Cuộn chảy dòng thác đợi chờ
Từ thiên tình sử đẫm nước mắt thủa trước
Với người K’ho, tộc người bản địa vùng cao nguyên Lâm Đồng nơi đây, thác Dambri còn chất chứa trong mình cả một thiên tình sử. Theo một truyền thuyết, họ tin rằng nơi dòng thác đang cuộn chảy ầm ào, xưa kia là nơi nàng sơn nữ K’ho ngồi khóc đợi người tình quay về sau cuộc chia ly đầy ngang trái.
Đã trải qua bao mùa lúa chín trên rẫy, bao mùa trăng tròn lại khuyết đi qua, nàng vẫn khóc, vậy mà người yêu thì biền biệt nơi đâu. Nước mắt nàng đọng lại tạo thành dòng thác Dambri, trong tiếng K’ho có nghĩa là “đợi chờ”.
Giờ đây, dòng nước mắt của sự đợi chờ vô vọng đã thành tâm điểm viếng thăm của hàng vạn du khách. Thác Dambri là một phần của quần thể du lịch sinh thái có tổng diện tích gần 1.000 ha nằm trong khu rừng nguyên sinh vẫn còn giữ vẻ đẹp hoang sơ. Ngay khi vừa đặt chân đến đây, từ ngoài cổng chào cách thác hơn 1km, bạn đã được nghe âm vang hùng tráng của ngọn thác đang phô trương sức mạnh từ đại ngàn.
Xuyên qua bóng râm âm u của những tán cây rừng, nơi ánh mặt trời chật vật len lỏi qua những kẽ lá, bạn bắt đầu hành trình theo con đường xuống chân thác với những bậc thang đổ bê tông phủ lớp rêu thời gian.
Đi theo con đường này, bạn có thể ghé động Phật Bà ở lưng chừng thác và từ đây phóng tầm nhìn ra lưng thác, nơi hàng ngàn khối nước đổ xuống trắng xóa từ độ cao thẳng đứng 70m như suối tóc mượt mà của cô sơn nữ ngóng đợi người yêu từ bấy lâu. Dưới chân thác gập ghềnh là cây cầu nhỏ bắc ngang những mỏm đá. Bước chân qua cầu, bạn có thể cảm nhận cái lạnh ngọt ngào của vô số hạt bụi nước nhỏ li ti thấm qua lần áo. Từ đây ngước nhìn lên ngọn thác chỉ thấy một màu sương mây trắng xóa, không khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Giữa tiếng reo của nước và sự hùng vĩ của thế thác thẳng đứng, bạn mới cảm nhận được sức mạnh của tự nhiên và thấy mình nhỏ bé biết chừng nào.
Trên cầu, quán cà phê kính màu xanh lá rừng đang chờ đợi phục vụ bạn những tách cà phê và ly trà nóng xua tan đi mỏi mệt sau dặm đường xa. Từ đây, bạn sẽ nhìn thấy toàn cảnh thác và được ngắm những bông hoa dại tím li ti chen nhau mọc trên đá. Bạn có thể tiếp tục hành trình khám phá bằng cách đi theo con đường mòn xuyên qua khu rừng để lên đến thượng nguồn hoặc đi lên ngọn thác bằng thang máy. Thang máy có kết cấu bằng kính trong suốt được dựng lên để phục vụ cho những du khách muốn được chiêm ngưỡng toàn cảnh thác nhưng không đủ sức khỏe để đi thang bộ.
Đến quần thể du lịch nổi tiếng hôm nay
Từ đỉnh thác nhìn xuống, những hạt nước bụi nhỏ phản chiếu ánh mặt trời thành chiếc cầu vồng lấp lánh bắc ngang qua ghềnh đá. Đi về phía thượng nguồn, hãy thử một chút cảm giác mạnh với chiếc cầu treo kết bằng tre và dây rừng bắc ngang qua suối để đi vào Đảo Khỉ. Thật thích thú khi bắt gặp những chú khỉ, chú vượn đang chuyền cành trên những cây cao và cất tiếng hú hoang dại hay những chú nai nhỏ đang nhởn nhơ gặm cỏ khắp đảo. Nhiều động vật quý hiếm khác cũng được bảo tồn và nuôi dưỡng trong khu vực này như gấu, voi, cá sấu, chồn, vẹt, công, trăn, cả cọp núi, báo, mèo rừng… Từ 10h30 sáng đến 3h00 chiều mỗi ngày tại đây có chương trình xiếc thú phục vụ miễn phí khoảng 30 phút, mỗi suất cách nhau hai tiếng đồng hồ.
Đã đến Đảo Khỉ, bạn không thể không ghé thăm làng dân tộc Châu Mạ cũng nằm trong khuôn viên này. Cô hướng dẫn viên người Mạ duyên dáng sẽ giới thiệu đến du khách những nét đẹp đặc trưng trong văn hóa của họ, như điệu múa cồng chiêng đầy cảm xúc, kiến trúc nhà sàn, những công cụ lao động, những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống được các nhiếp ảnh gia lưu lại và trưng bày tại nhà truyền thống. Du khách còn biết thêm về kĩ thuật dệt thổ cẩm không cần khung của người Mạ và tìm cho mình một món quà kỉ niệm như chiếc áo, chiếc váy, hay chiếc băng đô…
Nếu thích khám phá hương vị ẩm thực của người Mạ, bạn có thể vào nhà hàng Kơnia để thử các món thịt heo rừng, cơm lam, rau rừng và rượu cần ngọt ngào say ngây ngất bên bếp lửa rực hồng, bên tiếng suối reo róc rách và tiếng chim rừng vọng lại từ ngàn xa. Đêm đến, bạn có thể thuê nhà chòi để nghỉ và lắng mình vào thiên nhiên hoang dã.
Cũng thuộc quần thể thác du lịch Dambri là chùa Di Đà ở buôn văn hóa Dạ Tồn, nơi dành cho những du khách thích tìm đến không gian của sự thanh tịnh. Cách cổng thác Dambri khoảng 1km, rẽ vào con đường nằm bên tay phải và đi hết khoảng 2km đường trải nhựa, bạn bắt đầu đặt chân lên con đường đất đỏ bazan.
Đi hết con đường, bạn đặt chân đến chùa Di Đà do sư Đồng Châu trụ trì. Bạn có thể tham gia vào những sinh hoạt hàng ngày của đồng bào người dân tộc để trải nghiệm một cuộc sống khác, dùng bữa cơm chay tịnh với chư tăng trong chùa, dùng trà với sư trụ trì Đồng Châu và chiêm nghiệm về cuộc sống. Đặc biệt trà ở đây được chế biến từ những cây chè do chính người dân nơi đây cùng sư thầy trực tiếp canh tác và chăm sóc.
Kết thúc chuyến khám phá một góc Tây Nguyên đầy cảm xúc, bạn có thể quay lại Khu du lịch, nghỉ chân bên hồ nước Dambri rộng hàng ngàn mét vuông, khua thuyền, buông câu trên hồ. Nếu muốn náu mình dưới bóng mát của rừng cây, hãy tạt thuyền vào ven bờ rồi chậm rãi khua mái chèo dưới những cây cổ thụ xoè tán vươn ra hồ.
Thông tin thêm:
+ Khu Du lịch thác Dambri cách trung tâm Thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) 18 km. Bảo Lộc ở vào khoảng 120km từ Đà Lạt đi xuống, 180km từ TP. Hồ Chí Minh đi lên theo quốc lộ 20. Trên đường vào KDL, bạn sẽ đi qua những vườn trà xanh mát, hình ảnh đặc trưng của “xứ trà” B’lao.
+ Khu Du lịch thác Dambri vừa khai trương máng trượt siêu tốc dài nhất Đông Nam Á vào giữa năm nay. Máng trượt dài hơn 1.600m mang lại cho du khách cảm giác mạnh tột cùng và đầy sảng khoái.
+ Trong Khu du lịch Dambri có hang động cây hoá thạch nằm dưới tầng ba của thác, là một điểm đáng để tham quan. Hang sâu 50m, có thể chứa được khoảng 100 người. Trên đỉnh hang là hàng loạt gốc cây hoá thạch nằm giữa những phiến đá. Dambri còn được nối với hai dòng thác khác là thác Dasara cách trung tâm KDL khoảng 500m gồm 7 tầng, cao 60m và thác Dạ Tồn cao 25m nằm cách trung tâm KDL gần 700m.
- Theo Travellive, ảnh internet
ĐAMB'RI kỳ vĩ -
0 nhận xét: