Phục dựng Tây Khuyết Đài - Huế
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Phùng Phu cho biết, công trình bảo tồn, phục hồi Tây Khuyết Đài thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế vừa được khởi công xây dựng.
Trước đó, cuộc thăm dò khảo cổ di tích đài Tây khuyết từ giữa năm 2010 đã đạt được những kết quả như xuất lộ nền móng kiến trúc chính hình vuông mỗi cạnh dài gần 13m kèm theo một số chân tảng (móng trụ công trình) bên trong; cạnh đó là phần nền móng của một số kiến trúc, bệ súng đại bác, hệ thống thoát nước...
Dự án sẽ dựng lại kiến trúc chính với một ngôi nhà rường truyền thống hình vuông, kèm theo một số hạng mục công trình và các yếu tố tạo cảnh quan liên quan, nhằm đưa khu vực đài Tây khuyết trở thành điểm ngắm cảnh hoàng thành lẫn kinh thành, đồng thời là nơi trưng bày, triển lãm các chuyên đề liên quan đến di tích Huế.
Đài Tây khuyết cao 4,24m, rộng gần 1.600m², nằm giữa bức thành phía tây của hoàng thành Huế với chức năng là đài canh gác. Đài được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 dưới thời Gia Long. Những kiến trúc này bị tàn phá do chiến tranh và tàn lụi theo thời gian từ giữa thế kỷ 20 nay sẽ được phục dựng lại. Công trình do Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung thi công, với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng.
Đây là Di tích văn hóa Quốc gia đặc biệt và là công trình nằm trong tổng thể Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.
Công trình bao gồm việc phục hồi Nhà canh 114,5m²; tu bổ, phục hồi tường thành lan can bằng gạch vồ, vữa bả màu truyền thống; tôn tạo sân vườn lát gạch Bát Tràng và hạ tầng kỹ thuật.
Sau khi hoàn thành, công trình Tây Khuyết Đài sẽ góp phần trả lại diện mạo kiến trúc Hoàng thành, hứa hẹn sẽ cùng Đông, Nam và Bắc Khuyết Đài là những điểm nhìn lý tưởng ở Đại nội Huế.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho ý kiến về việc thỏa thuận Báo cáo Kinh tế kỹ thuật bảo tồn, phục hồi Tây Khuyết Đài (Đại Nội Huế) và lưu ý các cấu kiện kiến trúc đã thu thập được với số lượng nhiều và còn ở tình trạng kỹ thuật tốt (như chân tảng, gạch gốm trang trí...) cần được thống kê phân loại để nghiên cứu tái định vị; đồng thời làm rõ khối xây tường thành gốc được gia cường với khối xây phục hồi mới.
Trung tâm cần tiếp tục sưu tầm các tài liệu lịch sử có liên quan để hoàn thiện thiết kế và triển khai các bước tiếp theo của việc bảo tồn, phục hồi Tây Khuyết Đài...
- Tổng hợp
0 nhận xét: