Trở lại Mường Lay
< Bản mới của dân tộc Thái được di dời lên rẻo cao nằm ven sông Nậm Na, tỉnh Lai Châu.
Đi khắp Mường Lay dễ dàng gặp những con đường mới, những dãy nhà sàn quy hoạch tầng tầng lớp lớp hai bên bờ đất bán ngập của con suối Nậm Lay, những đô thị mới với đường sá thông thoáng, nhà cửa khang trang...
< Cầu Hang Tôm được đưa vào hoạt động năm 1973 và là cây cầu được xây dựng theo thiết kế dây văng lớn nhất Đông Dương, từng là niềm kiêu hãnh của người Tây Bắc, nay đang được dỡ bỏ (ảnh chụp chiều 18-4-2011).
Tiếp tục theo quốc lộ 12, chúng tôi rẽ xuống cầu Hang Tôm cũ khi mực nước sông Nậm Na chỉ còn cách dạ cầu khoảng 8m. Trên cầu, xe cơ giới, công nhân đang tất bật với quá trình phá dỡ, chấm dứt vai trò lịch sử nối hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên trên vòng cung Tây Bắc…
< Thay thế cầu Hang Tôm cũ đang được dỡ bỏ, một chiếc cầu mới cũng mang tên Hang Tôm được đưa vào sử dụng năm 2010.
Theo ông Nguyễn Anh Đô - trưởng trạm thủy Văn Mường Lay (tỉnh Điện Biên), kể từ khi dòng sông Đà bị chặn đứng vào trung tuần tháng 5-2010, mực nước dưới cầu Hang Tôm cũ đã dâng lên khoảng 40m, vì thế phải khẩn trương phá dỡ, đề phòng mùa lũ sắp tới cầu sẽ bị nhấn chìm trong nước.
< Hôm nay đi từ Mường Lay đến Lai Châu khách du lịch sẽ đi trên nhiều đoạn đường mới tráng nhựa phẳng phiu, thay thế con đường cũ phía dưới nằm kề dòng sông Nậm Na.
Cách cầu cũ 797m về phía thượng nguồn là cầu Hang Tôm mới dài 362m, rộng 9m nằm kề vị trí hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.
< Nhiều đoạn trên sông Nậm Na - tỉnh Lai Châu trước đây là thác ghềnh, bãi bồi, nay nước đã dâng cao thuận lợi cho thuyền máy đi lại dễ dàng.
Đến Lai Châu bằng cung đường từ cầu Hang Tôm mới băng qua Chăn Nưa rồi Pa Tần - Phong Thổ với chiều dài hơn 100km, chiếm phân nửa là đường tránh ngập uốn lượn trên triền núi tựa con rắn đang trườn mình lên cao. Nhìn xuống vực là sông Nậm Na bám theo những đường gấp khúc quanh co của con đường cũ năm xưa.
< Nhiều bản mới của dân tộc Thái trong thị xã Mường Lay đã được định cư hai bên bờ đất bán ngập của con suối Nậm Lay để có đất canh tác.
Nhiều đoạn sông bỗng trải rộng, ngập tràn đến tận chân núi, nơi cách đây vài năm là đồng ruộng, là bến nước cho dân bản trưa chiều ra tắm mát hoặc bãi bồi cho trâu bò thả rông ăn cỏ. Bản làng với những ngôi nhà sàn xinh xắn trên rẻo cao đang ẩn hiện trong lớp mây mù lãng đãng. Thỉnh thoảng xuất hiện trên sông con thuyền máy qua lại như điểm xuyết cho cảnh sắc núi rừng thêm lãng mạn.
Lâu lâu, đi lại quốc lộ 12 giữa Điện Biên - Lai Châu, chúng tôi không tránh khỏi bỡ ngỡ trước hai cảnh sắc lạ quen của Tây Bắc. Song, nó vẫn là cung đường đẹp đầy cảm xúc để lữ khách phiêu du quên cả tháng ngày...
- Theo Dulich Tuoitre
0 nhận xét: