Ngoạn cảnh Thoại Sơn
Năm 1818, Thoại Ngọc Hầu điều động quân binh cùng hàng vạn dân công với công cụ lao động thô sơ, ngày đêm đào kênh Thoại Hà dài hơn 30 km chạy ngang chân núi, nối Long Xuyên với Rạch Giá
Từ thành phố Long Xuyên theo tỉnh lộ 943, băng qua những cánh đồng lúa bạt ngàn, đi chừng 25km là đến thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Chúng tôi mua vé 5000đ/người và xe máy, rồi bắt đầu lên núi. Có một con đường lát bê tông bề ngang chừng 4 mét, ngoằn nghoèo, uốn lượn chạy quanh co lên đỉnh. Hai bên đường là rừng cây nhỏ, có đoạn một bên là vách bên kia là vực sâu, có lan can, mé thềm vực có nhiều cây cối che chắn. Đoạn đường chưa tới 1.500 mét, xe máy hai bánh leo lên cũng mất hơn 10 phút mới tới đỉnh.
Núi Sập có khá nhiều chùa lớn, nhỏ, nằm rải rác từ lưng chừng núi lên tới đỉnh. Một số ngôi chùa với kiểu cách lạ mắt, màu sắc sặc sỡ đang xây dựng dở dang!
Đáng chú ý là pho tượng Phật Di Lặc mới xây, cao 8 mét, sơn màu hồng cánh sen, ngồi uy nghi, tự tại bên sườn núi của chùa Duyên Phước. Ngôi chùa nằm trên khoảnh đất khá bằng phẳng ngang lưng núi, từ đường đèo lên sân chùa có 18 bậc tam cấp.
Chùa Duyên Phước có kiến trúc theo phong cách các đình chùa, am miễu ở Nam bộ với cổng tam quan mái giả kiểu ngói âm dương, trên nóc có lưỡng long tranh châu. Sân chùa có cặp sư tử đá ngồi chầu, giữ cửa. Trên nóc chính điện là gác tháp, mái vút cong ở đầu với tượng long, lân, qui, phụng ở trên hướng đầu về chữ vạn! Ngôi chùa này được xây mới vào năm 1994 thay cho ngôi chùa bằng cây lá, tồn tại đã lâu đời.
Đoạn cuối con đường lên núi Sập dẫn đến hang Dơi. Đây là điểm cao nhất của núi với rất nhiều đá tảng lớn, nhỏ chồng chất lên nhau. Có hai đoạn cầu thang bằng sắt dẫn lên hang. Trên hang là có một khoảng sân đá nhỏ gồ ghề nhưng có thể ngồi chơi, hóng gió rất thơ mộng và thoải mái. Một cây sộp cổ thụ mọc bám trên đá núi, dây leo, rễ chằng chịt, toả bóng mát rượi. Từ mỏm núi này, ta có thể thấy đồng ruộng mênh mông, bát ngát, sông rạch dài xa tít tắp, vườn tược xanh um và thị trấn Núi Sập với nhà cửa san sát, lô nhô dưới chân núi đẹp như tranh vẽ!
Khi xuống núi, ta vòng lên phía phải của Thoại Sơn, khách sẽ gặp một khu du lịch do bàn tay con người tôn tạo hài hoà cùng với cảnh sắc thiên nhiên. Ở đây “non” với “nước” tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Các hồ nước số 1, số 2 và hồ Ông Thoại thông với nhau, xuyên qua những hang, đường hầm trong lòng núi. Những hồ nầy là dấu tích những hầm, hố đá được khai thác trước đây khoét sâu vào chân núi, ngày nay nó đã trở thành những hồ nước đẹp.
Một cầu vồng bắc ra ốc đảo nhỏ giữa hồ, nơi đặt tượng Ông Thoại đứng oai phong, cầm chiếu chỉ của vua ban. Dưới sát chân núi Sập có một tấm bia bằng đá núi Ngũ Hành Sơn, sao chép lại bản dịch bia Thoại Sơn gốc, do tỉnh Quảng Nam tặng (Nguyễn Văn Thoại gốc người Quảng Nam). Cạnh cổng vào khu du lịch có nhà lục giác trưng bày bức thư pháp đạt kỷ lục có chữ “tâm” nhiều nhất Việt Nam với 108 vần lục bát độc đáo, nhắc nhở, đề cao những điều thiện và sự hành thiện.
Đền thờ ông Thoại còn có tên là Thoại Sơn cổ tự, toạ lạc trên triền núi Sập, thuộc thị trấn Núi Sập. Vào trong điện thờ, ta sẽ gặp tượng Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đặt dưới chân bia Thoại Sơn. Bia được phủ vải đỏ viền quanh và đặt trên bệ thờ rất trang trọng.
Bia do Thoại Ngọc Hầu cho lập vào năm 1822, có chiều cao 3 mét, rộng 1,2 mét, mặt bia chạm 629 chữ Hán. Hiện bia vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, các chữ Hán trên mặt bia vẫn còn sắc nét. Nội dung bia nói về nguồn gốc, xuất xứ, cảnh quan, tên tuổi của núi Thoại Sơn. Tuy nhiên, bia hiện nay, do bị sơn phết màu mè, nên đã mất đi diện mạo ban đầu. Bia Thoại Sơn cùng với bia Vĩnh Lăng ở Thanh Hoá và bia Vĩnh Tế Sơn ở núi Sam là ba bi ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới thời phong kiến cận đương đại còn lưu lại đến ngày nay.
Chung quanh thị trấn núi Sập còn có khá nhiều cảnh quan đẹp như kênh Thoại Hà, chùa Ông Bổn, gò đá Vọng Đông, chùa Bà, nhiều ngôi chùa của người Khmer.
- Theo TBKTSG
0 nhận xét: