Thăm đảo Lý Sơn

Từ bến cảng Sa Kỳ, chỉ mất chừng 45 phút chòng chành trên tàu cao tốc, tôi đến đảo Lý Sơn - nơi cách đây gần 3000 năm những cư dân Sa Huỳnh đầu tiên đã sống và để lại cho hậu thế những câu chuyện đầy huyền bí về một vùng đất mang nhiều dấu ấn về lịch sử và nhân văn. 

Truyền thuyết dân tộc Kor kể rằng, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Đông sau trận giao tranh dữ dội của Thần Nước và người anh hùng Doang Đác Tố, chủ làng Tali Talok.

Theo các nhà địa chất, hòn đảo xinh đẹp này được hình thành cách đây vài triệu năm do vận động phun trào nham thạch của các núi lửa phủ lên nền những nếp gấp tạo sơn đã bắt đầu nâng những lớp đá trầm tích nhô khỏi mặt nước biển.

Chính các lớp trầm tích nền đảo và san hô phát triển trên bề mặt là cơ sở cho việc hình thành nhiều hang động, cổng đá do tác động xâm thực của nước biển trong thời kỳ biển tiến ở khu vực hòn Thới Lới, nơi vận động tạo sơn theo kiểu xếp nếp đã đẩy các lớp trầm tích đáy biển nhô cao hơn cả trong hệ thống đảo Lý Sơn. Còn vết tích núi lửa là những khối nham thạch nhiều hình dạng chưa kịp phân hủy, cũng như lớp đất đỏ bazan màu mỡ phủ hầu hết khắp đảo, tạo điều kiện cho sự đa dạng và tươi tốt của hệ thực vật che phủ.

Huyện Lý Sơn có ba xã: xã An Hải, An Vĩnh (đảo Lớn) và xã An Bình (đảo Bé). Giữa nghìn trùng sóng nước nhìn từ xa Lý Sơn trông giống con rùa biển khổng lồ dạo chơi trên biển.

Đảo Lý Sơn còn có tên gọi  là cù lao Ré. Theo các vị cao niên trên đảo, có tên gọi như vậy là vì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Vỏ cây ré dùng để buộc đồ rất bền . Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn vào đời Tự Đức, phần tỉnh Quảng Ngãi có ghi: “Cù lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”. Vào đời vua Lê Kính Tông, năm 1604, có người từ đất liền ra định cư, khai phá hải đảo. Hiện nay trên đảo còn thờ tám vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất gọi là "Bát tổ".

Huyện đảo Lý Sơn vỏn vẹn 10 km2  với dân số chừng 2 vạn người nhưng có đến gần 100 di tích  với một quần thể các đền, chùa ,miếu mạo, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song có lẽ nhờ ở xa đất liền , ít bị ảnh hưởng của việc tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu ăn xổi nên hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại  như chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang lính Hoàng Sa.

Toàn cảnh đảo Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa một vùng trời biển bao la có thể nhìn rõ trong những ngày đẹp trời từ ngọn núi Nam Trân - ngọn núi cao nhất nằm ở ven biển, thuộc khu vực Dung Quất.

Trên đỉnh ngọn núi là những thảm rừng, gần dưới chân là nhà cửa, đường sá và những cánh đồng xanh tươi bốn mùa.
Chùa Hang là hang động lớn nhất trong hệ thống hang động ở đảo Lý Sơn. Hang đá này được tạo thành từ một vách đá dựng đứng, cao gần 20 m ở ngọn núi Thới Lới, do bị nước biển xâm thực trong thời kỳ biển tiến. Hang có bề ngang 30 m ăn sâu trên 25 m vào núi theo kiểu hàm ếch ngoài cửa cao 15 m, thấp dần vào phía trong.

Ở đó có những kỷ đá, giường đá rất đẹp. Trước cửa hang là những cây bàng phễu cổ thụ, cành lá xum xuê. Chùa Hang là nơi thờ Phật nên còn có tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, nhưng nơi đây cũng kết hợp thờ 7 vị tiền hiền làng Lý Hải.

Đình làng và nhà thờ tiền hiền Lý Hải tọa lạc tại thôn Đông - xã Lý Hải, được xây dựng vào năm 1820 và trùng tu 4 lần, nhưng vẫn còn nguyên những nét kiến trúc chủ đạo ban đầu. Đây là ngôi đình làng cổ nhất và cũng là nơi duy nhất các lễ hội, sinh hoạt văn hóa (tế xuân thu nhị kỳ, tế tiền hiền, đua thuyền, vật, ném cồn,...) được duy trì liên tục cho đến nay ở Quảng Ngãi.
Ngoài chùa Hang, đình làng Lý Hải, Lý Sơn còn có hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, Âm linh tự, dinh bà Roi, giếng vua; những hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Sa Huỳnh Đại Việt. Đặc biệt, trong lòng đất Lý Sơn còn ẩn chứa nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm mà các hiện vật gồm xương động vật, đồ gốm, hài cốt người cổ có niên đại cách chúng ta khoảng 2-3 nghìn năm. Đảo

Về mặt văn hóa tinh thần, Lý Sơn là một bảo tàng sống động với sự phong phú rất đáng ngạc nhiên của kho tàng truyền thuyết, chuyện kể, dân ca, lễ hội đua thuyền tứ linh, lễ tế lính Trường Sa, các lễ tín ngưỡng dân gian theo mùa, tục thờ cá ông,...

Lý Sơn nằm trong hệ thống các đảo tiền tiêu về phía biển, có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa phải gắn với yêu cầu về quốc phòng, trong đó đặc biệt lưu ý các tư liệu liên quan chủ quyền của Tổ quốc đối với không chỉ đảo Lý Sơn mà cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều dễ làm say lòng bất cứ ai đến Lý Sơn là màu trời, màu nước ở đây xanh ngắt. Tôi đã đến nhiều đảo to, đảo nhỏ ở khắp cả nước nhưng chưa có bầu trời ở đâu xanh như bầu trời Lý Sơn những ngày cuối tháng bảy này. Nước biển xanh biếc, ánh nắng trong suốt chảy trên từng ngọn cây, đọt cỏ trong như thủy tinh, bầu trời  trong veo đẹp đến ngỡ ngàng. “Hòn đảo văn hóa” Lý Sơn, chắc chắn sẽ là một nơi thu hút sự quan tâm tìm hiểu không chỉ đối với các nhà nghiên cứu mà còn là một điểm thu hút đáng kể khách du lịch trong một tương lai không xa.

- Tổng hợp từ Thethaovanhoa, Skydoor, ảnh internet ----------------


Mai này còn đảo Lý Sơn?
.
Thống kê của huyện đảo Lý Sơn cho biết, diện tích của hòn đảo này trước năm 1975 là 1.400 hecta, hiện đảo chỉ còn 997 hecta. Trong vòng 36 năm qua, thủy triều đã “nuốt” của hòn đảo này trên 400 hecta, riêng bão số 9-2009, Lý Sơn mất gần 40 hecta.
.
Mỗi năm mất trên 10hecta


< “Khu nghỉ mát Hoàng Sa” chỉ còn bộ khung sau bão số 9-2009.
.
Đảo Lý Sơn được hình thành từ 5 miệng núi lửa. Chỉ có khoảng 3km được vây bọc bằng đá, toàn bộ chu vi còn lại của Lý Sơn đều bằng đất và cát. Vì vậy, mỗi mùa biển động, những nơi được cấu tạo bằng đất và cát này bị mất dần do nạn xâm thực của thủy triều. Bão số 9-2009, cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm qua đã “nuốt” của Lý Sơn đến 40 hecta. Toàn bộ diện tích phía đông và đông bắc đã bị bão số 9 xóa sổ.
.
Ông Dương Thành, chủ của “Khu nghỉ mát Hoàng Sa” ở phía đông đảo Lý Sơn cho biết: “Khu nghỉ mát này có diện tích khoảng 3hecta, đã được trồng cây chắn gió và xây tường bao bọc nhưng qua trận bão năm 2009, giờ chỉ trơ bộ khung, lổn nhổn đá đen. Nếu ở đất liền, chúng tôi có thể san lấp lại bằng đất nhưng ở Lý Sơn, không tìm đâu ra đất để lấp vào số diện tích bị mất ấy”.
.
Ở phía đông bắc của đảo, cạnh khu vực Hang Câu thuộc xã An Hải, toàn bộ 6 hecta đất ở đây đã bị thủy triều dọn sạch. Số gia đình chuyên trồng tỏi khu vực này giờ trắng tay vì không còn đất để canh tác. Cách đây chừng 10 năm, số gia đình trồng tỏi vẫn thường ra khu vực Hang Câu để lấy cát biển về rải lên ruộng tỏi trước khi trồng vụ mới. Cát ở khu vực này là thân của những con ốc, con sò đã hóa thạch nên rất hợp với cây tỏi, chính nó làm nên hương vị rất đặc thù của tỏi Lý Sơn.
.
Cứ mỗi mùa tỏi, người dân lại khai thác cát ồ ạt khiến bờ biển bị “hỏng chân”, tạo điều kiện cho thủy triều thâm nhập nhanh hơn. Huyện Lý Sơn đã ra văn bản cấm khai thác cát khu vực này. Dù việc khai thác cát để trồng tỏi đã chấm dứt 5 năm nay nhưng diện tích đất khu vực này vẫn mất mỗi năm 2-3 hecta.
.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nói: “Trung bình mỗi năm, Lý Sơn mất trên 10 hecta vì nạn xâm thực của thủy triều, bất chấp những nỗ lực của địa phương như vận động mọi người trồng cây chắn gió và cấm triệt để nạn khai thác cát ở ven đảo để trồng tỏi”.
.
Giữ đảo bằng kè
.
Nếu để cho thủy triều  “tự do” tàn phá thì không bao lâu nữa, Lý Sơn chỉ còn trơ bộ khung bằng đá! Những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, một “bờ kè” chạy dọc phía nam đảo đã được xây dựng. Chính nhờ bờ kè này mà đình An Hải-một di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia mới không bị thủy triều xóa sổ.
.
Khu dân cư trên 1 vạn dân chạy dọc phía nam đảo từ An Vĩnh đến An Hải cũng được bảo vệ nhờ bờ kè này. Riêng khu vực trước đình An Vĩnh-nơi diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm, người dân đã tự bỏ ra hàng chục tỷ đồng, lên núi khuân đá về kè quanh nhà để “cứu mình”.
.
Tuy nhiên, nơi nào có khu dân cư thì mới được “quan tâm” còn ở những khu vực đất sản xuất thì phó thác cho thủy triều. Gần một vạn nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn đang phải co cụm lại sau mỗi mùa mưa bão vì đất bị mất. Nhà nước cần có môt giải pháp căn cơ cho toàn đảo thì mới mong giữ lại số diện tích hiếm hoi cuối cùng của hòn đảo này trước khi thủy triều “khai tử”.


Theo Quảng Ngãi Online