Vượt đèo “sương, thác”
Những ngọn thác được xem là ngọn nguồn của dòng sông Đồng Nai đổ ầm ầm xuống từ trên những vách đá sừng sững tạo nên một không cảnh hiếm thấy. Con đường nối “biển và hoa” đang vào xuân với những sắc thái riêng khó lẫn.
Tiếng hú từ thượng nguồn
Từ TP Đà Lạt, trong cái lạnh cắt da của những ngày cuối năm, chuẩn bị xong hành trang và đầy đủ phương tiện “phòng hộ” của dân đi bụi. Chúng tôi lên đường theo quốc lộ 723 thẳng hướng Nha Trang, con đường hiểm trở với những khúc cua khó tưởng và độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển.
Trên con đường là cảnh sắc bồng lai với rừng thông ngút ngàn, mùa hoa đót mơn mởn lung lay trong gió, những buôn làng miền thượng của cư dân Cill và những con người “xứ núi” hiền hòa, phóng khoáng...
Dòng sông Đa Nhim bắt nguồn từ những con suối Hung Jau, Liêng Sú và Dưng T'Vó vẫn đêm ngày chảy mãi về xuôi làm nên dòng điện dâng đời. Đi qua nơi thượng nguồn này mà ngàn xưa cư dân ở đây vẫn phải sống trong u tịch, trong đêm trường gió hú.
Người Cill gọi buôn K'Lon K'Lăn (K’Long K’Lanh) của mình là thung lũng trăn. Sự tích về một thung lũng trăn được nhiều già làng kể lại trên xứ sở rừng già này. Ngày xưa trăn nơi này nhiều lắm, trăn sống trong các hang đá lạnh, bên các dòng suối. Những buổi đẹp trời, những con trăn trườn mình lên thảm cỏ phơi nắng, vảy trăn lấp lánh dưới mặt trời.
Đất xưa lành, tổ tiên chọn, nay cháu con vẫn đậu. Nay! mảnh đất này đang là nơi nhiều dự án phát triển kinh tế, xã hội đang chờ. Trong đó những hồ cá nước lạnh nằm sâu trong rừng già là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách gần xa khi đi qua cung đường này.
Cứ như vậy, bên những ché rượu cần cùng sắc thắm mai anh đào rực rỡ. Những câu chuyện xuyên đêm trong tiếng hú của rừng già như mời gọi du khách, đặc biệt những chàng trai trẻ mê văn hóa Tây nguyên như tôi chinh phục và khám phá.
Vượt sương, ngắm thác
Rời xứ sở người Cill, chúng tôi tạc vào một tiệm tạp hóa hiếm hoi bên đường để hỏi thêm thông tin về đỉnh đèo mà chúng tôi chuẩn bị vượt qua. Chủ nhà, một cô gái trẻ nói “đoạn tới lạnh lắm, sương dày nữa, các anh nên mua thêm áo mưa kẻo ướt”. Sau một hồi hỏi thăm tình hình và mua thêm vài thứ quan trọng, chúng tôi quyết định “vượt sương” vào buổi trưa.
Đúng như dự kiến, hơn 10km đi qua eo đèo Hòn Giao, nơi được xem là “eo vương” của đường bộ phương Nam đang phủ một lớp sương dày mù mịt. Chính eo đường qua đỉnh Hòn Giao này được xem là cao nhất, gây trở ngại lớn cũng như nguyên do khiến con đường nối Nha Trang lên Đà Lạt này được xây dựng sau cùng so với các tuyến đường nối duyên hải với Tây nguyên còn lại.
Đã 11g trưa nhưng tầm nhìn trên tuyến đường chỉ khoảng 2m trở lại. Hai chiếc xe máy chúng tôi đi gần nhau mà không nhìn thấy nhau, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe khách chạy ngược chiều đi quét lên ánh đèn yếu ớt.
Càng lên cao phía đỉnh Hòn Giao, trời càng lạnh buốt. Trên những vách đá bên đường, những ngọn thác không tên cao khoảng 7m cứ chảy xuống theo lèn đá tạo thành một vạt trắng trong sương tuyệt đẹp. Hòa cùng tiếng thác là tiếng gió vút lên từ dưới thung lũng, hơi thở của lòng núi như lạc vào xứ sở bồng lai nào đó.
Chúng tôi nghỉ chân trên một triền đá thoải gần con thác nhỏ. Những hố lỏm vừa, giống hệt bàn chân chứa nước trong vắt ấm đến lạ. Nước trên ngọn thác đổ xuống theo sườn đá đọng vào lòng núi như một hệ thống lọc nước thiên nhiên. Hơi ấm tỏa ra từ hồ nước ấm trên đỉnh đèo sương khiến mọi người thích thú.
Men theo con đường uốn lượn, đường cong quyến rũ hiện ra giữa chập chùng đồi núi, lau lách bạt ngàn như đang lướt nhẹ trên mây, chúng tôi dần dần đi xuống. Khi màn sương mờ dần đến khi ra khỏi về phía Khánh Vĩnh, Khánh Hòa cũng là lúc cơn mưa xuân ập đến...
Một số kinh nghiệm khi vượt eo đèo Hòn Giao
- Với đường đèo có độ cao lớn với nhiều khúc cua nên dùng xe số. Trước khi đi phải kiểm tra toàn bộ máy móc, thắng, đèn, còi và thay vỏ ruột mới.
- Những ngày cuối năm, đèo Hòn Giao rất lạnh nên cần mặc áo khoác dày, bao tay, khăn quàng cổ và đặc biệt là áo mưa.
- Khi chạy xe lên đèo nên cài số 2 để tránh xe bị ì máy. Phải bật đèn khi đi qua màn sương, liên tục bóp còi khi đi qua những khúc quanh vì tuyến đường có nhiều phương tiện lưu thông qua lại chạy ngược chiều.
- Theo Tuoitre
0 nhận xét: