Hoàng Su Phì - Pờ Ly Ngài - Nàng Đôn - bản Pá - rẽ mây lên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (P1)

Chuyến đi của Battramdao (forum Phuot.com), một "phượt quái" có nhiều chuyến bôn ba tại vùng Tây bắc:
Vốn được đọc khá nhiều về Hoàng Su Phì trên báo mạng, nào là Bí mật rừng cấm Pờ Ly Ngài, Bí mật khu mả Tây trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, rồi Kỳ lạ ngôi đền thờ vị thần thuốc phiện ở bản Luốc... tôi quyết định phải đi Hoàng Su Phì một chuyến xem thực tế có giống như mấy tay nhà báo đó viết hay không. 

Hoàng Su Phì nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang khoảng 110km. Hoàng Su Phì có 2 dãy núi lớn là Tây Côn Lĩnh và Chiu Liều Thi, địa hình chia cắt mạnh. Huyện Hoàng Su Phì bao gồm 25 đơn vị hành chính xã, thị trấn, bao gồm: Thị trấn Vinh Quang, các xã: Nậm Ty, Nậm Dịch, Thông Nguyên, Bản Luốc, Bản Máy, Bản Nhùng, Bản Péo, Bản Phùng, Chiến Phố, Đản Ván, Hồ Thầu, Nam Sơn, Nàng Đôn, Nậm Khòa, Ngàm Đăng Vài, Pố Lồ, Pờ Ly Ngài, Sán Xả Hồ, Tả Sử Choóng, Tân Tiến, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Tụ Nhân, Túng Sán.

Trong đó ngoài thị trấn Vinh Quang và 3 xã Nậm Dịch, Nậm Ty, Thông Nguyên thì 21 xã còn lại của huyện đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II.

Tính đến cuối năm 2008, dân số của huyện Hoàng Su Phì là 58.037 người với 11.013 hộ. Bao gồm 11 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm đa số 39,01%; Dao 22,57%; Tày 13,62%; Mông 12,33%; còn lại là các dân tộc khác.

Ban đầu tôi cũng định đi một mình cho chủ động nhưng sau đó quyết định rủ thêm ông em Hoangnguyen đi cùng để cậu ta làm quen với những chuyến đi kiểu thế này, hơn nữa có thêm người cũng vui và an toàn hơn.

Hai anh em hẹn nhau ở đầu cầu Thăng Long, sau đó theo QL2 phóng một mạch lên Tuyên Quang, ăn bát phở rồi chạy tiếp đến Việt Quang, đi qua khoảng 13km thì rẽ trái về Hoàng Su Phì. May sao tối hôm đó trời quang, mây tạnh không có sương mù nên chúng tôi đi không gặp khó khăn gì. 8h30 chúng tôi đã tới thị trấn Vinh Quang, trung tâm của huyện Hoàng Su Phì, vào nhà nghỉ Hoàng Anh lấy phòng, cất đồ rồi đi ăn tối.

Hai anh em lang thang ra ngoài thị trấn tìm hàng ăn, thấy có một quán bán đồ chiên khá đông khách ngoài vỉa hè liền nhảy vào ăn. Có 2 cô bé khá trẻ và xinh xắn trông như người Trung Quốc bán hàng. Tôi đi tới hỏi thì cả 2 cô này đều không nói được tiếng Kinh, may thay có một anh chàng đứng cạnh làm phiên dịch để tôi gọi đồ ăn.

Quán này bán cái gì cũng chiên hết, từ đùi gà, cánh gà, phao câu đến bánh bao, đậu phụ, nấm, đỗ, rau... Cái gì cũng nhúng vào chảo mỡ sôi chiên lên hết. Trời đêm đang lạnh, ăn mấy thứ này với rượu cũng được đấy. Tên Hoangnguyen còn vác theo mấy con mực khô, hắn ra nhờ anh phiên dịch kia nướng hộ rồi gọi vài món chiên mỗi thứ vài xiên ngồi nhậu.


Mực khô, đồ nướng nóng hôi hổi chấm với tương ớt cay xè ăn giữa đêm đông lạnh mù sương khá là thú vị, 2 anh em tợp mấy cái đã hết nửa bình Glenfiddich 6 OZ của tôi.Thấy không ổn, tôi nhờ anh chàng phiên dịch chạy đi mua hộ hai chai bia về uống cho đã, anh ta nhiệt tình phóng xe máy đi mua ngay mặc kệ đám khách đang sồn sồn gọi đồ ăn.

Vừa ăn uống, tôi vừa ngồi hỏi chuyện anh phiên dịch kia. Hóa ra cái quán chiên này vừa mới mở được 5 hôm, 2 cô bé kia là người gốc Hoa bên Xín Mần sang đây làm, ở thị trấn này có rất đông người Hoa sinh sống, phải đến 30%. Khách đang ngồi đây cũng đa phần là người Hoa, họ nói tiếng Trung Quốc liến thoắng, chỉ trỏ lấy cái nọ cái kia ầm ỹ.


Càng về đêm quán càng đông, đa số là thanh niên, cả nam cả nữ ăn mặc khá sành điệu đi chơi rồi vào đây ăn. Ngồi đây thì nhìn không khí chẳng có vẻ gì là giữa chốn miền núi cao mà như là đang ở một góc phố Hà Nội vậy. Ăn xong, chúng tôi lang thang tìm thấy một hàng cháo gà bên bờ suối lại vào làm mỗi người một bát cho ấm bụng rồi về nhà nghỉ ngủ một mạch đến sáng để ngày mai lên Pờ Ly Ngài.


Buổi sáng, sau khi tham quan một vòng, điểm tâm rồi trở về khách sạn, thu dọn đồ đạc và lên đường đi Pờ Ly Ngài. hỏi han một hồi thì được người dân chỉ đường đi.

< Qua cây cầu mới bắc này là đường đi Pờ Ly Ngài.
< Đường đi Pờ Ly Ngài qua xã Sán Sả Hồ.
< Đường đi đã được thảm nhựa nhẵn thín.
< Phía dưới là dòng suối đục ngầu.
Hoàng Su Phì vốn nổi tiếng với ruộng bậc thang, tiếc là hôm nay trời không có nắng, nhiều mây và lúa thì cũng đã gặt hết lâu rồi.

Con đường lên Pờ Ly Ngài men theo dòng suối, gọi là suối nhưng thực ra tên nó là sông Chảy. Sông Chảy bắt nguồn từ sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh (2.419 m) và sườn đông bắc đỉnh Kiều Liên Ti (2402 m), phía tây bắc tỉnh Hà Giang, vượt qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái rồi chảy vào sông Lô ở Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Điểm cuối trong chuyến đi này của chúng tôi chính là đỉnh núi đầu nguồn của sông Chảy này đây.

Chuyến đi này cũng là chuyến đi xa đầu tiên của tên Hoangnguyen kia, ban đầu tôi khá lo cho hắn nhưng có vẻ hắn cũng quen rất nhanh với những con đường ngoằn ngoèo sát bờ vực sâu hun hút.
< Đứng sát bờ vực luôn đem lại cho tôi một cảm giác rất phấn khích.
Sông Chảy đến đây thì rẽ hướng -  Tuy nhiên đường lúc này vẫn còn tốt lắm.

Còn tiếp

Battramdao (Phuot.com)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 -