GÀNH RÁNG - BÌNH ĐỊNH

Gành Ráng Tiên Sa - tên chữ là Nhạn Châu là quần thể du lịch ở Đông Nam thành phố Qui Nhơn, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về hướng nam, nối liền dãy núi Xuân Vân trùng điệp ở phía tây, đông giáp biển, nam giáp khu điều trị phong Quy Hòa.

Ráng hiểu theo nghĩa của người dân đi biển là "đổ gió" từ trong buồm ra, xoay mũi theo. Thuyền qua gành này thường phải đổ gió nên người đi biển gọi là "Gành Ráng". Gành Ráng là một danh lam thắng cảnh của thành phố Quy Nhơn, được nhiều người biết đến. Di tích đã được nhà nước công nhận và xếp hạng ngày 15/11/1991.

Gành Ráng có diện tích rộng 35ha, là thắng cảnh đẹp với bãi cát trắng chạy dài hàng kilômét, nước biển trong xanh. Gành cao, sóng vỗ, phong cảnh thật kỳ vỹ, góp phần tạo nên cảnh quan hấp dẫn cho bãi biển Quy Nhơn.

Nơi đây có bãi Đá Trứng, còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu bên cạnh đồi Thi Nhân với mộ Hàn Mặc Tử (1912-1940), có những hang động đa dạng, những tượng đá mặt người, đầu sư tử, đầu voi, hòn vọng phu, hòn chồng, hòn vợ... do thiên nhiên tạo dáng dọc gành đá bờ biển nơi này.


Từ hòn Chồng men theo bờ đá đi ngược trỏ lại ta sẽ gặp những hang động dị dạng, đa hình, cổ quái do thiên nhiên tạo thành. Đặc biệt có bãi đá trứng rộng khoảng 40m toàn bộ là đá xanh tròn và nhẵn. Phía trên bãi đá có một mạch nước từ lòng núi chảy ra, tạo thành nguồn nước ngọt duy nhất phục vụ cho du khách tắm biển.

Gành Ráng Tiên Sa còn là khu an dưỡng, chữa bệnh lý tưởng. Từ Gành Ráng có thể nhìn bao quát bờ Đông của thành phố Qui Nhơn và bán đảo Phương Mai. Cách bờ biển khoảng 5 km về hướng đông có một hoang đảo: tục gọi là hòn Đất hiện lên như trôi nổi, giữa trùng dương mênh mông cùng vô số cánh buồm đánh cá.


Từ đỉnh Gàn Ráng đi chếch về phía tây chừng 50m ta sẽ gặp ngôi mộ bình dị hình chữ nhật xây trên ba tam cấp rộng và cao, có pho tượng Đức mẹ Maria đang trong tư thế 2 tay dang ra phía trên đầu mộ. Đó là nơi yên nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử — một nhà thơ tài hoa bạc mệnh của thi đàn thơ Việt Nam. Tại Gành Ráng còn có di tích của lầu Bảo Đại có 2 giếng tắm. Đứng ở Gành Ráng, du khách sẽ có một bức tranh thành phố Quy Nhơn được ôm ấp trong cảnh non nước mây trời thật nên thơ.

Truyền thuyết Gành Ráng - Tiên Sa: 

Trong tâm thức dân gian, cảnh đẹp huyền ảo bao giờ cũng là nơi có bóng dáng của thần tiên. Cũng bởi lẽ đó mà Gành Ráng là nơi có truyền thuyết Tiên xuất hiện. Bên cạnh cái tên dân giã thân quen, vùng này còn được gắn với một sự tích li kì. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một gia đình nông dân nghèo, sinh được một cô con gái nết na, xinh đẹp. Khi lớn lên cô gái đã có một mối tình trong trắng và mê say với một chàng trai cùng làng. Nhưng trớ trêu thay tiếng đồn về nhan sắc “chim sa, cá lặn” của nàng đã lọt đến tai một viên quan hám sắc và độc ác. Y rắp tâm ép nàng làm vợ. Bằng thủ đoạn gian xảo và ỷ thế quyền lực, y bắt người con trai đi lính rồi đưa chàng tới tận nơibiến ải xa xôi đồng thời ra lệnh buộc nàng phải nộp đủ mười cân yến sào trong vòng một tháng, nếu không đúng hạn sẽ phải lấy y. Giữ trọn mối tình chung thủy với người yêu, người con gái không quản hiểm nguy, quyết chí vượt biển ra đảo tìm tổ yến.

Không chịu khuất phục trước âm mưu của tên quan hiếu sắc, người con trai đã trốn về tìm lại được người yêu. Vì hạnh phúc lứa đôi và thương người yêu thân gái liễu yếu đào tơ, chàng không quản khó khăn nguy hiểm, quyết tâm thay nàng ra đảo. Người con gái trở về sống trong mong đợi và lo âu. Đến thời hạn nộp yến mà bóng chàng vẫn biền biệt. Sợ quá nàng đành bỏ trốn. Hay chuyện, viên quan cho lính đuổi theo. Bị truy đuổi gắt gao, người con gái chạy đến Gành Ráng, ẩn vào núi Vũng Chua. Quân lính đuổi tới đây bỗng trời nổi cơn giông tố, gió cuốn ào ào, mưa bay mù mịt, sấm chớp đùng đùng. Bỗng nhiên núi nứt ra một khe lớn, nàng chạy vào vụt đó rồi biến mất. Khi giông tan, trời quang, mây tạnh, khe núi biến thành một dòng suối mát, uốn lượn trên sườn núi như một dải lụa nối trời với đất. Người đời gọi đó là Suối Tiên.

Chàng trai khi tìm được đủ số yến cũng hối hả trở về những mong chuộc lại được người yêu. Nào ngờ trên đường từ đảo vào đất liền cũng gặp giông bão, yến bị sóng biển cuốn trôi hết. Chành đuối sức rồi ngất xỉu, sóng biển đã đưa chàng tấp vào Gành Ráng. Khi tỉnh lại chàng còn đang ngơ ngác chưa hiểu mình bị dạt vào nơi đâu thì thấy bóng người con gái lúc hiện, lúc ẩn, chàng vừa gọi vừa chạy theo cho đến khi hai người cùng biến mất. Gành Ráng trở thành nơi đoàn tụ của đôi uyên ương, vì cường quyền mà không nên được nghĩa vợ chồng lúc còn ở dương gian. Họ đã phải thoát tục thành tiên mới đến được với nhau. Câu chuyện đượm màu huyền thoại và đậm chất nhân văn ấy đã gán cho Gành Ráng hai chữ Tiên Sa, nên trong dân gian thường gọi vùng này bằng cái tên ghép Gành Ráng-Tiên Sa.

Tối đến, khu du lịch này mang trên mình một vẻ đẹp huyền diệu. Bầu trời đêm hè mịn như tấm áo choàng nhung. Từ dốc lên đồi, sáng trắng dãy đèn cao áp. Dưới chân Gành, từng đợt sóng biển ngời ánh lân tinh, lấp lánh dội vào vách đá khi mờ, khi tỏ. Tiếng sóng và gió biển ầm ào. Từ đỉnh Gành, phóng tầm nhìn ra biển, thấy rực sáng ánh đèn của ngư dân. Quay sang hướng Quy Nhơn, thấy lung linh đủ sắc mầu. Trên con đường Quy Nhơn-Sông Cầu, ánh đèn pha của những đoàn xe nối nhau tạo thành một dòng sáng chảy ven bờ biển.

Dulich,GO! tổng hợp