Quyến rũ đêm xuân bản Thái
Tôi gặp cô gái Thái tên Lò Nương trong một chợ phiên nhỏ ở Bản Panh (Sơn La) vào một ngày giáp Tết, cách đây chừng hai, ba năm. Lò Nương có dáng vóc nhỏ nhắn, trắng trẻo, khác hẳn sự miêu tả của nhiều người về thôn nữ vùng cao. Phút ban đầu e lệ nhanh chóng qua đi, Lò Nương vui vẻ dẫn tôi đi khắp chợ phiên, mời tôi nếm thử hương vị thơm hăng hắc của món thịt trâu nướng chấm muối ớt, miếng cơm lam trong những ống tre nhỏ. Lò Nương nói chưa thạo tiếng Kinh, mà tiếng Thái thì tôi không hiểu.
Chất giọng lơ lớ Việt- Thái của cô đôi lúc khiến tôi thấy buồn cười, nhưng rồi cũng quen. Một lúc sau, nhân vật thứ ba xuất hiện, chàng trai Thái Tống Văn Pang-bạn của Lò Nương tình nguyện cùng chúng tôi du ngoạn chợ xuân ở bản Panh. Hình như Lò Nương và Tống Văn Pang là đôi bạn tình của nhau, cứ nhìn đôi mắt họ thì biết, tình tứ lắm.
Pang kể tôi nghe, chuyện tình yêu của trai gái Thái rất tự do và đầy chất thơ. Đêm khuya, chàng trai đến một bản Thái, nơi có cô gái mà chàng ưng ý. Chó trong bản sủa rộ lên, nhưng không ai lấy làm lạ, bởi đó là bọn "in xáo"- tiếng Việt là "chơi gái", nhưng không có ý xấu như cách nói của người Việt. Chàng trai đứng dưới sàn, đoán chỗ cô gái ngủ và khẽ gọi. Cô gái tỉnh dậy, thì thào hỏi chuyện, nếu ưng sẽ khẽ dậy mở cửa để gặp chàng. Trai Thái chưa vợ có thể đi chọc sàn tuỳ ý, không phải xin phép bố mẹ và có thể đi đến sáng bạch mới về mà không bị trách mắng... Kể đến đây, cậu trai Pang mặt đỏ, liếc nhìn Lò Nương, không biết cậu đã "chọc sàn" nhà Lò Nương chưa?
Xóm núi bản Panh về chiều, tiếng chày giã gạo vang lên rộn rã, thung xa đã dâng lên màu khói lãng đãng của sương chiều. Những người khách lữ hành vội vã băng qua mấy chặng đường núi quanh co và vắng lặng, chợt vẳng bên tai nhịp chày rộn rã giữa trùng điệp cây lá của núi rừng. Bất chợt, tôi thấy trong lòng sự bâng khuâng khó tả, thoáng chút ngây ngất bởi men rượu cần vừa uống khi nãy ở chợ phiên. Pang và Nương hào hứng đưa tôi về nơi ở của họ. Trước mặt tôi hiện lên dáng vẻ cổ kính nhưng đầy lãng mạn của ngôi nhà sàn Thái, ngôi nhà dài, có nhiều gian, tuy không mới nhưng rất thoáng mát và sạch sẽ, không thấy mùi hôi của trâu bò từ gầm sàn như ở nhiều nơi khác. Góc gian đầu nhà sàn là nơi thờ cúng tổ tiên. Các gian tiếp theo dành cho ông bà, cha mẹ, con cái và tối thiểu trong mỗi nhà sàn phải có hai cái bếp.
Gia đình Lò Nương mời tôi và mấy người khách qua đường cùng dùng bữa. Thật may, Lò Nương cho biết, sau bữa tối, chúng tôi được thưởng thức đêm sinh hoạt văn hóa nhà sàn- một phong tục mà dân bản Panh thường tổ chức mỗi khi có khách đến thăm. Bữa tối thật ấm cúng. Thức ăn bày trên dãy bàn tre cao chừng 30 phân kế tiếp nhau. Khách và chủ cùng quây quần quanh bàn với những món ăn quen thuộc của đồng bào Thái: thịt băm nướng, cá nướng, canh bon, cơm lam nướng trong ống nứa thơm mùi nếp mới, cả cơm nếp được đựng trong cóm khẩu. Người cậu của Lò Nương, tên Quàng Văn Mạch tíu tít mời rượu, thứ rượu cất bằng gạo nương thơm sánh. Rượu nồng, lời mời khéo và hay như lời hát, vừa chân thành vừa lịch lãm khiến khách dù không uống được rượu cũng khó chối từ. Người Thái có tục khi uống rượu thường rót vài giọt xuống sàn mời thổ công. Tiếng vỗ tay, reo hò khích lệ khiến bữa ăn càng lúc càng vui, chén rượu càng uống càng nồng.
Trời tối, đêm văn hóa bắt đầu. Bà con trong bản kéo đến ngày một đông. Theo tay Lò Nương và Pang chỉ, có rất nhiều trai gái ở các bản Me, bản Lầu, bản Cá, bản Bó... - cách đó không xa cùng đến dự hội. Lực lượng văn nghệ nòng cốt là các cô gái trong đội xoè.
Họ duyên dáng trong trang phục Thái đen, áo tay bồng, sắc màu rực rỡ trắng, hồng, xanh, lóng lánh hàng cúc bạc. Dễ dàng nhận ra trong số họ những phụ nữ đã có chồng hoặc những cô gái còn độc thân, bởi tục của người Thái đã quy định, gái có chồng thường búi tóc ngược đánh cao trên đỉnh đầu, gái chưa chồng tóc búi trễ sau gáy. Say mê và đắm đuối, đám gái Thái đã hút hồn những lữ khách phương xa bằng các điệu múa trữ tình: inh lả ơi, múa đẩy thuyền, hái rau, múa khăn, múa chai, múa nón... Người dân bản Panh nói, các điệu múa này phần lớn được người Thái cách điệu từ những động tác lao động thường ngày.
Dứt mấy bài múa, Lò Nương tách đám bạn, chạy ra phía tôi và Pang, cả hai đang hớn hở vỗ tay. Họ kể, các tiết mục này đều là "cây nhà lá vườn" của dân bản Panh trong đêm sinh hoạt văn hóa nhà sàn, mỗi khi có khách xa đến bản. Xen giữa cuộc vui là những giây phút giao lưu, trò chuyện, tâm tình bên hũ rượu cần, sự gần gũi thân tình giữa chủ và khách mỗi lúc một thắm đượm.
Tan hội, dân bản tản về những nếp nhà sàn, tôi được gia đình Lò Nương mời ở lại, chăn gối dành riêng cho khách được mang ra. Lò Nương gợi ý, rủ tôi đừng vội nghỉ mà hãy cùng cô tâm tình. Lò Nương đem khoe tôi bộ phục sức của phụ nữ Thái, đáng chú ý nhất là chiếc khăn Piêu đội đầu. Piêu thể hiện tài năng, nét duyên dáng vừa phô phang, vừa e ấp, với sự sắp xếp tài tình của các hoạ tiết và sắc màu rực rỡ. Từng vùng có khăn Piêu đặc trưng khác nhau. Mảng thêu hai đầu Piêu rộng lớn hoặc cô đọng, dày đặc hoặc thông thoáng, rực rỡ hoặc dịu nhẹ, kỹ lưỡng hoặc khơi gợi. Áo váy của phụ nữ Thái cũng góp phần tôn thêm vẻ đẹp của họ, vừa mộc mạc hoang sơ, lại vừa tinh tế.
Phụ nữ Thái trắng càng duyên hơn bởi chiếc nón đội đầu. Nét đẹp khiến khó ai có thể bỏ qua, nhất là các chàng trai phương xa khi được chiêm ngưỡng họ trong những đám hội, trong các điệu múa xoè, nhảy sạp hoặc một đêm Han khuống. Han khuống là một cách giao tiếp của nam nữ thanh niên Thái với mục đích giao duyên, kiểu như hát quan họ của các liền anh liền chị vùng Kinh Bắc vậy. Trong bản, người ta dựng lên một cái sàn không mái, lên sàn bằng một chiếc thang.
Ban đêm, trên sàn đốt lửa, những cô gái Thái ngồi quay sợi, thêu thùa. Chàng trai muốn lên sàn phải hát, hát hay và lịch sự thì cái thang mới được các cô gái thả xuống để mời lên. Han khuống không những là dịp để nhiều đôi trai gái Thái thành vợ thành chồng mà còn để lại trong nhiều người những kỷ niệm êm đềm, dù chẳng bén duyên nhau. Tôi đã dần thiếp đi trong tiếng kể chuyện mê hoặc của Lò Nương…
Đã mấy năm rồi, bản Panh bây giờ có khác? Cô bạn gái Lò Nương không biết đã kết tóc xe duyên cùng chàng trai Tống Văn Pang? Tiết trời xuân cứ gợi nhớ khiến tôi luôn tự hỏi mình như vậy. Bản Panh trong lòng tôi ở không xa, chỉ ước mùa xuân này lại được lên trên đó.
Theo webdulich.com
0 nhận xét: