Du khách bị bắt chẹt trong dịp nghỉ lễ
Tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, từ chiều 30/4, quốc lộ 47 nối thành phố Thanh Hoá với thị xã Sầm Sơn, đã nườm nượp các loại xe du lịch cỡ lớn, xe khách, ôtô gia đình, taxi... từ nhiều tỉnh thành phía Bắc và miền Trung nối đuôi nhau đổ về Sầm Sơn, gây ra tình trạng tắc đường cục bộ.
Lượng khách tăng đột biến đã khiến Sầm Sơn bị “cháy” phòng khách sạn ngay từ ngày đầu của kỳ lễ, dù số lượng cơ sở lưu trú nơi này không nhỏ (320 nhà nghỉ, khách sạn với hơn 7.000 phòng). Từ chiều 30/4, nhiều khách sạn nằm trên tuyến đường trung tâm như: Lê Lợi, Nguyễn Du, Lê Hoàn, Bùi Thị Xuân... đều kín chỗ.
Giá phòng đã tăng gấp rưỡi so với ngày thường, các khách sạn đạt chuẩn giá dao động 400.000-600.000 đồng một phòng giường đôi, 800.000-1 triệu đồng một phòng hai giường đôi. "Giá tăng, nhưng nếu khách không đặt phòng trước thì rất khó có thể thuê phòng nghỉ vừa ý trong những ngày này”, ông Trần Văn Đỉnh, chủ một nhà nghỉ trên đường Lê Hoàn, thị xã Sầm Sơn cho biết.
Không chỉ giá phòng nghỉ tăng cao mà rất nhiều dịch vụ như: trông giữ xe, chụp ảnh, đi xích lô... cũng hùa nhau tăng giá. Trong đó, tăng nhiều nhất là dịch vụ ăn uống. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, du khách từ Hà Nội cho biết, chiều 30/4, anh và bạn giá rủ nhau đi dạo bờ biển. Chọn một quán nhỏ ven biển, hai người gọi đồ hải sản. "Khi đứng dậy tính tiền tôi tá hỏa vì bị đòi một triệu đồng, mà chỉ có con ghẹ chừng 7 lạng, lon nước ngọt và chai bia. Tôi thắc mắc thì chủ nói ở đây đều thế cả”, anh Thắng kể.
Ngành du lịch Sầm Sơn khuyến cáo du khách trước khi ăn uống hay thuê mượn dịch vụ phải thỏa thuận giá cả. Nếu có trường hợp bị ép giá thì liên hệ với cơ quan chức năng theo số điện thoại đường dây nóng để được can thiệp. Tuy nhiên, vì nghĩ làm lớn chuyện sẽ khiến không khí ngày nghỉ mất vui nên nhiều du khách đành ngậm ngùi bỏ qua.
Tại Huế, do tổ chức Festival nghề truyền thống vào đúng dịp lễ 30/4 nên lượng khách đổ về đây tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 1/5, sau khi bế mạc cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, lượng khách đổ về Huế rất đông. Giá thuê phòng tại đây cũng tăng chóng mặt, mặc dù trước đó Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã yêu cầu các khách sạn, nhà nghỉ niêm yết giá phòng, không tăng giá.
Cụ thể, giá phòng tại khách sạn Hùng Vương là 2,8 triệu đồng một ngày, khách sạn Duy Tân 2 triệu đồng, trong khi ngày thường chỉ từ 500.000 đến một triệu đồng. Giá phòng tại các khách sạn hạng trung khoảng 1-1,2 triệu đồng một ngày, trong khi bình thường chỉ 200.000-400.000 đồng một phòng. Riêng các nhà nghỉ, giá phòng tăng từ 120.000 đồng lên 250.000 đồng một ngày.
Loay hoay thuê xe ôm đi tìm phòng nghỉ tại đường Lê Lợi, thành phố Huế, anh Nguyễn Hoàng Dũng (du khách Hà Nội) cho biết đã đi khắp thành phố, nhưng vẫn chưa tìm được khách sạn vừa với túi tiền. “Đêm qua xem bắn pháo hoa xong, tôi về Huế phải thuê khách sạn ngủ với giá 1,2 triệu đồng, xót quá! Hôm nay tìm phòng khác để còn thăm thú Huế, nhưng tìm mãi chưa thấy”, anh nói.
Các dịch vụ như du thuyền trên sông Hương cũng tăng từ 5.000 đồng lên 20.000-30.000 đồng mỗi chuyến. Đi xích lô dạo quanh thành phố giá tăng từ 30.000 lên 60.000 đồng… Các điểm giữ xe trong dịp lễ hội tăng giá gấp đôi, riêng tối 30/4, giá giữ xe tại khu Đại nội, nơi diễn ra lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2011, lên đến 10.000 đồng một xe máy.
Tại Đà Nẵng, từ ngày 29/4, hàng chục nghìn khách đã đổ về thành phố này để theo dõi cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế vào hai đêm 29-30/4. Các nhà nghỉ, khách sạn được dịp tăng giá. Nhà nghỉ bình dân nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, cách xa cầu quay sông Hàn nơi bắn pháo hoa khoảng 4 km, nhưng giá đã là 900.000 đồng một phòng, càng gần với bờ sông Hàn, giá càng đắt.
Các nhà hàng, khách sạn ở hai bên bờ sông Hàn có thêm dịch vụ bán vé xem bắn pháo hoa. "Muốn đặt chỗ lên cao để xem, tôi đã phải trả cho một nhà hàng ở đường Trần Hưng Đạo tới 400.000, gấp đôi giá của ban tổ chức. Đắt nhưng vẫn phải mua vì lúc này tìm vé bán đúng giá quy định rất khó", anh Hải, một người từ Hà Nội vào cho biết.
Tại Hạ Long (Quảng Ninh), từ sáng 30/4 các tuyến đường dọc bờ biển, nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn hip hop, thi đấu khiêu vũ thể thao nhân sự kiện Carnaval Hạ Long, đã đông nghịt. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, trong ngày 30/4, Hạ Long đã đón khoảng 60.000 lượt khách. Ước tính dịp nghỉ lễ, lượng khách nơi này đạt khoảng một triệu.
Khách đông khiến nhiều khách sạn dọc bờ biển Bãi Cháy từ sáng 30/4 đã bị kín phòng. Giá nhà nghỉ bình dân nằm sâu trong ngõ, rẻ nhất cũng 400.000 đồng một phòng. Khách sạn Bưu Điện nhìn ra biển, giá phòng 800.000 đồng, tăng gấp rưỡi so với ngày thường. Các dịch dụ ăn uống nơi đây có tăng, nhưng không nhiều.
Trong khi các điểm du lịch đồng loạt tăng giá phòng, chỉ có bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) là giữ giá, hoặc tăng ít. Hai ngày 30/4 và 1/5, gần 6.000 phòng khách sạn, nhà nghỉ đều kín chỗ từ trước đó, do đã được khách đặt trước gần một tháng với giá phòng 300.000-600.000 đồng một ngày, loại cao cấp trên 700.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Lâm, một du khách cho biết khá hài lòng với chất lượng du lịch ở Cửa Lò vì giá cả phải chăng, chất lượng phòng nghỉ tốt. "Rất ít bị chèo kéo, ăn xin. Việc công khai số điện thoại đường dây nóng ở các nhà hàng, khách sạn, các kiốt đã rất có tác dụng”, chị Lâm.
- Theo VnExpress
ĐGD: Tránh du lịch dịp lễ lạc là phương cách tiết kiệm, giúp chuyến đi không vướng phải khối chuyện bực mình. Bạn thấy đúng không? Tuy nhiên: không phải ai cũng đi phượt vào ngày thường hay mùa thấp điểm được.
0 nhận xét: