Làng đúc đồng Phước Kiều
Điện Phương là chiếc nôi của làng nghề truyền thống nổi tiếng với làng đúc đồng Phước Kiều, nơi được tôn vinh làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Cồng chiêng, sản phẩm truyền thống 400 năm của dân làng Phước Kiều, đã góp phần làm nên không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.
Tương truyền, vào khoảng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, tức dưới thời nhà Nguyễn, nhiều thợ giỏi của Phước Kiều được triều đình mời ra kinh đô Huế để đúc tiền và các đồ vật dụng cho hoàng cung.
< Nghệ nhân đang tạo mặt trống đồng Ngọc Lữ.
Hiện nay ở làng Phước Kiều có trên 100 cơ sở lớn nhỏ làm nghề đúc đồng với nhiều sản phẩm đa dạng như: chuông chùa, đồ thờ tự, cồng chiêng, lư hương và nhiều dòng sản phẩm nghệ thuật khác.
Mới đây, các nghệ nhân của làng đã đúc thành công hai khẩu súng thần công theo đúng nguyên bản từ thời Nguyễn. Súng có trọng lượng 100kg/khẩu, nguyên liệu bằng đồng và thiếc, dài 1,2 mét, đường kính họng súng 25cm.
Đặc biệt, làng Phước Kiều rất nổi tiếng với kĩ thuật đúc cồng chiêng. Các bậc cao niên trong làng kể rằng, suốt hơn 200 năm qua, sản phẩm cồng chiêng của Phước Kiều đã có mặt ở hầu khắp các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp rẻo Trường Sơn, Tây Nguyên.
Tiếng tăm Phước Kiều lan tỏa khắp các vùng miền khác và vươn sang tận Lào, Campuchia. Vì thế, cho đến nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn không quản ngại đường sá xa xôi, vượt đèo, lội suối xuôi về làng Phước Kiều chờ đợi để có được những bộ cồng chiêng ưng ý.
Ngày nay, sản phẩm đúc đồng của làng nghề Phước Kiều không còn bó hẹp ở những sản phẩm truyền thống mà đã mở rộng ra nhiều mặt hàng khác phục vụ cho lĩnh vực trang trí nội thất và du lịch. Nhờ đó mà sản phẩm đúc đồng của Phước Kiều không những đã có mặt ở hầu hết thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giới thông qua kênh xuất khẩu và du lịch.
Mỗi lần du khách về với Điện Bàn - Điện Phương đều tìm đến Đông Khương để xem các nghệ nhân làng đúc trình diễn các thao tác sản xuất, mua quà lưu niệm Phước Kiều.
Du lịch ,GO! - Theo BAVN, TCDL và nhiều nguồn khác
0 nhận xét: