Tục ăn trầu của người Việt
Trầu này trầu quế, trầu hồi
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
Trầu này trầu tính, trầu tình’
Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình với ta
.
Trầu quen thuộc với người Việt nên ở khắp các làng quê nhà nào cũng trồng trầu và cau, vừa làm nhà cửa thêm đẹp vừa tiện cho việc ăn trầu. Miếng trầu nhỏ bé nhưng hội tụ rất nhiều yếu tố, đủ hương, đủ vị.
Một miếng trầu bao gồm một lá trầu quệt ít vôi tôi trắng ngần, têm gọn gàng, tỉa hình cánh phượng, cuốn ăn cùng lát vỏ đỏ au và miếng cau bổ sáu. Nếu đứng riêng rẽ, đó chỉ là cây, là lá, là đá . Nhưng khi hợp lại, chúng hoà quyện, cộng sinh vào nhau, được ấp ủ trong môi miệng con người thì tất cả bỗng biến đổi, trở nên đằm thắm, rực rỡ hơn. Khi ăn, ban đầu miếng trầu mang vị chát, hơi đắng nhưng dễ chịu và có cung bậc được tạo ra bởi sự tươi ngọt từ phần mềm của cau, vị bùi của vỏ và vị nồng nàn của vôi. Tất cả những hương vị và sự hòa quyện đó khiến người ăn có cảm giác lâng lâng gần như say rượu, say nước chè xanh hay say thuốc lào.
Trầu cau còn là thứ đi cầu sự nghi lễ, từ việc tế tự, tang ma cưới xin, việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng. Trong các đám hỏi, nhà gái thường nhận của nhà trai cả buồng cau để chia phần báo hỷ cho họ hàng.
Với các liền anh, liền chị quan họ, mời trầu là một nghi lễ quan trọng của buổi gặp gỡ. Miếng trầu têm cánh phượng đựng trong coi sơn son, cách mời trầu trang nhã, mời đi mời lại chủ và khách nhường nhau rồi cùng ăn, khi mời còn hát đối đáp cho miếng trầu thêm ý nghĩa
Gặp nhau ăn một miếng trầu
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào
Miếng trầu đã nặng là bao
Muốn cho đông liễu tây đào là hơn
Tục lệ ăn trầu mãi mang đậm nét bản sắc dân tộc và tính nhân văn trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam. Và đặc biệt, điều đáng tự hào hơn đó là trải qua bao đổi thay, nhiều giá trị văn hóa đã mai một do sự tác động của cuộc sống đô thị song trong tập tục cưới hỏi của người Việt, miếng trầu vẫn giữ nguyên giá trị và được con cháu nâng niu, gìn giữ.
- Theo báo Thái Nguyên
0 nhận xét: