Du lịch Đồng Nai
Tỉnh Đồng Nai có khá nhiều thung lũng, đồng bằng, gò, đồi thấp, phần đất giáp cao nguyên Lâm Viên và Di Linh thì tương đối cao. Phần lớn đất ở Đồng Nai là đất bazan, đất xám và đất phù sa cũ rất tốt cho việc trồng trọt. Bởi vậy Đồng Nai trồng nhiều cây công nghiệp (cây cao su, cà phê...) cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn ngày.
Khí hậu ở Đồng Nai mang cũng mang nét đặc trưng của khí hậu Nam Bộ gồm hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 25,4ºC - 27,2ºC.
Ngoài ra, Đồng Nai còn có tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch. Đến Đồng Nai du khách có thể tham gia những chuyến du lịch sinh thái trong các khu rừng còn hoang sơ, tuyệt đẹp như rừng Cát Tiên – một khu rằng nguyên sinh rộng lớn hoặc tham quan các vườn cây ăn quả sum xuê trái, cũng như săn bắn, câu cá, du thuyền trên sông Đồng Nai.
Du khách sẽ có dịp đi dã ngoại tại các thắng cảnh: hồ Long Ẩn, khu văn hoá Suối Tre, thác Trị An, rừng Mã Đà... hay tham quan các di tích chiến tranh, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ: mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa...
Đồng Nai còn nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống như làng gốm Tân Vạn, ven sông Đồng Nai của người Việt, nghề đục đá truyền thống tinh xảo của người Hoa sống gần hồ Long Ẩn.
Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của khu vực miền Nam, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Xung quanh thành phố Biên Hoà có khu công nghiệp rộng lớn, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty. Đồng Nai có nhiều nghề thủ công. Đồ gốm sứ Đồng Nai đẹp có tiếng trong nước.
Có khá nhiều dân tộc sinh sống ở Đồng Nai, phần lớn là người Việt. Ngoài ra có người Hoa, Xtiêng, Chơ Ro, Chăm, Mạ... Đồng Nai có một truyền thống dân gian khá phong phú, đặc biệt là văn hóa của đồng bào dân tộc ít người. Tôn giáo chủ yếu ở Đồng Nai là Phật giáo và Công giáo. Ngoài ra, một số ít người theo đạo Tin Lành, đạo Hồi, đạo Cao Đài, Hòa Hảo.
Đồng Nai còn là quê hương của một số loại nhạc cụ dân gian độc đáo: đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiêng đồng, thanh la, khèn bầu, khèn môi. Lối hát Tam Pót của dân tộc Mạ, một loại hình hát kể có vần điệu được lưu truyền trong cộng đồng người Mạ ở huyện Định Quán hiện đang được khôi phục lại.
- Theo Vietbalo
0 nhận xét: