Bãi biển Mũi Đá ở La Gi
Thị xã duyên hải này có nhiều thắng cảnh du lịch như đồi Dương, bãi dương Cam Bình, bãi biển Ngảnh Tam Tân, hòn Bà, dinh Thầy Thím... Và một nơi ít người chú ý nhưng rất hấp dẫn với giới mê chụp ảnh sinh hoạt của những làng chài. Đó là bãi biển Mũi Đá, xã Tân Phước, thị xã La Gi.
Từ TPHCM đi quốc lộ 1A, đến ngã ba 46 (còn 46 km nữa thì đến Phan Thiết) rẽ phải vào quốc lộ 55 đi thêm 18km thì đến La Gi. Nếu theo quốc lộ 55 đi tiếp 50km nữa về hướng đông nam thì đến Bà Rịa. Từ thị xã này ra mũi Kê Gà, điểm du lịch nổi tiếng chỉ cách khoảng 10km.
Khi chúng tôi chọn được một khách sạn để nghỉ, trời vừa sẫm tối. Ở đây, phố xá ngủ sớm, yên tĩnh, chỉ còn hàng đèn soi sáng suốt đêm trên con đường chính mà thôi.
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm để ra đến bãi biển thuộc thôn Mũi Đá cho kịp trước lúc mặt trời lên. Từ khách sạn này ra đến bãi biển cũng phải mất gần nửa giờ xe máy. Sáng sớm trời hơi lạnh, lác đác có giọt sương. Con đường hun hút, co ro dưới màu nhựa đen bóng từ ánh sáng đèn xe hắt lên và dáng mờ mờ như sương mù.
Chiều hôm qua, chúng tôi đã ghé trước thăm dò đường, tuy vậy vẫn sợ lỡ thời cơ vì nghe kháo là cảnh ngư dân vào bờ ở bãi Mũi Đá rất đặc biệt, sinh động. Dân mê chụp ảnh mà nghe nói thế thì háo hức lắm, chẳng còn gì lôi cuốn hơn.
Lúc ấy đã muộn, quán xá dẹp sạch, vài nhà bám trụ buôn bán đang lo đốt lá hun muỗi, đám khói mù mịt cay xé mắt. Lững thững theo con đường mòn dẫn xuống bến, nghe tiếng thông reo u u, mọi người thấy lòng tở mở biết bao.
Bãi biển này nằm sâu trong một rừng thông non. Con đường nhựa rẽ vào một bãi cát với một cái ba-ri-e làm cho có, và vài hàng cọc tre đơn sơ đánh dấu mốc nơi bến đỗ.
Trên bãi, hàng hàng lớp lớp thúng nằm úp sấp, sơn đủ màu. Biển dập dềnh gợn sóng, đưa từng nhịp vào bờ. Nhìn ra khơi mút tầm mắt toàn một màu xanh đậm đang ngả dần sang đen thẫm. Biển về chiều trống vắng, mênh mông bát ngát.
Sáng sớm, bãi đã có vẻ nhộn nhịp hẳn. Các quán đã lục đục dậy đốt bếp đun nước, bày ghế bàn ra và những dịch vụ cũng xôn xao ồn ào. Thông vẫn dìu dặt reo, nhưng cái bãi không còn vẻ im lìm như chiều qua.
Bãi xe vẫn chưa có ai giữ, chúng tôi kéo nhau vào quán làm cữ cà phê đầu ngày. Một lát, thấy lích kích những dáng người càng lúc càng đông.
Biển vẫn còn tối, nhưng nét rộn rịp đã có. Người ngồi hút thuốc nhìn ra khơi, người lo đánh những cộ xe bò ra sát bãi và cho bò ăn cỏ. Mấy anh bạn nhiếp ảnh soạn sửa máy móc lỉnh kỉnh; có anh đeo túi lềnh khênh, còn tay thì thủ cái máy ảnh, tay kia lăm lăm cái máy quay, tất cả đều nôn nao như chờ người yêu đến.
Trên bãi nhập nhoạng đã có những bày biện đón thuyền vào. Mấy quán sát bãi nghe khua lẻng xẻng tiếng bát muỗng và mùi thơm của món nước dùng nấu phở, hay hơi mặn nồng của món bún bò giò heo.
Từ phía khơi, ánh đèn rọi lấp loáng, những thuyền thúng đầu tiên sắp cặp bờ. Mấy chiếc thuyền thúng to dềnh dang vì chất lưới, dụng cụ, bình hơi và cả phao… lướt sóng làm ì ào vang những tiếng vỗ của nước biển trằng đầu ngọn. Bãi biển đột ngột nhộn nhịp hẳn, mấy bác chủ cộ bò đánh ra đợi ngay sát mép nước.
Khi vào chỗ cạn, thuyền thúng chạm đáy biển, họ tắt máy rồi nhảy xuống nước cùng kéo thúng vào. Dăm ba người cùng lôi thúng lệt xệt trên cát ướt để rồi đẩy thốc lên sàn cộ và kéo lật càng xe ngang ra. Chủ cộ lại dắt bò choàng cổ vào và lạch bạch kéo từ mép nước lên trên bãi. Đến đây, ai lo thu vén đem máy nổ đặt lên một càng xe tự độ đưa về nhà thì làm, còn ai lo gỡ lưới lấy cá, soạn thành từng loại thì ở lại lo phần việc kế.
Trời càng sáng rõ thì mức độ thuyền thúng vào bờ càng dầy, càng đông. Số cộ chuyển tiếp cũng tăng thêm, tới tấp và không ngừng nghỉ. Thoăn thoắt từ biển lên bãi chỉ một đoạn ngắn mà làm không kịp.
Bà con ngư dân ra khơi từ chập choạng tối hôm trước, lênh đênh suốt đêm giữa biển khơi nên ai cũng phải mặc áo mưa chống rét, dù ban ngày trời nắng cháy da. Sáng hôm sau trở vào bờ, nhìn ai cũng mệt mỏi bơ phờ, nhưng cuộc đời họ gắn với biển như cái nghiệp không sao thoát khỏi.
Do bãi biển cạn nên thuyền lớn không vào sát mà thả neo mãi ngoài xa tít, đứng trên bờ nhìn ra không thấy, bà con phải dùng thuyền thúng di chuyển sản phẩm và dụng cụ vào bờ.
Cũng có những thuyền gỗ neo rất xa ngoài biển, ngư dân phải dùng thuyền thúng chở vật dụng đi biển ra và hải sản đánh bắt được vào bờ. Ảnh: Huỳnh Nam
Dọc dài bờ biển Việt Nam, có cơ man những bến thuyền đánh cá như thế này, nhưng hoặc là có nơi người đã kháo nhau biết đến, có nơi vẫn tiềm ẩn theo tính cách địa phương. Thị xã La Gi có cảng cá lớn với đầy đủ hạ tầng dịch vụ nghề cá hiện đại, sầm uất; nhưng chính ở những làng chài khuất nẻo này lại mang đậm nét thi vị vì những hình ảnh sinh hoạt có nét độc đáo của từng vùng.
Thí dụ cách dùng cộ kéo thuyền thúng vào bãi mà kể từ sau 9 giờ sáng trở đi thì cả chủ cộ lẫn bò vẫn chưa chịu rời bãi ngay mà còn tha thẩn ngồi lại hút điếu thuốc để bò nhàn tản nhai cỏ giữa cảnh biển rộng bao la, còn thú vị nào so hơn được.
Ở đây lại còn những cảnh ngư dân giũ lưới trên bãi, trông rất vui mắt. Mỗi toán chừng sáu người quây thành hai hàng và túm từng đoạn lưới hất lên để thấy cá búng thon thót trước khi rơi ra khoảnh đất cạnh đó. Nhiều người thấy ảnh chụp hay đoạn phim quay cảnh này thì cho là các tay phó nhòm dựng cảnh, sắp đặt chứ chẳng tin rằng đó là những hình ảnh rất tự nhiên từ cuộc sống hàng ngày của dân chài.
Và đã đến La Gi, bạn đừng quên thưởng thức của trời cho từ biển. Hôm ấy anh em chúng tôi vui vẻ làm một bữa mực hấp ngon tuyệt trước khi ra về. Mực La Gi to bản, giòn, thơm và ngọt; ngồi giữa một rừng thông nhai tóp tép miếng mực tươi và tí đưa cay, hỏi còn thú vui nào so sánh nữa chăng? Giá mực tại đây rất thoáng, 10 nghìn một ký, tính luôn công hấp và nước mắm gừng. Muốn rượu có rượu, muốn bia có bia, ăn xong cần võng nằm nghe thông reo cũng có luôn. Quá đã!
- Theo TBKTSG
0 nhận xét: