Chùa Vẽ - Công trình kiến trúc nghệ thuật cổ
Cách giải thích thứ nhất: Địa bàn xã Đông Hải trải dài theo bờ nam sông Cửa Cấm, với nhiều làng xã, địa danh cổ gắn liền với những sự kiện oanh liệt chống ngoại xâm của quân dân ta trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền như: Hạ Đoạn, Đoạn Xá, Phương Lưu và chiến thắng Bạch Đằng năm 1287 - 1288 của quân dân ta thời Trần, đó là các làng quê Phú Xá, Bình Kiều...
Truyền sử địa phương đặc biệt nhắc tới vai trò lợi hại của các ngôi chùa ở khu vực này đã góp phần vào thắng lợi vang dội của quân dân ta trong thế kỷ XIII.
Đó là chùa Đỏ (Linh Độ Tự) gần khu vực cảng Cửa Cấm ngày nay là nơi quân ta nổi lửa nuôi quân đánh trận, chùa làng Đoạn Xá (Hoa Linh Tự) - nơi các thám tử của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quan sát đồn trại giặc, vẽ sơ đồ chuẩn bị cho trận đánh Bạch Đằng năm 1288 thắng lợi. Do vậy, chùa làng Đoạn Xã ngoài tên chữ Hoa Linh Tự, còn có tên là chùa Vẽ.
Cách giải thích thứ hai: Chùa làng Đoạn Xá mang tên vị tăng có công khai lập ngôi chùa thờ Phật từ buổi đầu gian nan là Sư ông Vẽ, sau truyền đến Sư Vô. Nhưng cách giải thích này chưa thật đầy đủ, lại chưa thấy một văn bản nào đáng tin cậy nói tới. Nhưng tên chùa Vẽ ngày nay đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.
Chùa Vẽ là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ còn khá nguyên vẹn, nguy nga. Chùa có qui mô và nghệ thuật trang trí kiến trúc giống hệt các đình làng nổi tiếng trong vùng như Đông Khê, Hạ Lũng, Phụng Pháp... chứ không mang dáng vẻ thấp và u tịch như nhiều chùa làng Việt Nam khác. Tòa Phật điện cấu trúc hình chữ 'Đinh' gồm 5 gian tiền đường và 4 gian chuôi vồ. Kèm hai bên hậu cung là hai ngôi nhà chè nhỏ, nơi đặt bàn thờ 'Tam toà Thánh Mẫu' và 'Đức Ông bản thổ'. Các cột của toà nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nguyên cây, cao to lừng lững, một vòng tay người ôm không xuể.
Bàn thờ Trần Hưng Đạo, vị tổng chỉ huy quân đội nhà Trần được lập ở gian phía trái toà tiền đường. Tượng Hưng Đạo Vương và tượng đôi ngựa chiến hồng bạch của ông là những tác phẩm điêu khắc cực kỳ sống động.
Thăm chùa Vẽ ngày nay, chúng ta không có dịp được chiêm ngưỡng đầy đủ những tượng pháp, nghi trượng và đồ thờ tự trong nguyên trạng, nhưng những hiện vật còn được bảo tồn đều là cổ vật quí giá, đặc biệt là hệ thống tượng tháp, tượng thánh thần, tượng Hậu phật, tượng Sư tổ.
Tòa Tam Bảo được bày trọn trong tòa hậu cung. Hàng trên cùng là bộ tượng Tam Thế, tiếp đến là bộ Di Đà Tam Tôn là những tượng pháp kinh điển của nhà Phật. Tượng A Di Đà cao to nhất trong Phật điện, thể hiện trong tư thế toạ thiền trên đài sen, phụ toạ toàn phần trong thế hình tháp vững chắc.
Hàng tượng thứ ba có đức Thích Ca giáo chủ ngồi giữa, hai bên là tượng Mahacadiếp và Anam Đà tôn giả là những đệ tử của đức Cồ Đàm.
Hàng tượng thứ tư gồm ba pho Quan Thế Âm Bồ Tát. Pho đặt chính giữa là Quan Âm 'Thiên thủ Thiên nhỡn' ngồi trên toà sen, có 6 đôi tay để trần xoè ra như đoá hoa nở và các ngón tay cong lại trong những thế ấn bí truyền của dòng Thiền. Pho bên phải là đức Phật bà Diệu Thiện với bình nước cam lồ để diệt trừ 108 điều phiền não cho chúng sinh và con chim ca lăng tần già đang hoá giảng Phật pháp cho chúng sinh. Pho bên trái là Quan Âm toạ sơn ngồi khoan thai trên bộ gỗ.
Tiếp đến là các hàng tượng: Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, toà Cửu Long và Thích Ca Sơ Sinh, tượng đức Thế Tôn thuyết pháp, cuối cùng là tượng Thánh Tăng.
Đứng song hàng với tòa Phật điện là nhà thờ tổ 5 gian cùng quay hướng Đông Nam. Trong nhà thờ tổ, chính giữa đặt bàn thờ đức Ngô vương Quyền, ông tổ trung hưng dân tộc, bên cạnh phải là bàn thờ sư tổ, bên trái là bàn thờ Hậu phật. Tượng sư tổ có 5 pho, trung tâm là tượng tổ dòng Thiền Bồ Đề Đạt Ma (nhân dân quen gọi là Tổ Tây), chung quanh là tượng các vị cao tăng trụ trì tại chùa. Tượng mang dáng dấp của các vị tăng sư, đầy vẻ từ tâm và đậm nét chân dung. Tượng Hậu phật gồm 6 pho, tất cả đều là phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu và quí phái. Đây là những tác phẩm nghệ thuật mang tính tả thực, mỗi người có một vẻ mặt riêng rất gần gũi với đời thường, không câu nệ, gò bó.
Với những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc kể trên và ý nghĩa lịch sử của chùa, ngày 25/1/1994, Bộ Văn hoá - Thông tin đã công nhận chùa Vẽ là di tích lịch sử Quốc gia.
Du lịc, GO! - Theo NTO, internet
0 nhận xét: