Đến Bản Phố thưởng thức rượu ngô
Từ thị trấn Bắc Hà, theo con đường quanh co, uốn lượn ở sườn núi Hoàng Liên Sơn đi khoảng 4km là tới Bản Phố. Trên đường đi, du khách sẽ được thỏa mắt với ngô, lúc xanh ướt dưới thung lũng, với hoa mận trắng toát hay những vườn mận trĩu quả đang vào mùa ở hai bên đường.
Đến Bản Phố, khung cảnh càng trở nên quyến rũ như một bức tranh đẹp với màu xanh bạt ngàn của rừng núi, thấp thoáng trong đó là những nếp nhà xinh xắn của người Mông. Ở đây có khoảng hơn 500 hộ gia đình với trên 3.000 nhân khẩu. Theo tiếng Quan Hoả - thứ ngôn ngữ chung của một số dân tộc sống trên dải biên cương phía bắc, từ “Phố” dùng để chỉ nơi tập trung dân cư và có hàng quán.
Người Mông Bản Phố sống ở nhà trệt với cấu trúc theo lối xứ lạnh: Họ làm nhà ở trên cao, bám vào vách đá hay sườn núi, nền nhà của họ thường thấp hơn và kín gió, nguyên liệu làm nhà chủ yếu là bằng gỗ; trong nhà luôn có lò sưởi, có thịt sấy ăn quanh năm, có món "mèn mén", món "thắng cố" độc đáo.
Người Mông thích sử dụng nhiều loại nhạc cụ, đặc trưng nhất là khèn và đàn môi. Vào những dịp Tết hay những ngày chợ phiên, các nam thanh nữ tú người Mông thường thổi khèn gọi bạn và cất lên những câu hát giao duyên.
Nét chấm phá của bức tranh Bản Phố chính là những trang phục đặc sắc, rực rỡ sắc màu của những thiếu nữ người Mông. Trang phục được may bằng vải lanh tự dệt. Các cô gái mặc váy xoè rộng, áo xẻ ngực với những họa tiết hoa văn sinh động, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân.
Người Mông sống nhờ vào nghề làm nương rẫy du canh, trồng lúa nước trên những ô ruộng bậc thang, trồng lanh lấy sợi dệt vải và trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, người Mông Bản Phố còn sở hữu một loại sản phẩm thủ công đặc trưng, hiện nay đã nổi danh trong cả nước và thu hút nhiều du khách quốc tế, đó là sản phẩm rượu ngô Bản Phố.
Bước vào ngôi nhà của người Mông Bản Phố, du khách sẽ thấy ngay một gian bếp nằm ở đầu hồi; đây chính là nơi nấu rượu. Hương ngô, hương rượu thoang thoảng khắp không gian vùng cao, nhất là vào dịp chợ phiên Bắc Hà, Cán Cấu và những ngày giáp Tết.
Rượu Bản Phố làm không cần cầu kỳ, phức tạp; tuy nhiên, để có hương vị mang đặc trưng riêng của vùng Bản Phố, loại rượu này cần phải có bí quyết gia truyền mà nếu có đem công thức đến nơi khác làm cũng không tạo được hương vị như ở nơi đây.
Ngô được trồng và phát triển nhờ vào khí hậu nơi Bản Phố. Khi ngô được thu hoạch được ngâm với nước lấy từ dòng suối Hang Dể trong sương lạnh nơi Bản Phố. Men rượu là hạt Hồng my - loại hạt có hình thù giống hạt kê và có mùi thơm đặc biệt, được trồng xen kẽ trên các nương ngô. Dụng cụ dùng để nấu rượu là một chảo gang lớn, được quây xung quanh bằng chiếc thùng gỗ đóng đai rất kín, đặt trên lò đất đắp rộng chừng 3m² và lửa phải cháy liên tục, như vậy mới đảm bảo được chất lượng của rượu. Cứ 3kg ngô là làm được 1 lít rượu khoảng 40-45º, có nhà làm kỹ được loại rượu 60º, mỗi nhà mỗi phiên chợ thường nấu khoảng 20 lít.
Điểm đặc biệt khi đến Bản Phố, khi du khách bước vào bếp của người Mông trong lúc họ đang nấu rượu, du khách sẽ thấy ở trên trần bếp treo lủng lẳng nhiều xâu thịt đủ loại: trâu, bò, dê, lợn... Đây là thứ thịt xông khói rượu có hương vị cực kỳ đặc biệt mà có lẽ không đâu có được. Không những thế, chủ nhà còn rất ân cần mời du khách thưởng thức ly rượu vừa mới cất xong vẫn còn hơi ấm với đồ nhắm là đĩa thịt hun khói rượu.
Cùng với mận Tam Hoa, lê, đào, rượu ngô Bản Phố đã theo chân du khách khắp mọi miền đất nước, dù chỉ uống một lần hẳn nhớ mãi không quên.
Men say Bản Phố.
Bắc Hà thứ bảy có chợ. Cũng như những phiên chợ vùng cao khác, đi chợ mua bán thì ít mà để gặp gỡ, giao lưu thì nhiều. Giờ ít thấy cảnh chồng say đến khật khưỡng để vợ vắt lên lưng ngựa cõng về. Đi chợ giờ có xe máy tàu, xe min khơ, có thiếu nữ H’Mông xúng xính váy áo chụp ảnh. Trước chợ Bắc Hà còn có Internet, có Karaoke, có những em bé dân tộc xì xồ mấy câu tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài. Những mất còn như một quy luật thời mở cửa nhưng mãi mãi với những phiên chợ Bắc Hà vẫn là men rượu như một thứ hồn dân tộc xứ này. Lang thang ngoài chợ tôi bắt chuyện với Lềnh, Lềnh mang lồng gà đi bán nhưng mặt mày đã tưng bừng vì rượu bao giờ. Bán gà không là chuyện chính, Lềnh bảo: “ôi, chợ vui mà, ở đây ai cũng biết uống rượu, ai cũng nấu được rượu, nhưng rượu ngon thì chỉ có Bản Phố thôi”. Tôi rủ một cậu bạn du hý vào đại bản doanh của rượu Bắc Hà nếm cho biết mùi đặc sản chính gốc xứ này.
Nghề...rượu cũng lắm công phu.
Bác Sùng người H’Mông, tên đầy đủ là Lý Trần Sùng đã 50 tuổi là giáo viên trường tiểu học Bản Phố. Nhà lúc nào cũng sắp sẵn mấy can rượu 20 lít dẫu bây giờ bác Sùng không còn nấu rượu. Bản Phố có hai nghề truyền thống mà cả người già nhất bản cũng chẳng nhớ là nó có tự bao giờ, ấy là nấu rượu và rèn kim loại. Chỉ biết cái từ cái thời đi qua bao con rẫy, dấu chân người Mông in trên những nẻo núi rừng du canh thì đã có rượu và nghề làm dao làm cày.
Giờ người Mông không đốt rừng lang bạt nữa mà quây quần thành bản thành làng. Nghề nấu rượu vẫn giữ như một nét văn hoá riêng của người Mông Bản Phố. Bác Sùng bảo: “Như dưới xuôi thôi, miếng trầu là đầu câu chuyện, còn ở đây là rượu à, nhờ nhau hay cái gì cũng bắt đầu từ rượu mà, không có rượu không được đâu, gọi là ngoại giao đấy”.
Từ thủa còn bé Lý Trần Sùng đã thấy ông rồi đến bố nấu rượu, mà ông và bố cũng kể lại là từ ngày còn bé tẹo đã thấy cụ kỵ nấu rượu rồi. Người Mông ở Bắc Hà nhiều nhà nấu rượu nhưng rượu Bản Phố vẫn là số một bởi nhiều yếu tố tự nhiên cũng như kỹ thuật rất riêng mà trời ban cho xứ này. Nguồn nước Bản Phố không ở đâu có được nên rượu bao giờ cũng trong hơn, thơm ngọt nhưng uống vào đến đâu “sủi tăm” đến đấy.Nặng nhưng dịu và không đau đầu.
Bác Sùng rót đầy chén rượu rồi tu ngọt như nước lọc nhắc khách: “ôi, uống đi, chén nhỏ không say, ở đây vui là uống bằng bát mà”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe sự kỳ công của những người nấu rượu Bản Phố. Ngô phải là ngô vàng trồng ở Bắc Hà, men rượu từ cây kê tự ủ lấy. Nhưng quan trọng hơn là phải giữ vệ sinh cho các dụng cụ nấu rượu. Vòi thì dùng vòi gỗ, chảo gang không bao giờ được phép có rỉ rét và phải làm sạch thường xuyên. Kỹ thuật đánh chảo gang cũng độc đáo vô cùng. Bác Sùng kể: “Phải lấy phân trâu non quét quanh chảo rồi hơ nóng cho cho ra phân ra kéo theo chất rỉ rét rồi mới lấy mỡ gà quét vào chảo cho bóng sạch mới đi cất rượu được...”.
Từng lời kể là những ngụm rượu nhỏ được rót ra tư cái can nhựa 20 lít. Cháy cổ mà vẫn thấy ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Món mận hái sau vườn chấm muối hột cũng không làm tôi bớt chếch choáng trong hơi men Bản Phố. Rồi bác Sùng dẫn tôi qua ngôi nhà của một người thâm niên nấu rượu ở bên kia quả đồi. Tôi hụt hơi bước theo, bác Sùng phăm phăm như thanh niên trai trẻ. Chúng tôi đến nhà già Lý Seo Hồ mà dân bản vẫn quen gọi là nhà bác Hồ.
Cứ uống đi say tao cho ngựa chở về...
Lại rượu. Nhưng không phải là can. Già Lý Sèo Hồ quý khách xuôi đến chơi mà múc rượu trong chum để ở buồng cho khách uống. Già bảo: “Rượu Bản Phố ra khỏi bản thì không còn là rượu Bản Phố”. Lại làm vài ly tôi chếch choáng với cái cảm giác sắp say. Già Hồ cũng mới tiếp mấy đoàn, có cả khách Tây nên men rượu vẫn chưa hết tưng bừng. Tửu lượng kém không quan trọng, người Mông luôn quý cái tình. Già Lý Sèo Hồ lấy khèn thổi bài “Đón khách thăm nhà”.
Giọng khèn già trầm đục mà vẫn có cái gì đó hồn nhiên và chân thành như nét mến khách của người Mông. Thêm vài ly chếch choáng tôi sợ mình say, già bảo: “ôi, cứ uống đi, say tao cho ngựa chở về mà...”. Biết sức mình kém nhưng không uống cũng không đành.
Lý Seo Hồ cũng chẳng nhớ nghề rượu có tự bao giờ.Chỉ biết cả Bản Phố hầu như nhà nào cũng cất rượu. Rượu thay đổi diện mạo của một bản nghèo. Tôi hỏi già ai cũng nẫu rượu vậy say khướt cả ngày thì làm sao. Già cười mà rằng: “Không đâu, thanh niên cũng thế thôi không uống rượu say xỉn mà, chỉ khi có khách thôi. Giờ nấu rượu vừa để dành, vừa bán đi, lại lấy cái bã hèm nuôi lợn. Nấu vì vậy chứ không chỉ đẻ uống cả ngày đâu mà...”
Bản Phố nhiều nhà có ti vi, có xe máy, có đầy lợn trong chuồng cũng chính vì dân bản biết nấu rượu. Già Hồ nói: “Không có rượu thanh niên nó bỏ đi hết rồi”. Không phải vì nghiện ngập mà ở lại nhưnh rượu đã tạo nên nghề nuôi sống và giữ chân bao người Mông Bản Phố.
Cần một thương hiệu cho đặc sản xứ này.
Người Mông Bản Phố không sợ mai một làng nghề vì rượu là cuộc sống và văn hoá của họ. Nấu rượu không ngon, làm bừa làm ẩu là một cái gì đó xúc phạm đến chính cái nghề mà họ nâng niu. Cũng vậy mà ở Bản Phố rượu nhà ai cũng ngon như nhau, họ cũng chung một suối nguồn Bản Phố, chung một thứ bắp vàng và chung một niềm kiêu hãnh. Nhưng nhiều người buôn rượu cứ đến mua rồi hồn nhiên ra ngoai cổng bản pha chế bán đi khắp nơi nhưng vẫn đề là rượu đặc sản Bản Phố. Cũng vậy mà già Seo Hồ bảo ra khỏi cổng bản không còn là rượu xứ này.
Bà con không giấu bí quyết, bởi chính nguồn nước và một sự cầu kỳ, chắt chiu từ tấm lòng nên những giọt rượu xứ này mới có cài hồn cái vị mà không ở đâu trên đất Bắc Hà có được. Cũng đã có mấy đề tái nghiên cứu và sản xuất thừ theo “cồng nghệ” và kỹ thuật Bản Phố nhưng khi đem so sánh thì vẫn thua xa rượu đồng bào tự cất. Cái người dân xứ này cần là làm sa để nhiều người biết là thưởng thức được rượu sản xuất từ “chính hãng”. Tên rượu thì nhiều người biết, nhưng chất rượu đã phai phôi đi nhiều, Vậy nên dân bản sợ mang tiếng với những thứ rượu “mạo danh” bản mình.
Có lẽ để thương hiệu rượu Bản Phố đến được với những người biết và thích uống rượu cần phải có một sự quy tụ, tập hợp những người nầu rượu đất này. Khi có sản phẩm thì tiếp thị và giữ gìn uy tín của nó bằng cách để thị trường biết đến thứ rượu Bản Phố thứ thiệt. Làm được vậy chắc bà con sẽ mừng và sẽ có cơ hội làm giàu. Rượu đành rằng ngon, nhưng cứ nấu ra lẻ tẻ và cất vào chum chờ thời như vậy, biết bao giờ Bản Phố mới phất lên được nhờ chất men ngây ngất của mình.
- Theo DulichSapa, Yume và nhiều nguồn ảnh khác.
0 nhận xét: