Cá ở Sơn Đoòng - Phần 1

Tôi đã có dịp du lịch đến Quảng Bình cách đây vài năm để chiêm ngưỡng cái đẹp, cái lạ của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quảng Bình anh dũng kiên cường. 

Sau hai ngày đi câu ngoài đảo Gió cùng anh em câu cá Quảng Bình và Hà Nội, tôi lượn vòng lên ngắm Phong Nha. Dòng nước sông Son xanh ngắt làm cho lòng của một gã dân câu như tôi luôn tự hỏi những con gì bên dưới. Và suy nghĩ ấy ngày càng thôi thúc khi cô bạn mới quen hứa sẽ có người quen dẫn vào những nơi tuyến du lịch chưa mở, có rất nhiều suối và cá nhưng đi đường cũng hết sức mệt mỏi.

Lời đề nghị cùng những lời như có cánh, làm cho thằng ham chơi, ham cá như tôi chỉ muốn ở lại Quảng Bình cho xong. Thế nhưng, thực tế thì phũ phàng khi mà người ta còn nhiều việc phải làm. Tôi vẫn phải về đi câu cùng anh em bạn hữu, nàng vẫn cứ phải đi làm những công việc như vẫn đang làm.
.
Thời gian qua mau, cô bạn và lời hứa năm nào đã bay biến khi nàng đi lấy chồng. Tôi tưởng như mình sẽ chẳng bao giờ còn muốn nhớ đến Quảng Bình và lũ cá nhiều nhung nhúc cùng cảnh vật thần tiên của những lời nói ấy.

Vẫn như một ám ảnh, những thông tin về Quảng Bình vẫn làm tôi quan tâm đến nó một cách kỳ lạ. Những con người ăn nằm với sông Son bắt hàng tạ chình, những con tôm càng to ngật ngưỡng ẩn đâu đó trong hang đá dưới làn nước bí hiểm tuôn chảy trong lòng động Phong Nha ngược ra luôn làm tôi thao thức. Những nụ cười của những cô gái Quảng Bình như gần, như xa. Lại còn có những thông tin về những hang động to, kỳ bí nằm sâu trong dãy Trường Sơn hùng vĩ chả kém Phong Nha, còn nhất nhì thế giới lại làm tôi như sống lại kỷ niệm tưởng đã ngủ yên từ năm nào. Có lẽ ta phải trở lại.

Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh (British Cave Royal Association - BCRA) là một tổ chức chuyên đi thăm dò, tìm kiếm và ghi nhận về các hang động trên khắp thế giới. Họ đã ghi nhận hang Deer ở Malaysia là hang to nhất với chiều cao 100 mét, rộng 90 mét và dài khoảng 2km.

< Nhấn vào ảnh để xem hìn lớn 2481x3508.

Tuy nhiên, sau những nỗ lực tìm kiếm một số hang động thành công cùng với những người dân bản địa, họ đã tìm ra anh Hồ Khanh, một con người đã nhiều năm làm nghề sơn tràng – tìm trầm, đốn gỗ cách đây nhiều năm. Cánh rừng hiểm trở khu Phong Nha – Kẻ Bàng được anh thuộc như lòng bàn tay, và họ cần anh ở điểm này. Qua một vài buổi nói chuyện cùng anh thông qua thông dịch viên, họ đã mường tượng ra một cái hang kì bí đang nằm sâu trong vùng núi đá vôi của Quảng Bình anh vô tình phát hiện cách đây đã gần 20 năm.

Sau rất nhiều thủ tục, đoàn thám hiểm cũng có được giấy phép vào khu bảo tồn đặc dụng với sự dẫn đường của Hồ Khanh. Báo chí lúc đầu cũng có viết về một vài tình tiết cho chuyến đi kiếm tìm này, nhưng sau đó tất cả lại rơi vào im lặng với lời hứa sẽ quay trở lại của đoàn BCRA. Một vài tấm ảnh được tung lên với một số cảnh hùng vĩ trong hang động, có cả nước. Có nước chắc có cá. Với một số thông tin mà BCRA đưa ra, Sơn Đoòng chắc chắn sẽ vượt xa Deer về tầm vóc. Tại sao lại không tìm đến một nơi hoàng tráng vào bậc nhất thế giới nhỉ?

Bắt tay vào chinh phục Sơn Đoòng, tôi và một số bạn hữu mới biết tại sao đến giờ Sơn Đoòng vẫn còn ẩn mình trong hoang dã như thế. Một chính sách nghiêm ngặt đối với người ra vào trong khu rừng được tuân thủ chặt chẽ với rất nhiều trạm kiểm lâm kiểm soát cả về nhân khẩu lẫn thiết bị giao thông. Không ai có thể bước chân vào khu bảo tồn nếu không có sự đồng ý của kiểm lâm, kể cả dân địa phương. Đã có 4 đoàn, sau khi nghe tin về Sơn Đoòng cũng đã cất công ra tận Quảng Bình xin vào hang nhưng đều được từ chối bởi nhiều lý do rất có lý. Sơn Đoòng vẫn ngủ yên, không ai được phép bước vào khu vực rừng có hang và cũng không ai biết đích xác nó nằm ở chỗ nào ngoại trừ Hồ Khanh và đoàn BCRA.

Người ta hay nói đến Thiên Thời – Địa Lợi – Nhân Hòa. Làm việc gì có thành hay bại cũng phải dựa vào ba yếu tố này. Cái khao khát chảy bỏng chinh phục Sơn Đoòng của tôi cũng may mắn trở thành hiện thực được chắc cũng liên quan chặt chẽ đến ba yếu tố trên.
Trong lúc đang thất vọng vì tất cả các đầu mối có thể tiếp cận với Sơn Đoòng đều tịt mít thì bỗng có một người bạn thông báo: “Đã có chủ trương của tỉnh, nếu muốn đi thì ngay lập tức hành quân”.

Chả kịp toan tính nhiều, tôi chỉ kịp vơ lấy mấy thẻo câu chình, gói mồi bột, ít lưỡi nhỏ, cuộn dây câu, vài cái phao và một cây cần tay cùng vài bộ quần áo. Vé máy bay đã được anh bạn mua giúp nên chỉ việc phóng ra sân bay. Vé máy bay chả hiểu sao không thể mua đến sân bay Đồng Hới vì kín chỗ nên chúng tôi đành bay đến Huế rồi đi bằng xe đò. Thôi, coi bộ vậy mà cũng nhanh. Miễn sao mơ ước được thỏa lòng, có khó khăn một chút cũng coi như chấp nhận được. Theo thông tin cập nhật, chúng tôi có tổ hậu cần ở Quảng Bình và người dẫn đường nổi tiếng: Hồ Khanh. Thế là vui rồi.


Sáng sớm, chúng tôi có mặt ở Huế và leo lên một chiếc taxi dù với giá thỏa thuận về đến bến xe phía Bắc để đi Quảng Bình hết 140.000 đồng. Do đã có kinh nghiệm đi lại từ chuyến Quảng Bình lần trước nên tôi đã biết giá cả và lộ trình. Nếu bạn đi taxi chính hãng Mai Linh hay gì khác, giá vé sẽ dao động từ 180.000 – 220.000 đồng. Dọc đường, anh tài taxi còn vui vẻ dừng lại cho chúng tôi ăn sáng ở quán ngon nhất có thể rồi mới lên đường. Tô bún bò huế to hự, đầy những thịt chỉ có 15 ngàn. Hai anh em đánh chén no nê rồi tiếp tục hành quân.

Vào trong bến mua vé, chúng tôi phải chờ 20 phút là xe đã lên đường. Xe khá ít khách nhưng bác tài nói như đinh đóng cột, đúng 12h là đến Đồng Hới. Hứng khởi, tôi cam đoan nếu về đúng 12 giờ sẽ tặng bác 50 ngàn đồng. Bác tài cũng vui lắm, nhưng vì lợi nhuận đón khách còn cao hơn nên bác cứ dừng và đón suốt. Kết cục là đến 12h30 xe về đến Đồng Hới. Đã có 4 anh em chung đoàn đang đón chúng tôi đến và đi ăn.

Bữa trưa đầu tiên là vài ly rượu cùng với các món rất dân dã và cũng rất đặc sản của Quảng Bình. Bữa ăn toàn chàng hương, cóc, ếch, rắn cho cả gần chục mạng mà chỉ có gần 300.000 đồng. Bữa tối cũng diễn ra tương tự với món tiết canh dê và các món dê chế biến kiểu Quảng Bình, rất độc đáo. Cho đến sáng ngày mai, đoàn chúng tôi sẽ có đủ với thành phần đại để như sau:

- Trưởng đoàn là phó giám đốc chi nhánh tập đoàn đầu tư Đông Dương
- Một bác làm cho tổ chức phi chính phủ ở HN
- Một tiến sỹ dược kiêm giảng viên RMIT ở HCMC
- Một võ sư aikido ở HN
- Hai em sinh viên người Hải Phòng
- Một cô nàng làm cho ngân hàng BIDV ở HN
- Hai vợ chồng một anh chị ở HN
- Hồng Sơn
- Nhân viên của tập đoàn đầu tư Đông Dương cùng bạn gái.

Vào đến Phong Nha từ tờ mờ sáng, đoàn chúng tôi đón thêm Hồ Khanh và ba người hỗ trợ mang vác đồ. Hậu cần cũng được anh Hồ Khanh và anh em chuẩn bị đầy đủ. Anh em cũng làm một cữ café ở quán Hồ Trên Núi, quán của nhà Hồ Khanh. Ngôi nhà nhỏ rất xinh, ngoài sân trồng đầy lộc vừng, mai rừng rất có giá trị.

Hồ Khanh còn trẻ, nhìn mặt rất hiền, chả có nét nào là dân sơn tràng leo rừng ngủ núi cả. Có lẽ cuộc đời anh đã rẽ sang lối khác, sau khi anh được biết đến là người biết hàng chục hang động còn nằm sâu trong núi rừng Quảng Bình. Anh em trò chuyện làm quen rồi cùng nhau chất đồ, đường còn xa lắm.

< Pác Dugia.

Từ nhà của Hồ Khanh ở Phong Nha vào đến đầu mép lối vào Sơn Đoòng gần 30km nữa, chúng tôi phải di chuyển trên 2 ôtô. Qua hai trạm kiểm soát của kiểm lâm, danh sách đoàn với đầy đủ tên, địa chỉ, CMND được đối chiếu kỹ càng phải được trình đầy đủ mới được qua trạm. Cho dù có chủ trương của tỉnh, các trạm kiểm lâm vẫn kiểm soát kỹ lưỡng như thường lệ, chỉ vui vẻ sau khi danh sách đoàn đã khớp với giấy trên. Chúng tôi còn được biết, 4 cán bộ kiểm lâm cũng đã vào trước, sẽ đón chúng tôi tại một bản nằm sâu trong khu bảo tồn.

Trước khi vào rừng, việc đầu tiên đó là phân phát nước cho anh em và bôi thuốc chống vắt. Nghe Hồ Khanh kể, vắt dạo này đã bớt đi nhiều, chỉ xuất hiện nhiều trong đoạn từ suối vào đến hang Én mà thôi. Từ Én vào đến Sơn Đoòng ít vắt hơn nhưng lại có vắt xanh, một loài vắt mà nói đến thôi cũng làm ám ảnh nhiều người.

Vắt chia làm hai loại, vắt đất và vắt lá – tức vắt xanh. Loài vắt đất chỉ bò và di chuyển là là trên mặt đất, có màu nâu đen như đỉa vậy. Còn vắt xanh thì có sọc xanh, trú ngụ và phục kích con mồi trên các cành cây là chính. Với kích thước nhỏ chỉ bằng que diêm là cùng, số lượng máu chúng hút chả là bao nhiêu. Đáng sợ ở chỗ, vắt thường di chuyển vào những chỗ kín để hút máu và gây ra các vết thương chảy máu không ngừng do chất chống đông máu chúng tiết ra khi hút máu. Nhiều người chỉ phát hiện ra đã bị vắt cắn sau khi máu chảy ướt đẫm cả quần hoặc áo.

Với loại vắt đất, chúng thường tấn công các vị trí từ chân đến thắt lưng, tùy vào mức độ di chuyển của từng con. Còn vắt lá, chúng tấn công từ thắt lưng đến đầu. Vết cắn của vắt đất có thể cầm máu bằng cách rửa sạch vết thương và dùng băng cứu thương cá nhân dán vào, vết thương sẽ cầm máu và lành trong vòng 1 tuần lễ. Với vắt lá thì khác, chúng cắn để lại vết thương chỉ có thể cầm máu bằng cách gí tàn thuốc lá vào vết thương. Để phòng chống vắt, cách thường dùng là lấy Dep trị ghẻ bôi vào chỗ vắt có thể bắt đầu bò vào như quanh giày, cổ chân, ống quần. Tuy nhiên cái này chỉ trị được vắt đất mà thôi. Nếu dùng Dep mà bôi vào cổ hay thắt lưng chống vắt thì sẽ nóng đến rộp da luôn. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có loại thuốc trị vắt, muỗi rất tốt là Repel 40% deet. Tôi đã dùng cái này, đảm bảo miễn nhiễm với vắt, ruồi vàng.

Đường vào sau khi chuẩn bị phòng trừ vắt có vẻ rất ổn. Lối mòn đã có do nhiều người đi lại, đường dốc cắm một mạch từ trên đường xuống đến tận suối. Buổi sáng tuy mát mẻ, nhưng vác một ba lô đồ cả 10kg và leo qua đường rừng cũng làm cả đám mướt mồ hôi. Duy chỉ có thổ dân là Hồ Khanh và các bạn của anh là cảm thấy an nhàn cho dù mỗi người mang đến 30kg trên lưng. Con dốc dài đến 2km, nuốt của chúng tôi gần hai giờ leo trèo và nghỉ mất một chặng. Chưa có nỗi kinh hoàng nào đến từ vắt cả.

Đến suối, chúng tôi nghỉ một lát rồi tiến bước. Hơn một km nữa chúng tôi tiến vào một bản, gọi là bản Đoòng. Cả bản chỉ có hơn chục nóc nhà với trưởng bản – cũng là cha là ông của tất cả các nóc nhà trong bản này mang tên Nguyễn Sỹ Sắc. Đã di cư về đây cả gần hai chục năm, ông có hơn chục người con đang sống chung trong bản. Tự cung tự cấp tất cả mọi thứ, cuộc sống của bản như khép kín quanh dãy hàng rào vây quanh. Một nỗi niềm khó tả dâng lên trong đoàn về một cuộc sống cách xa xã hội. Đến khi nào thì đám trẻ đây biết chữ, đi xe máy, có ánh điện??? Có lẽ cũng còn lâu lắm, vì cứ mỗi lần vận động dời bản, cả bản dời đi rồi lại quay về với lý do không quen sống nơi khác. Và họ cứ sống như thế, kệ cho dòng đời đang chảy về đâu.

Ngồi nghỉ một lát, chúng tôi lại lên đường. Đi khoảng hơn 1 km, chúng tôi lại dừng chân bên một dòng suối lớn, bên kia bờ là điểm tập kết đón đoàn của các anh kiểm lâm. Cây cối xung quanh với sự kiểm soát và bảo tồn gắt gao nên còn rất dày, tạo bóng mát rượi bên suối. Hàng đàn bướm sặc sỡ phủ kín vạt đất ven suối gợi lên nỗi nhớ bài hát “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây”.  Các anh kiểm lâm với một tay lưới nhỏ rải ven suối, chừng mười phút là đã có cả kg cá trắng để nấu nướng đón đoàn. Cá suối thịt chắc, thơm, phần đầu hơi ngăm đắng do mật vỡ ra trong quá trình chế biến cho một hương vị đặc biệt. Tôi đã có nhiều lần ăn cá suối này, nhưng có lẽ đây bữa cá suối đầu tiên ăn trong rừng như thế này.

Dùng xong bữa trưa đầy chất thú vị giữa rừng già ven suối mát rượi, tất cả tập trung nghỉ ngơi đôi chút rồi lên đường. Quãng đường còn dài, nhưng đã hết dốc. Nghe nói là thấy mừng, chỉ làm sao đến sớm để có thể buông câu kiếm cá.

Nhớ lại cảnh con cá suối nhỏ tí mà chạy như vũ bão nơi thác Bà – Tánh Linh – Bình Thuận mà tôi lại thấy khoái. Cứ suy nghĩ vậy, tôi thiếp đi bao giờ không biết, cho đến khi cả đoàn xôn xao hành quân tôi mới choàng tỉnh dậy, thu xếp võng và lên đường. Lại hành quân.

Rừng Phong Nha có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều loại rừng đan xen, như phô bày thảm thực vật hoành tráng, cũng như cản lối chúng tôi. Sau cả tiếng đồng hồ lội lặn trong đám dây leo quấn cây cổ thụ, cây tầng thấp chằng chịt, chúng tôi phải băng qua một rừng chuối. Vắt bắt đầu xuất hiện nhiều. Từ con đầu tiên ven suối nghỉ chặng dưới dốc bám vào bụng em ngân hàng, đích thân tôi phải giữ chặt em đang nhảy tưng tưng rồi luồn tay vào kéo ra, đến giờ nó nhiều vô thiên lủng. Lối mòn nhỏ trong đám rừng chuối khiến vận tốc đoàn hạn chế bởi người đi đầu, do vậy đã có người bị vắt cắn. Trông thì đơn giản, nhưng rừng chuối lại là nơi dễ lạc nhất bởi vì các lối mòn đã mờ, lại thêm địa hình nhìn đâu cũng giống đâu. Nếu người đi trước không phải là Hồ Khanh và anh em thổ địa vừa đi vừa đánh dấu bằng cách chém đổ các cây chuối con thì chắc chúng tôi đã lạc từ lâu. Cứ việc nhìn các cây chuối còn mới bị chặt chảy nhựa, chúng tôi vừa thở vừa đuổi theo toán đi đầu.

Thêm một đoạn, cả đám lại thấy một trảng rừng đầy lá lốt, lá nào lá đấy to bằng bàn tay xòe. Anh em thi nhau hái lá lốt, vừa hái vừa phải tránh lá han, để ý vắt. Vắt thì mọi người đã biết rồi, cái lá han cũng là sự khó chịu trong rừng. Tôi nhớ có bài hát đã được chế lại có câu: “Anh ở đầu sông em cuối sông, thấy em chùi đít bằng lá han…”.  Cái tiếu lâm bầy bậy này thực ra là có thật. Khi đi đại tiện trong rừng, lại không mang giấy và thiếu kiến thức, rất có thể bạn sẽ dùng lá han để vệ sinh chỗ ấy. Lá han mọc thấp, lại to, rất dễ lôi cuối những người nếu chưa biết lá han là gì.

Lớp lông mọc trên lá han sẽ cắm vào thịt chỗ va chạm vào, gây rát bỏng, rất khó chịu. Nó chỉ cọ vào mu  bàn tay đã ngứa phồng cả lên rồi, nếu mà vào giữa hai kẽ mông thì… không biết sẽ như thế nào. Theo dân gian chỉ dẫn, cứ chỗ nào có lá han sẽ có cây ráy. Dĩ độc trị độc, nếu bị cọ vào lá han, chỉ cần đào củ ráy lên chà vào sẽ hết ngứa. Nhưng nếu vết ngứa đó không phải do lá han gây ra, bạn sẽ bị ngứa bội phần.

Còn tiếp phần 2

- Theo Samichina - forum Cauca