Chùa Giồng Thành, một địa chỉ đỏ
Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng, nhiều cây cối tươi tốt, cách hữu ngạn sông Cái Vừng khoảng 300 m, cách thị trấn Tân Châu 3 km, trên đường tỉnh 942, từ Phú Tân đi Tân Châu. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1986.
Chùa được cất theo chữ "Song Hỉ" có 3 gian: chánh điện, nhà giảng, hậu tổ. Giữa chánh điện và hậu tổ có 2 nhà cầu và song hành. Chùa lợp ngói, trên cột chánh điện có vẽ rồng. Trên nóc chùa có tháp 2 tầng hình phễu. Gian chánh điện thờ Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng và 2 ông Nam Tào, Bắc Đẩu. Nhà giảng thờ Phật Mẫu: gian hậu tổ thờ hòa thượng Trần Minh Lý, Chôn Nhơ và hòa thượng Nguyễn Văn Điền. Xung quanh chùa cây cối xanh tốt làm tăng thêm vẻ cổ kính, trang nghiêm.
.
Hằng năm, vào các ngày rằm lớn như ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười, thiện nam tín nữ địa phương và các nơi khác đến dâng hương rất đông. Ngày 19-05 được xem như ngày hội của nhà chùa với nhiều hoạt động mang tính chất văn hoá truyền thống đặc sắc để kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sở dĩ gọi là Giồng Thành vì chùa được xây dựng trên một giồng đất cao, vốn là thành lũy vào thời Nguyễn. Vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), khi Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Công Trứ dẹp xong cuộc nổi dậy của Lâm Sâm ở Trà Vinh, thì quân Xiêm lại đem binh thuyền sang đánh phá đất Việt. Vua bèn sai Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Tri Phương giữ mặt Tiền Giang, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Nhàn giữ mặt Hậu Giang, và cử thêm Lê Văn Đức đem binh phối hợp. Các vị tướng này chia thành ba mũi cùng tiến công, khiến quân Xiêm bị thua to, rút chạy về nước…
Để bảo vệ bờ cõi lâu dài, vua nhà Nguyễn ban lệnh cho tướng sĩ đến vùng đất gần tiếp giáp biên giới, tức Tân Châu Đạo, chọn địa điểm đào (nơi đào lấy đất biến thành hào) và đắp thành một gò đất cao, xa trông như cái "giồng", để xây dựng một thành lũy. Thời Pháp thuộc, thành lũy bị sụp đổ, giồng đất trở nên hoang vu.
Năm 1875, hoà thượng Trần Minh Lý đứng ra dựng chùa bằng vật liệu tre lá đơn sơ. Sau có người phát tâm hiến đất và gạch ngói để trùng tu và mở rộng chùa. Đến năm 1927, hoà thượng Chánh Hườn - tục gọi hoà thượng Điền - đứng ra xin nhà cầm quyền Pháp cho đi quyên góp những người mộ đạo, để xây cất lại ngôi chùa. Năm 1970, hoà thượng Chôn Nhơ cho trùng tu lại chùa theo kiến trúc kiểu Ấn Độ, khiến chùa có diện mạo như ngày nay.
Tại đây vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, tổ chức Kèo Vàng, Kèo Xanh của Phan Xích Long đã tập họp thu hút người yêu nước chống Pháp. Chùa cũng là nơi mà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sinh sống một thời gian trước khi về Cao Lãnh. Trong thời kỳ 1954 - 1975, chùa Giồng Thành tiếp tục là cơ sở của tỉnh ủy Châu Đốc, huyện ủy Tân Châu và là điểm giao liên của Khu 8, Trung ương cục miền Nam. Đặc biệt nơi đây từng là chỗ trú ngụ an toàn cho các nhân vật lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản như: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt....
Chùa Giồng Thành nằm nép mình dưới những hàng cây cao tạo cho du khách một cảm giác yên bình khi bước vào khuôn viên. Nhìn từ bên ngoài, chùa mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ với mái tháp có hai tầng hình phễu, trang trí nhiều họa tiết hoa văn trang nhã. Chùa có lối kiến trúc tổng thể theo hình chữ Hỷ - 喜 với 3 gian: chánh điện, nhà giảng và hậu tổ. Hiện nay, chùa còn giữ được một hiện vật là giường ngủ của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và đã xây dựng nhà trưng bày những di tích lịch sử trong đó có một số hình ảnh liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Theo Vietgle, Cổng thông tin điện tử An Giang và nhiều nguồn khác
0 nhận xét: