Người Tày và lễ hội Nàng Hai
Hội Nàng Hai là lễ hội dân gian đậm màu sắc tâm linh, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Tày. Đây là lễ hội đặc sắc mang tính diễn xướng tổng hợp – có các bài lượn và bài cúng tế được hát trong suốt quá trình lễ hội. Dù là tên gọi hay hình thức tổ chức nào, lễ hội này thực chất đều mang ý nghĩa mời nàng Hai về ban mùa màng và hạnh phúc cho dân bản. Có thể coi Nàng Hai là lễ hội đặc sắc, tổng hợp các lễ hội của người Tày.
Lễ hội Nàng Hai hay còn gọi là lễ hội Nàng Trăng được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu trong phạm vi một xã hoặc nhiều xã dưới nhiều tên gọi như: Hội Trăng, hội mời Nàng Hai (mời Nàng Trăng)… Lễ hội này được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Có nơi thiên về bói toán như một số nơi thuộc Bảo Lạc (Cao Bằng), Vị Xuyên (Hà Giang), có nơi thiên về trình diễn đối đáp ban phúc như một số nơi thuộc huyện Thạch An (Cao Bằng), nhiều nơi lại là hình thức cầu mùa như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn.
Ở hội Nàng Hai, người chủ trì việc cúng tế lễ trình báo, xin phép mở hội bằng hính thức âm dương, đồng thời tạ ơn các thần đã phù hộ cho một năm gieo trồng được thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Sau khi thực hiện xong nghi lễ trình báo các thần, người ta tiến hành hàng loạt nghi lễ liên quan đến việc cầu phúc, cầu mùa. Ở đây tục thờ trời được phản ánh thông qua lễ mời Nàng Hai từ mường trời về ban mùa màng và phúc lành cho dân bản. Ở một số địa phương, lễ hội được kết hợp múa, hát với một bài tế tụng dài miêu tả hành trình của đoàn người trần gian lên mường trời cống hoa và cầu xin các Mẹ Trăng ban phát hạt giống, con giống, triệt phá sâu bọ cho con người.
Lễ hội được tổ chức trên một bãi đất rộng. Dân bản chuẩn bị mâm cúng với các đồ ăn truyền thống như: một chiếc thủ lợn (hoặc gà luộc), hương, vàng mã, xôi, rượu… để đem ra lễ hội.
Lễ hội được mở, người ta chọn một bà mẹ có cuộc sống gia đình hoàn thiện, hát giỏi để làm Mẹ Trăng. Khi hành lễ, Mẹ Trăng tay cầm ngọn mía, trên ngọn mía có treo một túi đựng trầu nhỏ, một chiếc khăn tay, và một bát nước có đặt một lá bưởi. Bát nước và ngọn mía có ý nghĩa tượng trưng cho việc tẩy uế. Hai cô gái chưa chồng đóng hai chị em Trăng, theo sau là sáu hoặc tám cô gái mặc áo chàm, trên đầu cô nào cũng buộc dẻ vải màu đỏ, hoặc màu vàng đóng vai các Nàng Trăng. Hai thiếu niên nam mặc quần áo chàm, trên đầu buộc hai dẻ vải đỏ, ngang hông buộc thắt lưng bằng vải đỏ, mỗi người cầm một cây trúc nhỏ tỉa cành, chỉ để lại mấy cành ở ngọn, trên ngọn buộc một chiếc khăn tay để mở đường cho “Mẹ Trăng” và các “Nàng Trăng” lên trời cầu các Mẹ Trăng xuống giúp trần gian trong các công việc làm ăn.
Dân bản dựng một cái lều, gọi là Lều trăng (Thiêng hai). Lều được lợp rơm, trước lều có các sào treo hoa rừng, bên trong lều có mấy tấm phản dùng làm chỗ ngồi cho Mẹ Trăng và các Nàng Trăng khi làm lễ. Trước khi hành lễ, những người đóng vai Mẹ Trăng và các Nàng Trăng đứng trước bàn thờ để ông Tào làm lễ hóa thân. Theo trình tự, mỗi người hít thở ba lần khói hương để tống khứ linh hồn của người ra khỏi thể xác để linh hồn Mẹ Trăng và các Nàng Trăng nhập vào. Sau lễ nhập hồn, việc hành lễ đón trăng bắt đầu.
Sau lễ đón trăng là lễ cúng Mẹ Trăng. Lễ này diễn ra trong mười hai đêm, mỗi đêm cúng mời một Mẹ Trăng xuống giúp cho dân bản làm ăn. Lễ cúng được miêu tả là cuộc hành trình các Nàng Trăng lên trời đến các cửa của các Mẹ Trăng như cửa mẹ Lạn Ba, mẹ Khắc Cơ, mẹ Bích Lam, mẹ Bích Vân, mẹ Lưỡng Tàm, mẹ Mạ Mỳ.
Sau khi đã cầu hết các cửa, xin các mẹ được đầy đủ các giống cây, con, các điều kiện mưa thuận gió hòa cho việc trồng trọt, chăn nuôi ở trần gian thì dân bản lại tổ chức đưa tiễn Mẹ Trăng về trời. Trước khi ra hành lễ đưa tiễn các Nàng Trăng về trời, Mẹ Trăng và các Nàng Trăng phải làm lễ chia tay trong lều đón trăng ở trong bản, họ hát các bài hát chia tay và vừa đi vừa dùng tay du mạnh những cột lều để cho lều đổ, mục du lều đổ này gọi là mục Trụ trại.
Sau lễ Trụ trại, Mẹ Trăng và các Nàng Trăng ra cầu thần trông coi đầu bản và cuối bản mở cửa cho về trời. Trong lễ tiễn trăng này, thầy Tào làm phép tách vía cho Mẹ Trăng và các Nàng Trăng, gọi hồn vía người ở trần gian nhập lại vào thân xác để trở về làm người trần.
Trong lễ hội Nàng Hai có hiện tượng xuất nhập hồn để mời Mẹ Trăng (Nàng Hai) là một hiện tượng sa man giáo phổ biến của tín ngưỡng nguyên thủy. Tín ngưỡng “Nàng Hai” mang tính bản địa nằm trong hệ thống nghi lễ xuất nhập hồn liên quan đến tín ngưỡng “Nàng” như: Nàng Xáy (Trứng), Nàng Hương (hương đốt), Nàng Cuôi (sọt), Nàng Cằm (cám)
Tín ngưỡng thờ mẹ của người Tày bắt nguồn từ truyền thống coi trọng mẹ sinh sản, tôn trọng mẹ sinh sản. Nữ thần trông coi việc sinh sản được gọi là Mẻ Bjoóc (Mẹ Hoa). Họ cho rằng Mẹ Hoa ở trên trời mới là mẹ đẻ còn mẹ ở trần gian chỉ là người thừa lệnh Mẹ Hoa sinh ra con. Mẹ Hoa được thờ cúng cùng với các nghi lễ gắn với thời kỳ sinh đẻ của sản phụ. Từ truyền thống đó, với tư duy nông nghiệp đề cao vai trò của phụ nữ mà gắn vai trò sinh sản với mẹ nông nghiệp được thể hiện ở hình ảnh Mẹ Trăng. Trăng là một hiện tượng thiên nhiên trong quan niệm dân gian là chủ về nước – thái âm. Lễ hội Nàng Hai với tục thờ Mẹ Trăng là có liên quan đến tục thờ mẹ nói trên.
Tùy từng hình thức và nội dung tổ chức lễ hội cụ thể mà vai trò của Mẹ Trăng được thể hiện khác nhau. Có nơi Mẹ Trăng được đồng nghĩa với Pựt Luông (Phật Lớn), là mẹ cai quản cung Quảng Hàn, trông coi mọi mặt trong đời sống con người. Có nơi Mẹ Trăng đồng nghĩa với Mẹ Hoa bao gồm nhiều mẹ được gọi chung là Mẻ Nàng Hai (Mẹ Nàng Trăng), mỗi mẹ cai quản một mặt trong sản xuất nông nghiệp ở mường trời – mường trăng với các tên gọi như: mẹ Lan Ba, mẹ Khắc Cơ, mẹ Bích Vân, mẹ Mạ Mỳ… Tục cúng hoa và dâng lễ hoa, khao hoa trong hình thức lễ hội này chính là sự phản ánh quan niệm mang hoa lên mường trời cống Mẹ Hoa của người Tày.
Hội Nàng Hai ngân nga với làn điệu dân ca “lượn hai” có sức lôi cuốn con người ta đến lạ kỳ. Nó vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc – tín ngưỡng thờ mẹ, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc miền núi nói chung trong sự sinh tồn, trong bối cảnh nông thôn miền núi.
- Theo Quehuongonline, Cema
0 nhận xét: