"Những chiến binh mây mù" trên Sừng trời Khau Phạ.

Từ Yên Bái theo Quốc lộ 32 qua Văn Chấn, hết địa phận Tú Lệ với danh tiếng về loại nếp thơm bản địa, sẽ bắt gặp dải núi cao với đường đèo quanh co vắt ngược lên đỉnh trời, đó là Khau Phạ (sừng trời) - một con đèo nổi tiếng vùng Tây Bắc, mà "dân" du lịch đã xếp hạng là một trong "tứ đại đỉnh đèo".

Đèo Khau Phạ hiểm trở và dài nhất trên tuyến Quốc lộ 32 với trên 30km. Nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng về du lịch của tỉnh Yên Bái như: La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao trung bình từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển, có Mù Cang Chải với ruộng bậc thang kỳ vĩ đã trở thành di tích quốc gia, khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng vào ngày 18/10/2007. Do đèo luôn có mây mù bao phủ, đỉnh núi cao 2.088 mét như nhô lên trên biển mây, nên đồng bào dân tộc Thái xưa kia gọi là "Khau Phạ", dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là "Sừng trời".

Từ thành phố Yên Bái, ngược theo Quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua Tú Lệ, đèo Khau Phạ hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của đồng bào Mông. Còn từ Lào Cai, đi qua Sa Pa sang Bình Lư và xuôi về tay trái qua Tân Uyên đến Than Uyên; hoặc qua Bảo Thắng, Văn Bàn theo Quốc lộ 279 vượt đèo Khau Co sang Than Uyên, là gặp Quốc lộ 32. Từ điểm đầu mối giao thông đường bộ là thị trấn Than Uyên đang thay đổi từng ngày, theo Quốc lộ 32 đi về phía Đông Nam chừng 40 cây số là tới địa phận Mù Cang Chải.

Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, tầm tháng 9, tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng nương, đây cũng là thời điểm mà nhiều khách du lịch chinh phục đèo để ngoạn cảnh. Những cánh rừng già tại Khau Phạ còn lưu giữ được nhiều loại động, thực vật quý hiếm như: thông dầu, chò chỉ và các loại chim muông, thú quý hiếm khác. Trên đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Đèo còn đặc biệt nguy hiểm vì tầm nhìn hạn chế, núi ở đây lại nằm trong vùng đất đỏ bazan, hệ đất yếu.

Trước đây còn luôn có sự nguy hiểm rình rập thường xuyên với những tảng đá từ trên núi cao có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Tuy nhiên hiện nay, đường đèo đã được ngành giao thông - vận tải và tỉnh Yên Bái sửa chữa, khắc phục, trở thành cung đường du lịch hấp dẫn và con đường giao lưu kinh tế khu vực miền Tây Yên Bái. Trên "Sừng trời", thời tiết luôn mát như ở Sa Pa, cũng có năm nơi đây có tuyết rơi như Sa Pa bởi độ cao trên 2.000m.

Không chỉ là một cung đường đèo nổi tiếng trong du lịch, địa danh Khau Phạ còn gắn liền với những chiến công được ghi trong lịch sử cách mạng tỉnh Yên Bái: Trước năm 1945, đội du kích Khau Phạ đã lợi dụng địa hình và nương theo mây gió quánh đặc trên đèo, "xuất quỷ nhập thần" liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của thực dân Pháp từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lao Cai và ngược lại bằng súng kíp hoặc bẫy đá, khiến quân Pháp hãi hùng kiêng nể gọi là "những chiến binh mây mù".

Hiện nay, Yên Bái đang làm hồ sơ di tích, dựng tượng đài tưởng niệm Đội du kích Khau Phạ trên đỉnh đèo. Ngược thời gian tìm hiểu thêm những sự kiện lịch sử cách mạng, Khau Phạ còn được nhắc đến như một bản anh hùng ca về chí khí quật cường của dân ta chống lại sự xâm lược và ách thống trị của thực dân. Các phong trào chống Pháp của nhân dân Yên Bái theo ngọn cờ của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, phong trào Cần Vương... xây dựng các căn cứ kháng chiến ở Đại Lịch, Mường Lò, Mường Cơi, Thu Cúc, ngăn cản quân địch chiếm Văn Chấn liên tục nổ ra.

Cùng với phong trào Cần Vương, thời kỳ này còn có cuộc khởi nghĩa của người Mông, người Dao do hai thủ lĩnh dân tộc là Đặng Phúc Thành và Giàng Nủ Lâu ở vùng thượng Châu Văn Chấn (nay là huyện Mù Cang Chải) tổ chức nhân dân đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Thủ lĩnh Giàng Nủ Lâu đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ở Púng Luông. Sau cái chết anh dũng của thủ lĩnh người Mông Giàng Nủ Lâu là sự ra đời và trưởng thành của đội du kích Cao Phạ.

Đây là đội du kích ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập vào tháng 10/1946 để củng cố chính quyền cách mạng ở vùng cao. Ngày đầu thành lập, đội chỉ có 7 đội viên, do ông Giàng Khua Kỷ là người dân tộc Mông, trước làm thống lý nhưng được cách mạng giác ngộ đã tham gia Ban chỉ huy đội du kích Cao Phạ. Mặc dù trang bị vũ khí của đội chủ yếu là súng kíp và các loại vũ khí thô sơ khác như: dao nhọn, mác, nỏ... nhưng đội đã nhanh chóng tập luyện để sẵn sàng đối phó với địch. Vừa tham gia luyện tập, 7 người trong đội đã nhanh chóng tuyên truyền, vận động thanh niên dân tộc Mông vào đội du kích theo cách mạng đánh Pháp.

Chỉ sau vài tháng tập luyện, quân số của đội đã tăng từ 7 lên 30 đội viên và sau này lên tới 200 đội viên đều là người dân tộc Mông của các xã trong huyện Mù Cang Chải. Với nhiệm vụ chủ yếu là chốt chặn con đường đèo Khau Phạ chạy dọc địa phận xã Cao Phạ nối liền Nậm Khắt, xã Ít Ong (Sơn La) với các xã Tú Lệ, Gia Hội và thị xã Nghĩa Lộ. Ở địa thế hiểm trở, một bên vách núi, bên kia là vực sâu, bằng tinh thần chiến đấu gan dạ, thông minh, đội du kích trên đèo Khau Phạ đã tổ chức được nhiều trận đánh địch, lập nhiều chiến công vang dội, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch làm cho giặc Pháp kinh hoàng.

Với 41 trận chiến đấu, trong đó có 16 trận chiến đấu độc lập, 25 trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực, đội du kích Cao Phạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 125 tên địch, thu 150 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của quân địch. Riêng người chỉ huy đội du kích là Lý Nủ Chu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Nhân dân xã Cao Phạ cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Về tâm linh, người Mông cư trú trên dải núi này coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, mùa màng thất bát, họ lại tới Khau Phạ để lập lễ cúng Giàng. Theo tiếng Mông, thì đỉnh núi thiêng này được gọi là "Đở Chua" - đỉnh núi lộng gió. Với những chính sách của Đảng và Nhà nước, hậu duệ của "những chiến binh mây mù" xưa đang cư trú trên dải núi lộng gió ngàn này đã có cuộc sống ngày càng đổi thay no ấm; đã có những làng bản trù phú; lúa, ngô giống mới cho những mùa bội thu; các bản heo hút nay đã có các phân hiệu cho trẻ được đến trường học chữ. Cuộc sống đang đổi mới từng ngày, nhưng đồng bào vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống.

Ngược đèo Khau Phạ, bạn sẽ bắt gặp những cánh ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, những đỉnh núi nhô lên trên mây ngàn hùng vĩ và những nụ cười thân thiện, tươi tắn của những người sống trên Sừng trời.

- Theo báo Lào Cai, ảnh internet