Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 2)

Câu chuyện tuyết rơi trên Đèo Mây (Ô Quy Hồ).
Năm 1986, lần đầu tiên tôi được lên Phong Thổ theo một đoàn làm Phim truyện. Khi đó xe ca chở đoàn làm fim đi trước, bọn tôi sinh viên năm 2 đi sau và đi bằng xe khách. Lần lên thứ nhất không có gì để nói nhưng lần quay lại thứ 2 thì chúng tôi gặp tuyết rơi.

Xe đi từ Phố Lu lên tới Sa Pa trong cái lạnh giá cắt da cắt thịt. Cửa sổ không kính nên càng rét hơn. Chúng tôi áo sùm sụp co cụm và ôm lấy nhau cho đỡ rét.

Tại ngã ba Sa Pa bây giờ, hồi ấy vẫn là ngã ba nhưng làm gì có nhiều hàng quán và sầm uất như bây giờ. Nếu nói chính xác thì chỗ ấy có khoảng 4 căn nhà và có 2 nhà chuyên nung vôi, lò vôi xây to tổ bố ngay cạnh đường. Hoa đào, mận nở trắng đồi núi. Sa Pa năm ấy có tuyết rơi. Tuyết rơi phủ kín mái nhà lợp gỗ. Tuyết rơi dày đến nỗi ngập cả đường.
.

Tôi còn nhớ lúc xe chúng tôi lên gần tới đỉnh đèo Mây, bác tài xế còn bắt 3 chú lơ xe xuống gạt tuyết, xúc tuyết cho xe đi. Đoạn đường có hơn chục km từ Sa Pa lên đỉnh đèo mà đi mất gần 2 h đồng hồ vì đường quá lồi lõm, tuyết rơi dày đặc.

Lúc xe xuống tới lưng chừng đèo (phía bên Lai Châu), tuyết đã hết, nhưng nước do tuyết tan chảy tràn trề mặt đường, đang vào cua, ông tài xế la lên: Bỏ mẹ tôi...

Chiếc xe cứ lao vùn vụt, trôi đi rồi chả hiểu sao nó quay ngang và đít xe va vào thành ta luy làm cái rầm. Sáu bảy người ngồi phía sau sợ xanh mặt..... Kính hậu của chiếc xe IFA W50 nhãn hiệu Ba Đình vỡ nát.. Hú vía cái thần hồn !!!

Trên con đèo Mây, có những khúc cua rất "kinh hoàng", đặc biệt đi vào ban đêm. Tôi đã từng lái xe đi đêm trên con đèo này không ít hơn 4 lần và đã từng suýt lộn cổ cả người lẫn xe xuống vực bởi ... sương mù, ngủ gật và tránh xe tải.

Mặt đường đèo phía Lai Châu bao giờ cũng rộng rãi, tráng nhựa phẳng phiu hơn mặt đường phía Lào Cai. Thế nhưng điều tai quái ở chỗ phần lớn những vụ tai nạn giao thông đều xảy ra phía đường đèo ở địa phận Lai Châu. Bên đoạn đèo này, con đường uốn lượn quanh co theo triền núi dốc của dãy Hoàng Liên. Thế núi ở đây giống như 4 dãy núi chập lại thành hình chữ X và đỉnh đèo là cái chỗ giao nhau của chữ X và con đường phía Lào Cai men theo cái chân chữ X phía dưới bên tay phải bạn, còn đường Lai Châu là theo cái chân chữ X bên phải phía trên . Sa Pa nằm ở gần giữa cái thung lũng là khoảng trống phái dưới giữa hai chân chữ X , Bình Lư nằm ở gần giữa khoảng trống chữ X phía trên.

Chính vì đường chạy theo thung lũng men dần lên nên bạn để ý sẽ thấy rằng mây, sương mù trôi từ phía đỉnh đèo trôi xuống rồi tan dần khi qua Sa Pa... Còn bên phía Lai Châu, mây mù dồn ứ lại bởi cái chỗ giao nhau chữ X cao tới 1945m nên đường bên này rất nhiều sương mù, có thời gian sương mù cả ngày lẫn đêm bao phủ, tầm nhìn rất hạn chế.

Con đèo Mây lại rất dài... Ngày trước nó được gọi tới mấy cái tên: Đèo Mây, đèo Ô Quy Hồ, đèo Sa Pa, đèo Hoàng Liên ... Giờ bên phía chân đèo thuộc địa phận Lai Châu, nó được gắn biển: Đèo Hoàng Liên. Nhưng bên Lào Cai không rõ có biển đề tên đèo không? Hình như không có thì đúng hơn.

Đèo Mây dài, đường gồ ghề, cua gắt và rất nhiều chỗ đường được làm không hợp lý nên cực kỳ dễ xảy ra tai nạn. Tôi lấy một ví dụ nhỏ:
Có một đoạn đường cua rất gắt, lẽ thông thường người ta phải làm đường nghiêng khoảng mấy độ gì đó để khi xe vào cua, ôm cua không bị trọng lực dồn đẩy xe mất lái... Thế mà người ta vô tư làm đường phẳng phiu đến không ngờ.. Khi vào cua, nếu không cẩn thận và giảm tốc tối đa có thể bạn sẽ ngã bất thình lình mà không biết tại sao mình lại ngã... Còn nếu bạn lái xe ô tô thì sẽ thấy chiếc xe của mình tự nhiên tròng chành và hơi chao đi một tý....

Đỉnh đèo Mây năm 1986 có một trạm Nha Khí tượng Thuỷ văn. Pháo TQ bắn sang làm sập tan nát... Giờ cái nền đó hình như vẫn còn thì phải....

Cua dốc của đèo phía bên Lào Cai, chỗ bị sạt lở mất hẳn nền đường năm 2003 giờ đã được xây dựng lại và ta luy bằng xi măng rất hoành tráng...

Đứng ở đỉnh đèo, những hôm trời trong xanh, thời tiết thật đẹp bạn có thể trông rõ đỉnh Fanxipang, đỉnh 2900 m tròn ủng rất hoang dại và kỳ dị cùng với dãy Hoàng Liên xanh rì trập trùng chạy dài về phía bình nguyên Than Uyên, Tam Đường, Sa Pa...

Đèo Mây có độ dài ít đèo nào sánh kịp. Nó vắt từ Cốc San Lào Cai sang đến ngã ba Bình Lư Lai Châu và chỉ có 2 vệt lên xuống. Đỉnh đèo là nơi chia ranh giới địa phận hai tỉnh.

Con đường đèo đoạn gần đến Sa Pa (chỗ xã Trung Trải bây giờ) hai bên đường những cây Sa Mu cổ thụ, vỏ xù xì nâu sậm, thân thẳng tắp cao vút mọc chen nhau... Sa Mu cứ chen nhau mọc như thế lên tới tận Ô Quy Hồ... Giờ cái cây con cũng chỉ còn một ít... !!!

Tôi còn nhớ những buổi sáng sớm, sương mù dày đặc. Đèo Mây chìm trong một màu trắng đục nhưng lẫn trong màn sương mờ, thấp thoáng bóng những cô gái H''mong váy áo sặc sỡ, những chàng thanh niên H''mong quần áo chàm dắt ngựa đi chợ Sa Pa, tiếng vó ngựa lốp cốp trên đường sỏi đá và tiếng lục lạc kêu leng cheng, tiếng chào hỏi nhau í ới và lẫn đâu đó tiếng kêu ré đùa vui của bầy trẻ đi học ....

Những năm trước đây, đường đèo Mây bé tý và lổn nhổn đá sỏi. Ở đoạn giữa Ô Quy Hồ và Sa Pa có một xóm nhỏ dân kinh tế mới từ Thái Bình lên những năm 1960.... Đoạn này có một mỏ đá, và có một con đường mòn (giờ là tỉnh lộ) đi lên Mống Xoa, Lũng Pô và xuôi về Bát Xát. Đường nhỏ và ngược dốc nên rất khó nhận biết đó là ngã ba ....

Bản Ô Quy Hồ những năm trước đây có một quán ăn nổi tiếng với những lữ khách đường xa, đó là quán ăn Miền Tây. Cửa quán có hai cây đào rừng cổ thụ, tuyết trắng rơi phủ lên những bông hoa đào khiến màu hồng phai nhạt và chỉ còn thấp thoáng... Bên trên quán là vườn cải nở hoa vàng rực rỡ mỗi mùa đông về....

... Có câu chuyện về đèo Mây có lẽ rất nhiều người biết và đã từng đọc qua.. Đó là câu chuyện con Hổ thành tinh lần theo dấu vết gia đình một ông quan từ Dốc Xây Tam Điệp lên mãi Ô Quy Hồ mới ăn thịt cả nhà... Nghe chuyện này cũng kinh khiếp ! Nhưng nó chỉ là chuyện xưa xửa xừa xưa, và ít nhiều nhuốm màu "huyền thoại"...

Có cái điều thực tế hơn, cũng khá "rùng rợn" mà mỗi lần đi qua bất cứ một con đèo nào ai cũng nhìn thấy, đó là những am thờ....Những chiếc am thờ lẻ loi, hoang lạnh đứng "chồm chỗm" bên vệ đường mang đầy sự "thần bí" đến cho con đèo... Mỗi một am thờ là một câu chuyện đau thương về sự chết chóc tai nạn giao thông.....

Trên đèo Mây, cách đỉnh đèo khoảng 4 km có khúc cua đã "ăn thịt" hơn 20 mạng người. Sương mù và đường trơn đã khiến một chiếc xe khách lao thẳng xuống vực, bẹp dí..... Đêm đi qua đó, đèn sáng trong chiếc xe, bên cạnh bàn thờ khói hương đo đỏ nghi ngút cùng với hình nhân trắng toát xếp thành dãy ven thành ta luy ... khiến bất cứ tay lái xe cứng đến thế nào cũng chợt bủn rủn và lạnh sống lưng !!!

Rồi những câu chuyện ở đèo Ô Quy Hồ, những đêm sương mù, mưa phùn gió lạnh, đang đêm tiếng gõ cửa và những tiếng thở dài não nuột ai oán cứ dồn dập cửa lán của mấy bác kiểm lâm nghe cũng ...ghê rợn.

- Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8...