Về nơi có “cá hóa rồng”
Thế núi dáng sông
Hầm Hô là danh thắng tuyệt đẹp thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nếu khách đi từ thành phố Quy Nhơn ra chừng 20km, đến cầu Bà Di, gặp ngã ba, rẽ trái về quốc lộ 19, đến thị trấn Phú Phong có ngã ba, tiếp tục rẽ phải chừng 7km là đến nơi.
Có thể nói, ít có danh thắng nào mà khi đặt chân đến khiến cho du khách cảm nhận được hơi thở của quá khứ như còn vương vấn đâu đó như ở Hầm Hô.
Không đặc biệt sao được, vì muốn vào trung tâm của Hầm Hô, khách phải đi bằng đường thủy và phải dùng thuyền nhỏ để lướt nhẹ trên dòng suối hẹp có nước trong vắt.
Trên tuyến đường thủy này hai bên vẫn còn nhiều cổ thụ mà ước chừng không dưới 300 năm tuổi. Gần đến khu vực Hầm Hô, thuyền phải chui qua vài đoạn truông được bao phủ bởi cây cối rậm rạp, dáng vẻ huyền bí, để rồi vỡ òa ra trước mắt là một Hầm Hô thoáng rộng, đẹp đến sững sờ.
Thật ra, Hầm Hô là một đoạn của sông Kút dài 3km chảy qua khu rừng già. Giữa lòng sông có vô số tảng đá lớn, nhỏ muôn hình kỳ thú. Thuyền chèo đưa khách khám phá Hầm Hô phải len qua những tảng đá ấy. Nước ở Hầm Hô trong vắt, mát lạnh. Hai bên bờ Hầm Hô là rừng cây rợp bóng cùng những vách núi đá dựng đứng như lá chắn và tạo ra những vực mà người đời đã đặt tên như: vũng Trâu Nằm, thác Bóng Trăng, vực Đài, đập Trời, thác Cá Bay, hòn Vò Rượu… Thú vị nhất là đến Hầm Hô vào mùa hè, khách sẽ thấy Hầm Hô thật hùng vĩ, tiếng ve kêu xao động một khoảng trời. Còn vào những ngày mùa đông, thời tiết ở Hầm Hô se lạnh, núi rừng thắm lên màu xanh của cây. Người dân ở đây khuyên khách nên đến Hầm Hô vào mùa xuân là đẹp nhất, vì lúc đó trời đất giao hòa, nước ở Hầm Hô xanh thẳm, hoa rừng khoe sắc, đẹp tựa như tranh.
Và chuyện “cá hóa rồng”
Đứng ở Hầm Hô quan sát, bao quanh là núi và con đường thủy dẫn khách vào đến trung tâm của Hầm Hô mới cảm nhận được hết giá trị và yếu điểm của một căn cứ địa, Mai Xuân Thưởng (1860-1887) – vị tướng tài của phong trào Cần Vương kháng Pháp tại Bình Định đã chọn làm lãnh địa để đóng quân và tập trận.
Ở vị trí Hầm Hô, người từ bên ngoài rất khó đột nhập vào được bằng đường thủy, còn nếu đến Hầm Hô bằng đường bộ cũng phải vượt qua núi và đường đi rất hiểm trở. Và trong các căn cứ địa của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng thì duy nhất chỉ có Hầm Hô được gọi là “mật khu”. Chính vì vậy mà khi đến đây, không gian của một vùng sơn thủy hiểm trở khiến cho du khách có cảm giác như mình đang quay về với ngày xưa hào hùng.
Về nguồn gốc của tên gọi Hầm Hô, tương truyền ngày xưa, vào thời điểm nóng nhất của mùa khô trong năm, mọi người sống nơi đây mong đợi mưa về, thì ngay đoạn sông Kút này có những âm thanh rất lạ trỗi lên tựa như tiếng của nhiều người hô hoán và thật kỳ diệu: “Trời mưa!”. Địa danh Hầm Hô có từ đó.
Ở Hầm Hô còn có loại cá tên “cá mương” là loại cá đặc sản, khi nướng ăn rất thơm, thịt ngọt. Hầm Hô nổi tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ, cá từ khắp nơi kéo về từng bầy. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như cá bay. Do hiện tượng này mà dân gian truyền rằng, hàng năm, Long Vương tổ chức kỳ thi cho cá tại Hầm Hô, con nào vượt qua được sẽ hóa thành rồng. Vì vậy mà Hầm Hô còn có tên là Vũ Môn, còn dân gian thì gọi là thác Cá Bay và có câu ca dao “Hầm Hô có cá hóa rồng”
- Theo SGGP, ảnh internet
0 nhận xét: