹp. Tính tình lại nền nã, duyên dáng. Khi lấy chồng thì hết mực yêu chồng thương con, một lòng thuỷ chung son sắt”. Những người từng đến Thượng Lâm đều công nhận sự hiếu khách của họ.
Đúng phong tục xưa, khách đến chơi nhà có con gái sau khi cơm rượu no say xong, chủ nhà mời khách ra uống nước. Lúc đó, người con gái trải chăn đệm thổ cẩm ra phòng khách rồi nằm vào đó để khách vào ngủ đã có sẵn chăn đệm ấm áp. Vừa nằm, cô vừa phải lắng nghe bên ngoài. Thấy tiếng ông bố mời khách đi nghỉ, cô kín đáo trở về buồng mình, để lại mùi hương thoang thoảng từ mái tóc, quyện vào chăn đệm, để khách ngủ ngon. Người ta gọi đây là “Nghệ thuật ủ khách”.
Người Thượng Lâm xa xưa đã tổ chức các cuộc thi người đẹp. Họ thường tổ chức vào các lễ hội như lễ hội Lồng Tồng, lễ đình làng. Phần thi người đẹp diễn ra gồm ba phần. Phần thứ nhất là hát Then, đánh đàn Tính, ứng xử gọi là phần lễ nhạc. Phần thứ hai là thi trang phục dân tộc và thi dệt vải, các thí sinh sau khi trình diễn trang phục dân tộc mình, thì bước vào phần thi dệt vải. Phần thi thứ ba là ứng xử, gồm cách đối nhân xử thế trong gia đình, đạo làm con, làm vợ, làm mẹ. Các vòng thi thể hiện rõ nét tài sắc, đạo đức của người con gái. “Chuẩn” văn hoá dân gian ở cuộc thi này đủ khó để khiến các cô ngày nay khó theo kịp.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, khi đến với Thượng Lâm đã thể hiện cảm xúc qua bài thơ QUA MIỀN GÁI ĐẸP, trong đó có đoạn: “Người đẹp vít cần nồng hơn rượu mạnh/ đàn hát chao ôi nghe chạnh lòng nhau/ bạc đầu cỏ lau bỏ sầu lâm khách/ cổng thành Nhà Mạc trẻ lại vì em/ tiên sa nghiêng thuyền sông Lô bay lên/ xe dời Thành Tuyên xa miền gái đẹp/ còn vọng lời chào dính hơn xôi nếp/ còn xanh lá tếch ai cầm trên tay/ da trắng chân dài cổ cao váy bay”.
Miền Tây gạo trắng nước trong, nhưng cũng là quê hương của những cô gái đẹp mặn mà. Bây giờ, những cô gái chân dài của vùng đất rộng lớn này tỏa đi khắp cả nước làm ăn. Họ làm những nghề lạ lắm, chẳng mấy ai hiểu nổi. Không mấy cô còn giữ được vẻ thuần khiết, làm ăn lương thiện khi ly dời quê hương.
Mấy năm trước, rất nhiều người đẹp ở miền Tây liên tục lọt vào danh sách những thí sinh đứng đầu trong các cuộc thi sắc đẹp của cả nước. Ngày nay, khán giả hâm mộ cái đẹp đã quen với những cái tên như Bùi Thị Diễm, Hương Giang, Nguyễn Ngọc Bích,... trong các cuộc thi người đẹp toàn quốc. Năm 2004 được xem là năm của các người đẹp miền Tây khi người đẹp đến từ Bến Tre là Nguyễn Ngọc Bích đã đoạt giải Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004. Người đẹp Bùi Thị Diễm đã làm rạng rỡ vùng đất Tây Đô khi xuất sắc đạt giải Hoa hậu trong cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ qua ảnh 2004.
Dẫu vậy, dư luận vẫn không hết thất vọng bởi phần thi ứng xử quá kém của các cô gái này tại các cuộc thi. Thế nhưng, một số ông “bầu” đã về miền Tây để “săn lùng” những cô gái đẹp, đưa về Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo, tham gia các cuộc thi sắc đẹp. Tất nhiên, hình thức bề ngoài quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cô gái phải hội tụ những ưu điểm sau: có lòng tự trọng, tự tin, thông minh, ham hiểu biết và yêu cuộc sống. Nhưng thật đáng tiếc, tại hầu hết các cuộc thi người đẹp, thí sinh chẳng bao giờ hội tụ đầy đủ những điều kiện trên.
Người Hải Phòng cũng tự hào về những cô gái chân dài của họ. Thành phố Huế dung dăng áo trắng dịu dàng, nét đẹp rất …Huế. Phú Thọ đất Tổ cũng tự hào với những tuyệt thế giai nhân. Hà thành tự hào con gái Tràng An nết na thanh lịch. Đất võ Bình Định tự hào gái má phấn môi son dũng mãnh đi quyền (giỏi võ)… Đâu đâu cũng có những cô gái đẹp. Ngày này, có nhiều cuộc thi nhan sắc, các cô gái đẹp đều nô nức đi thi với nhiều mục đích khác nhau, nhưng có một điều khá lý thú là không phải cô gái đẹp nào cũng như vậy. Nhiều cô gái đẹp nhưng âm thầm, bình dị sống ở một vùng quê nào đó và bằng lòng với cuộc sống gia đình ấm êm, hoà thuận.
Nhan sắc phụ nữ là trời ban, nhưng chắc chắn ông trời không bao giờ muốn sinh ra những cô gái đẹp, để rồi những cô gái ấy lại đi làm những công việc không đúng với thuần phong mỹ tục. Thế nhưng, ngày nay cuộc sống thực dụng thời hiện đại đang dần đánh cắp mất vẻ đẹp của người con gái. Nhiều người chẳng còn là bông hoa nhỏ dịu dàng tỏa hương ngày nào. Thế mới biết, để trở thành một bông hoa đẹp thực sự, khó lắm thay!
- Theo Văn hiến Việt Nam
Những miền gái đẹp
Huyền thoại tắm tiên
0 nhận xét: