Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 3)

Chuyện về đèo Pha Đin 

Đèo Pha Đin, con đèo dài và nguy hiểm vào loại đứng đầu trong số các con đèo nguy hiểm phía Tây Bắc. Năm 2001 tôi đi qua nó khi nó còn chưa được mở rộng và làm lại như bây giờ. Tôi đi qua nó cũng đã không dưới 4 lần, có lần đi xe khách, có lần đi xe tải và 2 lần qua nó bằng xe du lịch... chưa lần nào đi qua nó bằng xe máy. Nó đã để lại cho tôi một kỷ niệm thật kinh hoàng và có lẽ suốt cuộc đời ám ảnh không nguôi về cái sự may mắn ngẫu nhiên, may mắn đến không ngờ.....

Lần ấy chính là lần tôi leo Fanxipan lần thứ 2 , trong tuyết phủ trắng xoá núi rừng Hoàng Liên, phủ trắng những mái nhà lợp gỗ ở bản Sín Chải....chúng tôi đã may mắn khi tìm lại được một thành viên người CH Séc trong đoàn leo Fanxipan bị ngã núi, bị thương và đưa về Sa Pa an toàn. Tạm biệt Sa Pa khi trời đã trong, tuyết tan và mây trắng la đà trên đỉnh các ngọn núi xanh rì của dãy Hoàng Liên xa vời vợi, chúng tôi lên Dào San, lên Ma Lu Thàng rồi Lai Châu, Điện Biên.....
.

Đêm, trời lất phất mưa trở lại sau khi đã đổ cơn giông và những con mưa to lúc chiều. Đường QL279 quanh co, gập gềnh ổ gà tới tận ngã ba khi nhập vào đường QL 6 tại ngã ba Tuần Giáo. Đêm đã khuya, tối đen mù mịt và không khí lạnh giá.....

Chiếc xe tôi đi vào lần đó là chiếc M. Jolie đời 2001 (2.0). Xe được kiểm tra rất kỹ trước khi đi nên tôi không bao giờ nghĩ rằng chiếc xe lại giở chứng khi đang trên đường như lần ấy....

Cách đèo Pha Đin chừng 5 km, tôi dừng xe và bật ghế ngửa ra để chợp mắt một lúc... Hình như lúc đó tôi quá buồn ngủ và bị ấn tượng khi buổi chiều ở Tây Trang ngồi nghe mấy bác Biên Phòng kể chuyện đám ma người H''mong ở Lào nên ám ảnh ... Khoảng 15'' chợp mắt tôi nghe thấy loáng thoáng tiếng gõ cửa sổ xe "cộc cộc" mấy tiếng. Bật dậy ngó ra chả thấy gì, chỉ thấy ánh đèn pha xe tải loang loáng đằng sau. Chừng mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa, nhưng lần này tiếng gõ to hơn và tôi suýt sặc.. Sởn da gà khi nhìn thấy một khuôn mặt phụ nữ ở ngay cửa xe.....
Định thần, tôi kêu lên một tiếng và bật cửa... Ngó ra chả thấy gì. Chiếc xe tải Hyundai nặng nề chạy ào qua bắn toé mấy giọt nước lên mặt khiến tôi tỉnh ngủ hẳn. Vội vã mở máy xe và chạy.....

Đèo Pha Đin dốc cao và vô khối những dốc cua tay áo, những đoạn đường cheo leo vực sâu mà không hề có ta luy hay vách ngăn. Miếu thờ bên đường nhan nhản... Những miếu thờ ảm đạm hoang phế ấy đa phần được xây nên để thờ những oan hồn bị tai nạn giao thông (Về những miếu thờ này, nếu ai để ý sẽ thấy rất nhiều trên các con đèo miền Trung, Tây Nguyên và có cả một seri những câu chuyện tai nạn kinh hoàng, những tục lệ thờ phụng của cánh lái xe đường dài).....

Lên tới đỉnh đèo Pha Đin, trời mù mịt sương, mưa nặng hạt hơn... Con đường lổn nhổn đá và ổ gà... quanh co men sườn núi. Tôi bỗng nghe tiếng máy xe nổ gắt lên, xe đang chạy bỗng chậm hẳn lại, ì ra mặc dù tôi đạp ga sâu hơn.... Cách một cái cua ngắn khoảng 200 m, nó bỗng ào một cái và tăng tốc...

Chiếc xe khi ấy máy nổ rất to, tốc độ thì ngược lại, trong khi tôi ấn cái chân ga sâu đến như thế ... và rồi bất ngờ nó "oà" một cái và tăng tốc... Tôi nhả chân ga, nhưng máy vẫn nổ to, gào lên và vẫn chạy nhanh, có lẽ ở khoảng 70km/h....Con đường thì nhỏ, cua gắt, ổ gà lồi lõm mà vực sâu.....
Thật sự lúc đó tôi mất bình tĩnh khi thấy tự dưng chiếc xe chạy như bị "ma đuổi" mà càng ấn "phanh" càng chạy nhanh hơn... Tôi cố lái xe sát lề ta luy bên phải để tránh vực và còi liên tục... Nhưng chỉ cố lèo lái được qua 2 cái cua .....

Tôi nhớ lúc đó sương mù quá dày, đèn pha xe không đủ tầm nhìn và rất may đoạn đường ấy không trơn ... Chỉ có điều cua quá gắt mà xe chạy nhanh, "phanh" không nổi. Giờ thì chỉ nhớ được có thế... Đến một khúc cua một bên là vách đồi, một bên là vực, không có ta luy xi măng hay rào chắn bằng sắt như các con đèo khác, tôi thoáng nhìn đằng trước xe hình như có hai bóng người đang đứng, tóc đen... Lúc này chiếc xe chạy nhanh đến mức tôi không thể ôm cua nổi, nó lao qua cái lạch nước ven bờ vực và hướng thẳng xuống .... đáy vực.
Thật bất ngờ, chân phải của tôi nghiêng qua một bên và đạp một cái, chiếc xe giảm tốc độ ngay. Nhưng theo quán tính nó vẫn còn đà chạy...

Tôi hét lên khi xe tôi xẹt sát qua hai cái bóng người tóc đen xoã kia, chiếc xe nhảy chồm chồm qua đám đất, qua bụi cây, chúng tôi nảy tưng lên và đêm bỗng đen kịt trước mắt tôi.... tôi chỉ kịp nghĩ nhanh trong đầu: Thôi toi rồi... Mẹ ơi !

Tất cả diễn ra chừng có 30 giây. Trấn tĩnh lại, tôi thấy xe của mình rung rinh, rung rinh....máy xe đã tắt hẳn, đèn pha tắt. Chiếc xe hơi bềnh bồng và đằng trước vẫn tối đen như mực...
Ngực đau nhói vì dập vào vô lăng, tôi gượng mở cửa xe, sờ chân mãi vẫn không thấy đất. Lần mò trong túi quần tìm cái bật lửa và tôi tá hoả khi nhận ra đầu chiếc xe của tôi bị kẹp giữa hai thân cây bên bờ vực... Nó đang oằn xuống vì sức nặng của chiếc xe...

Tờ mờ sáng, sau khi được sự giúp đỡ cứu hộ của hai chiếc xe tải Hyundai cho mượn cáp và kéo vào vệ đường. Tôi nhận ra đêm qua tôi đã đứng trước ngưỡng cửa nhà thần chết. Một nửa chiếc xe của tôi đã lao qua mép vực nhưng bị kẹp lại giữa hai cái thân cây nên nó không rơi và bẹp dúm dó .... Ngay bên cạnh mép vực là hai tấm bảng gắn trên cột xi măng ghi độ cao và biển báo hiệu tốc độ, nó xỉn màu và cũ đen. Nó chính là hai bóng người tóc xoã đêm qua tôi đã nhìn thấy.... Đúng là nhìn Gà hoá Cuốc !!!

Chiếc xe của tôi, khi đưa về Sơn La kiểm tra, mấy "ông" chuyên gia xe cộ khẳng định xe tôi bị kẹt chân ga và trong lúc tôi quýnh quáng đã ấn nhầm chân ly hợp hoặc chân ga mà cứ tưởng chân phanh vì lúc kiểm tra, chân phanh vẫn bình thường......

Tôi cho rằng, tôi đã quá buồn ngủ và mệt mỏi sau 1 tuần lang thang Tây Bắc, lại thêm ấn tượng bởi câu chuyện đám ma H''mong nên bị ảo giác chuyên ma mồ, và trong lúc sợ hãi vì chiếc xe bị kẹt chân ga đã ấn nhầm con bà nó chân ga mà cứ tưởng là chân phanh....
Tôi gặp may và chắc là cao số nên mới thoát chết cái "quả" đó trên con đèo Pha Đin sương mù mịt cao ngất ngư phía Tây đất nước....

Vừa rồi, trở lại đèo Pha Đin sau mấy năm không đi, vẫn con đường cheo leo và gập gềnh nhưng giờ thì càng gập gềnh và bụi bặm mù mịt.... Trong cái đêm trăng sáng mờ mờ ảo ảo, núi rừng trầm mặc và say giấc khuya, chập chờn đâu đó những con đom đóm sáng leo lét và tiếng xe rì rầm leo dốc phía cuối đèo... Phía trước là cái cần cẩu giơ càng lên cao với hai sợi dây "thòng lọng" thít chặt lấy cái thân xác "vật vã" của chú Hyundai 4 chân nặng 45 ton đang giơ 12 cái chân lên trời sau cú ngã ngửa ở lưng chừng độ cao gần 1000 m so với mực nước biển...

Pha Đin ! Cái tên ấy đã trở nên thân quen với những kẻ lữ hành, với những "gã" lái xe đường dài bụi bặm và ngang ngạnh... Quá quen với những Phượt thủ.... Ấn tượng về nó hẳn không dễ phai nếu đã một lần đi qua....
Chuyến đi trong đêm, với chiếc Ford Ranger nặng nề vì chở theo gần 1 tấn sách và 4 kẻ lãng du đi đến nơi ngã ba biên giới, cực Tây của nước Việt... Chiếc xe chòng chành và gầm gừ leo dốc... Dốc Cun, Thung Khe mờ ảo trong sương, con đường như ngắn lại và hẹp hẳn đi vì tầm nhìn chẳng quá 5m với ánh đèn tôi tối của chiếc xe bán tải đời 2003.

Vượt Mộc Châu và Sơn La rồi qua đèo Sơn La "thủng thẳng" trong khuya, lên đến Pha Đin đã sang canh 3, ngái ngủ và mệt mỏi đưa chiếc xe vượt đèo trong cái quang cảnh đèo dốc bụi mù, lổn nhổn đất đá và trăng thì sáng vằng vặc, rừng thưa thớt, thoảng một chốc nhát là sương đêm mờ mịt rồi tan nhanh trong cái không khí lạnh giá của miền Tây Bắc.... Đỉnh đèo bao trùm là một màu xám đục của mây mù đậm đặc, đường trơn trượt vì nước mưa, thả dốc đi xuống Tuần Giáo với sự hồi hộp đến kinh người vì cứ nghĩ đến cái đêm kinh hoàng của năm 2001.....

Các con đèo nho nhỏ khác trên đường lữ hành lên A Pa Chải đều không mang lại cảm giác mạnh để nhớ, nhưng cũng chẳng dễ dàng để vượt qua.... Nhưng khi trở về, lại vượt Pha Đin trong đêm và đêm ấy, vẫn trăng sáng vằng vặc, vẫn bụi mù mịt, vẫn lổn nhổn đất đá nhưng có thêm một hình ảnh thật không dễ để chứng kiến: đó là cảnh chiếc xe tải 45 ton giơ 12 cái chân lên trời trong cái tư thế chỉ cần động nhẹ là lăn ào ào xuống cái vực sâu hút phía dưới....

Rồi lại Thung Khe, Dốc Cun... lại mờ ảo sương nhưng với sự mệt mỏi và buồn ngủ đến mức đã suýt chút nữa thì đâm nát cái cột cây số sơn đỏ ven đường và "lừ lừ" đấu đầu với một gã "khổng lồ" Container 40''''.... May mà tỉnh ngủ kịp....
Giờ vẫn giữ nguyên cái cảm giác thót tim khi chiếc xe lao sượt qua "thần chết".... Và có lẽ vì vậy mà ấn tượng về con đèo Pha Đin lại càng thêm ấn tượng...

- Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com

Chuyện nhỏ về đèo Pha Din

Đèo Pha Đin, ấy là tên một đoạn đèo ở vùng Tây Bắc trên quốc lộ 6 nối giữa huyện Thuận Châu - Sơn La và huyện Tuần Giáo - Lai Châu.

Tôi công tác ở đây những năm 1994-1998. Đèo Pha Đin là một địa danh không lạ với những cư dân của Tỉnh Điện Biên hay các chiến sĩ bộ đội thuộc quân khu hai - Bộ quốc Phòng. Nhưng với nhiều người Đèo Pha Đin là tên gọi, hay địa danh xa xôi lắm...
Hôm trước có một cậu sĩ quan hỏi tôi: "Pha Đin giờ thế nào?". Thực ra từ năm 1998 đến giờ tôi không đi lên mạn ấy. Và như thế... Tôi lại nhớ đến đèo Pha Đin, nhớ các địa danh Pá khôm, Lai bay, Chiềng Pha, Quài tở, Tỏa Tình...

Nhớ những ruộng lúa nương và bản Mèo ngay giữa đèo, bỗng nhớ đến hạt giao thông vườn đào… nơi vào những ngày mờ sương mùa đông. Nếu có giặt giũ thì không thể phơi khô quần áo. Nói đến Đèo Pha Đin… tôi lại nhớ đến hai người phụ nữ tôi đã gặp ở nơi đó.

Hai cuộc đời, hai số phận… buồn thiu...

1/ Năm 1994 trên đường từ thôn Mòn, huyện Thuận Châu đi Tuần Giáo, người ta thấy ở địa phận bản Chiềng Pha bên phía tay trái có một ngôi nhà nhỏ lợp tranh vách đất, có một cái giếng nước và vườn chè xung quanh. Trong nhà có một người phụ nữ người kinh, lấy chồng là người thái,v ợ chồng em sinh được ba người con.

Từ khi công nhân làm công trường ở đây, em xin làm một chân xúc đá, cát với giá một công lao động ngày ấy là 12000đ/ngày. Cứ sáng đến tối. Chuyện cũng chẳng có gì mà kể nếu không có mấy đứa công nhân người kinh xa vợ lâu ngày đến tán…

Cứ một lần "đi đò" mấy đứa công nhân ấy hứa trả em số tiền bằng một ngày công lao động. Em gật đầu. Cứ thế... Chồng và con em không biết. Có người ngoài cuộc biết chuyện nhưng bất lực không làm được gì cả... Ông chỉ biết đau...

2/ Phía trên đèo Pha Đin cũng thời điểm ấy. Người ta thấy một người phụ nữ thường tha thẩn ở công trường xây dựng. Người phụ nữ này nhận lại phần việc đào đất của đội thi công. Em vào bản xa Quài Tở, Tỏa Tình thuê nhân công người dân tộc để đào đất với số tiền ít hơn số tiền em nhận.

Em tên D., nguyên là cấp dưỡng nấu cơm cho đội công nhân năm 1992 ở Thọ Xuân - Thanh Hóa. Qua manh mối của bạn bè, em lên tận đèo Pha Đin tìm việc, em không chồng không con. Những năm ấy đội công nhân thuê hai gian nhà của hạt giao thông vườn đào.
Mấy đứa công nhân kể, những hôm rét… Em đi làm về muộn, em chui vào giữa những đứa công nhân đang đắp chăn ngủ để tìm hơi ấm... Còn gì gì nữa thì không thấy mấy đứa công nhân kể lại.
Vì thế từ lâu tôi đã quên địa danh Pha Đin nơi năm 1954, bố tôi trong đoàn quân của Đại Đoàn 351 lên Điện Biên và sau đó trở về tiếp quản thủ đô. Sau đó 40 năm kể từ năm 1954, vào năm 1994 tôi làm công trình đưa điện lưới quốc gia lên Tây Bắc.

Đèo Pha Đin với nhiều người thật hùng vĩ và sâu lắng. Nhưng khi tôi nghĩ về Đèo Pha Đin tôi lại tự hỏi mình: "Hai người phụ nữ kia giờ ở đâu? Cuộc sống thế nào?"
Theo Xahoimang

Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8...