Eo Gió Quy Nhơn
Buổi sáng đẹp trời, trước khi đi qua Eo Gió, chúng tôi dừng chân dưới chân tượng đài chiến thắng Quy Nhơn thưởng thức ly cà phê sớm. Nhìn các chị các cô say sưa tập dưỡng sinh với bài múa kiếm, câu hát “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền” như đâu đó vọng về.
< Cầu Thị Nại.
Để đến Eo Gió, mọi người hào hứng băng qua cây cầu Thị Nại dài ấn tượng 2.500m, đây là cây cầu bắc qua biển dài nhất nước, niềm tự hào của vùng đất đầy nắng và gió biển này.
Ngày xưa, khi chưa có cầu Thị Nại, giao thương giữa Nhơn Lý và Quy Nhơn rất khó khăn. Người dân hoặc du khách phải ngồi ghe máy gần hai giờ đồng hồ để đi từ Quy Nhơn tới Eo Gió và ngược lại. Giờ đây khoảng cách ấy được rút ngắn rất nhiều.
< Từ cầu Thị Nại nhìn về hướng Eo Gió, xã Nhơn Lý.
Đứng trên cầu nhìn về hướng tây nam, thành phố Quy Nhơn trông như bức tranh sơn thủy hữu tình. Hướng về biển Đông là những vó biển của dân chài xã Nhơn Lý, phía xa nhấp nhô những cụm sa mạc cát trùng phùng hòa lẫn mây ngàn. Tất cả tạo nên một cảm giác bềnh bồng khó tả.
Đường lên Eo Gió, lối đi vẫn còn hoang sơ và không có sự tác động nhiều từ bàn tay con người. Từ trên cao nhìn ra xa, cụm dân cư thôn Hưng Lương nằm ngay dưới chân núi trông thật bình yên với những con thuyền bé nhỏ đang từ từ cập bến.
< Đường lên Eo Gió.
Để lên tới đỉnh phải đi theo những con đường mòn nhấp nhô đá rất khó khăn. Nhiều đoạn phải dò dẫm từng bước. Nhưng bù lại cho những vất vả là cảm giác thật tuyệt, không gì tả nổi. Trước mắt là biển trời bao la với những đường cong tuyệt đẹp của Eo Gió. Tiếng gió thổi lồng lộng rít bên tai, "nghe" chan chát mùi của biển cả.
Những âm thanh du dương phát ra từ những vách đá, tiếng sóng biển nhè nhẹ dạt dào vào chân núi, văng vẳng đâu đấy tiếng lao xao của đàn chim yến lao xao trong những hang động. Phía sâu trong khe núi là tiếng róc rách của những con suối nhỏ... Tất cả tạo thành một bản hòa tấu độc đáo.
< Đứng trên đỉnh Eo Gió, nhìn về phía tây bắc là cụm dân cư thôn Hưng Lương nằm dưới chân núi ngay bên cạnh Eo Gió.
Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy những cụm san hô ngầm to nhỏ lẫn trong màu xanh trong của nước biển.
Xuống gần hơn, bạn còn có cơ hội mục kích những chú cá đầy màu sắc tung tăng bơi lội dưới nước. Cách bờ một chút là hòn Mòng với những cụm đá nhấp nhô, uốn lượn.
< Bãi "đá đẻ" dưới chân Eo Gió nhìn từ trên cao.
Người dân nơi đây ví hòn Mòng như con cá sấu lớn vươn mình ra biển cả, cũng có người bảo đó là con trâu lớn đang ngụp lặn tắm mát.
Thả bộ qua bãi đá trứng, dọc theo vách núi, bạn dễ dàng nhận thấy những hang động mà thiên nhiên khéo kiến tạo rất đặc trưng theo dạng hàm ếch, hình vòm, lô nhô những nhũ đá nhiều màu với nhiều hình tượng mang dáng vẻ gợi cảm, phù hợp với du khách dừng chân trú nắng, trú mưa, nghỉ ngơi sau mỗi lần vãn cảnh eo gió. Hướng về Tây là những hang động có nhiều chim làm tổ, trú ngụ quanh năm, cho ra những giá trị xuất khẩu.
Dọc bờ biển là những viên đá lớn nhỏ được sóng biển mài phẳng lỳ gọi là bãi đá đẻ. Các ngư dân lý giải như thế vì ngày càng thấy... nhiều đá. Tôi cũng tò mò nhặt một hòn đá nhỏ cho vào balô, để khi về nhà xem đá có đẻ hay không (?). Nếu không thì coi như một vật kỷ niệm với điểm đến ấn tượng này vậy!...
< Giếng Tiên (kế biển, nhưng nước lại ngọt và trong vắt).
Đến eo gió bạn còn thấy một vách núi thẳng đứng có một dòng nước suối trong xanh, mát ngọt (mạch ngầm thấm từ trên cao và dồn lại một hố tròn), nhân dân địa phương gọi là Giếng Tiên.
Sau 5 năm, nay tôi trở lại thì hố tròn đó đã được nâng cao để chứa lượng nước nhiều hơn, có thể ngâm mình hoặc rửa mặt rất sảng khoái, hồn bay theo gió, quên hết mệt nhọc, cảm thấy yêu đời hơn.
< Biển trong xanh, thấy là muốn nhảy ùm xuống...
Tham quan eo gió, bạn nên chọn thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, khi "tháng giêng động dài, tháng hai động tố" đã qua, nhường chỗ cho" tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non" đến. Ở thời điểm này trời xanh, biển lặng, quần thể eo gió được che chắn bởi dãy núi hình cánh cung từ Đông sang Tây, tạo cho lòng vịnh luôn kín gió, mặt nước biển êm đềm lăn tăn từng con sóng nhỏ vỗ nhẹ vào từng phiến đá rả rích nghe rất êm tai.
< Cận cảnh Hòn Mòng.
Eo gió hiện là thắng cảnh đẹp của thành phố Quy Nhơn có giá trị về du lịch tham quan.
Bạn muốn đến eo gió hãy đi qua cầu Thị Nại theo đường 639 đến ngã ba Nhơn Hội chừng 10km, rồi rẽ theo hướng tay phải đi trên đường trục đã trải nhựa thẳng tắp khoảng 5km nữa là đến trung tâm xã Nhơn Lý. Từ chổ này, bạn gửi xe rồi thong thả đi bộ khoảng 200m là đến eo gió. Bạn cũng có thể đi theo tỉnh lộ 639 (tuyến đường ven biển) từ Tam Quan, (Hoài Nhơn) đến Phù Mỹ - Phù Cát - Quy Nhơn và tỉnh lộ 640 - 635 đến tỉnh lộ 639 về hướng cầu Thị Nại tới ngã ba Nhơn Hội rồi rẽ trái cũng đến được eo gió.
- Tổng hợp từ YuMe, Tuoitre
0 nhận xét: