Vĩnh Tràng cổ tự
Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, sau khi cáo quan, tri huyện Bùi Công Đạt phát tâm nguyện xây cất một thảo am để tu dưỡng tinh thần. Sau khi ông mất, hòa thượng Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) đã về đây trụ trì đã vận động tín đồ xây dựng thành ngôi đại tự với tên Vĩnh Trường, hoàn thành năm Canh Tuất (1849). Về sau không biết từ khi nào người ta gọi chệch thành Vĩnh Tràng.
< Hai tượng phật khổng lồ trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng.
Tháng 4 năm 1861, khi người Pháp đánh chiếm Định Tường (tên gọi xưa của tỉnh Tiền Giang), chùa bị hư hỏng nặng. Qua nhiều lần sửa chữa, đến năm 1907, hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng tu toàn bộ và ngôi chùa có diện mạo như ngày hôm nay.
< Cổng tam quan ghép sành làm theo lối cổ lầu do các nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933.
Điều đầu tiên hấp dẫn du khách khi đến viếng thăm chùa là vẻ đẹp tráng lệ của hai cổng tam quan do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933.
< Chùa Vĩnh Tràng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa Đông và Tây.
Khác với những ngôi chùa truyền thống, hai cổng này được xây dựng theo lối cổ lầu. Nét độc đáo của hai cổng tam quan thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ tạo nên những bức tranh lung linh nhiều màu sắc về chủ đề sự tích nhà Phật và chuyện dân gian…
< Chánh điện và gian thờ chính được chạm khắc tinh xảo.
Chùa có 178 cột, 2 sân và 5 lớp nhà. Khuôn viên chùa được bố trí theo dạng chữ "Quốc". Kiến trúc tinh xảo, đa dạng theo lối kiến trúc tổng hợp Á- Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chăm).
< Những bức tượng La Hán sống động được làm bằng gỗ quý sơn son thếp vàng.
Mặt trước của tiền đường với những hàng cột vững chãi, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Nóc chùa Vĩnh Tràng có năm ngọn tháp uy nghi, nổi bật trên nền trời xanh. Năm ngọn tháp này được xây dựng theo quan niệm ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
< Một Phật tử thành kính bái lạy trước tượng đài Phật Di Lặc.
Giữa gian chính điện và nhà thờ tổ chùa Vĩnh Tràng có một khoảng sân nhỏ, ở đó có một hòn non bộ phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ đây nhìn về mặt sau gian chính điện và mặt trước nhà tổ, ta lại rõ thấy lối kiến trúc Roma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ của Pháp được trang trí trên thành nóc và trên những cột xây bằng xi măng xây khá kiểu cách.
< Một buổi tụng kinh niệm Phật thường nhật của các nhà sư chùa Vĩnh Tràng.
Phía trong điện Phật của chùa có nhiều pho tượng được làm bằng gỗ quý. Điển hình như bộ 18 pho tượng La Hán tạc bằng gỗ mun, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang khoảng 0,58m. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bảo bối. Ngoài ra, chùa còn có 60 tượng quý tạo tác bằng đồng, gỗ và đất nung, được thếp vàng rực rỡ.
< Du khách nước ngoài tham quan chùa Vĩnh Tràng.
Bên cạnh hệ thống tượng Phật qúy, chùa Vĩnh Tràng còn nổi tiếng với hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Những bức vẽ này mang đậm nét dân gian với hình mai, lan, cúc, trúc và phong cảnh Việt Nam rất nên thơ do Long Giang cư sĩ thực hiện vào năm 1904. Ngoài ra, chùa còn nhiều hoành phi, câu đối và chuông cổ rất có giá trị.
Với những giá trị đặc biệt trên, chùa đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Tháng 5-2007, chùa Vĩnh Tràng còn được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Hiện nay, chùa Vĩnh Tràng là điểm tham quan du lịch rất nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang.
Du lịch ,GO! - Theo BAVN
0 nhận xét: