Măng Đen (Kon Tum), nàng tiên giữa đại ngàn
Từ thị xã Kon Tum, đi dọc Quốc lộ 24 (về hướng Quảng Ngãi) khoảng 50km, du khách sẽ đến Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Plông - Kon Tum), điểm khởi đầu của tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên. Với phong cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa hữu tình, Măng Đen được du khách ví là “nàng tiên” giữa đại ngàn...
Cảm giác thú vị bất ngờ xâm chiếm sau hành trình dài giữa đại ngàn hùng vĩ, du khách thấy Măng Đen đột ngột hiện ra ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Bốn phía được bao bọc bởi sương mù, rừng thông, biệt thự và cái lạnh nhè nhẹ...
Không chỉ hấp dẫn du khách bởi mức nhiệt trung bình khoảng 20 độ C, Măng Đen còn đặc biệt quyến rũ bởi rừng thông từ 30 - 70 năm tuổi. Ngoài bạt ngàn cây xanh, ở Măng Đen thỉnh thoảng bạn còn bắt gặp nhiều suối, thác đẹp nổi tiếng như: Paish, Dakke, Lô Ba và những hồ thơ mộng: Toong Zơri, Toong Pô, Toong Đam...
Nếu là người ưa khám phá, bạn nên thả bộ dưới tán thông vi vu gió, ngắm những dò lan rừng đua nhau toả hương, khoe sắc. Nơi đây còn có vườn thú với nhiều loài như heo rừng, nai, gà, nhím...
Đẹp nhất là khu vườn thực nghiệm trồng rất nhiều loại rau, hoa xứ lạnh để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Người dân ở đây cũng bắt đầu nuôi cá hồi với lời tuyên bố: “Khí hậu Măng Đen thích hợp nhất cho giống cá hồi trên đất nước Việt Nam”.
Sau khi lang thang trong rừng xanh, bạn sẽ ghé nhà Rông bên hồ để hòa mình vào vũ điệu cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Phóng tầm mắt ra xa, thấp thoáng trong rừng cây là những ngôi biệt thự cổ, trên trời, mây trắng xếp thành những hình thù ngộ nghĩnh. Chủ quán ân cần mang cho khách ly cà phê thơm nồng, bỗng nhiên, bạn sẽ mong ước được ngồi lại nơi này thật lâu.
Ở đây, ai không là hướng dẫn viên? Bí thư huyện ủy Kon Plong Nguyễn Văn Hùng, còn khá trẻ, sôi nổi nói: “Có người hỏi tôi lên đây làm những việc gì? Tôi đáp làm bảo vệ rừng và hướng dẫn viên”. Đó là một câu chuyện khác. Năm 2002, nhận quyết định làm bí thư huyện ủy Kon Plong (tách ra từ huyện Kon Rẫy), anh đi thực địa rạc cả giò. Rồi vắt, sên... tưởng đã xa lắm rồi trong thành ngữ "ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen”, nhưng có hôm, về lại "thị trấn" chưa kịp thay đồ, chẳng biết từ đâu rơi ra mấy con vắt no tròn như đầu đũa! “Còn vắt nái, còn dấu beo, dấu gấu... tấc rừng nguyên sinh còn xanh tốt lắm”.
Sau mấy chục chuyến sục rừng, anh bay ra Hà Nội, gặp Tổng cục Du lịch. Hỏi: “Chỗ ông có gì để làm du lịch?”, đáp: “Các anh cứ vào, khắc biết”. Thoáng chần chừ. Anh khẩn khoản: “Nếu chưa làm được gì, phải giữ”. Thế rồi, Phó tổng cục trưởng Vũ Tuấn Cảnh bay vào, quyết liệt: “Không chỉ giữ mà phải làm nhanh. Măng Đen nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây và là phần không thể thiếu của Con đường xanh Tây Nguyên. Nó sẽ nhanh chóng hiện diện trên bản đồ du lịch Việt Nam”. Điểm khác biệt lớn nhất nếu đem Măng Đen so sánh với Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Sa Pa (Lào Cai) chính là rừng già nguyên sinh. Chúng tôi phấn đấu xây dựng Măng Đen thành khu sinh thái hài hoà, thân thiện với thiên nhiên, môi trường”.
Không lâu sau, vùng đất này được xác định là 1 trong 3 vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum và được Tổng cục Du lịch bổ sung vào chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2005-2010. Những con đường mới hiện ra giữa rừng thông cổ thụ, những dự án đồ sộ được đệ trình Chính phủ. Đến nay, tính riêng tại thị trấn huyện lỵ đã có 162 lô biệt thự, chưa kể 190 lô khác đang chờ giấy phép. Ngày nào chỉ 1 thôn có điện, 3 xã có đường. Nay điện, đường đã vươn đến 60% số xã, thôn. Trường học, bệnh xá theo nhau mọc lên trên vùng rừng thời chiến tranh có mật danh H29 ở phía Đông Trường Sơn. Nay mai công trình thủy điện đầu tiên đi vào hoạt động, chắc rằng 40% số xã còn lại của đại ngàn này cũng sẽ sáng choang.
Huyện Kon Plông là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Kon Tum (bên cạnh Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và TP. Kon Tum), được quy hoạch với diện tích trên 115.000ha. Tiềm năng du lịch của Măng Đen đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Tính đến hết năm 2009, toàn huyện (chủ yếu tại Măng Đen) đã có 46 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 7 dự án du lịch, 5 dự án rau hoa xứ lạnh cùng các dự án: khu thực nghiệm sinh học, nhà máy xử lý rác thải và phân vi sinh, nhà máy thuỷ điện... với tổng vốn đăng ký trên 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, Măng Đen vẫn còn gặp không ít thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển. “Điều chúng tôi lo ngại nhất là nguồn nhân lực, trên 90% dân số của huyện là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp nên rất khó khăn cho phát triển du lịch; cơ hội tiếp cận các dịch vụ do du lịch mang lại còn thấp. Chúng tôi đang tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư với nhiều cơ chế ưu đãi để xây dựng, kiến tạo Măng Đen trở thành Đà Lạt thứ hai của vùng Bắc Tây Nguyên.
- Tổng hợp từ Kinh Tế nông thôn, Dantri, Thanhnien, internet
Đề nghị bác ghi rõ [B]nguyên phần nguồn[/B] nhé, rõ thì phải có từ 'Du Lịch, GO!'.
Trả lờiXóaCảm ơn.