Hoàng Su Phì - Pờ Ly Ngài - Nàng Đôn - bản Pá - rẽ mây lên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (P2)
< Ruộng bậc thang ẩn hiện trong làn sương mờ mịt. Nhiều người nói ruộng bậc thang Hoàng su Phì còn đẹp hơn cả Chế Cu Nha - Mù Cang Chải.
Một phần ba dân số thị trấn sống trên vùng cao nên cuộc sống rất khó khăn. Định hướng của huyện là phát triển trồng chè shan tuyết và thảo quả để cải thiện đời sống của nhân dân.
Hoàng Su Phì có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Nùng chiếm hơn 38%, tiếp đó là dân tộc Dao 22%, H’Mông 13%, còn lại là các dân tộc khác. Hoàng Su Phì là nơi tập trung nhiều lễ hội của các dân tộc như; lễ hội Khu cù tê của dân tộc La Chí; Cấp sắc, Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ; Lồng Tồng của dân tộc Tày, Cúng rừng của dân tộc Nùng... (Wikipedia).
Ruộng bậc thang ẩn hiện trong làn sương mờ mịt. Nhiều người nói ruộng bậc thang Hoàng su Phì còn đẹp hơn cả Chế Cu Nha - Mù Cang Chải.
Đó đây vẫn còn những nếp nhà sàn gỗ, cạnh là con suối cung cấp nước cho dòng sông Chảy, tít xa đầu ngọn suối có một cái thác khá đẹp.
< Một bà mẹ trẻ địu con trên đường về nhà.
Rất may lúc đi lên Pờ Ly Ngài, trời tạnh ráo không mưa nên chúng tôi tha hồ ôm cua mà không sợ trượt bánh. Chẳng mấy chốc đã đến trung tâm xã Sán Sả Hồ.
Nhìn con đường, tối đoán là sắp hết đoạn đường nhung lụa rồi đây.
< Trung tâm xã Sán Sả Hồ có cơ sở hạ tầng khá tốt, điện lưới đầy đủ.
Chạy được vài cái vắt vai nữa thì chúng tôi đến xã Pờ Ly Ngài, địa danh vốn trở nên huyền thoại dưới ngòi bút của tay Phạm Ngọc Dương.
< Pờ Ly Ngài trên bản đồ GPS của tôi.
Nếu ai đã từng đọc bài báo "Bí mật rừng cấm ở Pờ Ly Ngài" của Phạm Ngọc Dương thì sẽ tưởng tượng ra nơi đây như một chốn thâm sơn cùng cốc với những dốc đá dựng đứng, rừng rậm nguyên sinh bạt ngàn cùng những con người vẫn giữ được nét văn hóa đến hoang sơ, huyền bí. Dưới lời văn của tác giả thì rừng cấm ở Pờ Ly Ngài thật khủng khiếp, đầy ma lực và hùng vỹ đến kinh người.
< Trung tâm xã Pờ Ly Ngài khá đông đúc và sầm uất.
Tuy nhiên trong suốt quãng đường từ Hoàng Su Phì lên đến Pờ Ly Ngài, tôi cố tìm nhưng chẳng thấy chỗ nào có thể gọi là rừng cả, cùng lắm thì có vài đồi thông nho nhỏ, lưa thưa với những thân cây to hơn bắp chân một chút, còn lại toàn là ruộng bậc thang hoặc đồi núi trọc.
< Tôi rất là thắc mắc tạt vào hỏi thăm mấy anh bạn thổ dân này.
Tôi mới hỏi mấy anh chàng này là rừng cấm Pờ Ly Ngài nó ở chỗ nào ? mấy anh chàng ngây mặt ra có vẻ không hiểu, tôi đành hỏi lại là thế rừng ở đây ở chỗ nào? Một anh trả lời "rừng nào?, làm gì có rừng ở đây". Ô hay, hóa ra ở đây không có rừng à, hay là mình đi nhầm chỗ nhỉ, mà đây đúng là Pờ Ly Ngài rồi còn gì. Tôi lại ngó nghiêng khắp xung quanh thì đúng là làm gì có rừng ở đây thật, mà cũng chẳng có ngôi nhà trình tường nào vách dày gần 1m cả, toàn nhà gỗ hoặc nhà xây, thậm chí vách đan bằng cây giang cây nứa, chẳng làm gì có nhà trình tường ở đây cả.
< Đồi nứa lưa thưa một đoạn.
Hóa ra bố tác giả bài báo này hơi phét lác thì phải, sau cái vụ quái thú nuốt bò ở Xuân Sơn, Phú Thọ, giờ đến rừng cấm Pờ Ly Ngài, chắc phải xem xét lại sự chân thực của các bài báo lá cải một chút. Xem ra thông tin chân thực nhất có lẽ vẫn là box Du lịch TTVNOL và phuot.com mất thôi.
Nhìn con đường trước mặt vẫn đi lên cao mãi, tôi quyết định bỏ qua Pờ Ly Ngài mà tiếp tục đi lên phía trước.
Còn tiếp
Battramdao (Phuot.com)
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 -
0 nhận xét: