Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 3)
Những cô gái Thái đẹp lại thường có tài múa xòe, ca hát. Nhưng để điệu xòe nồng say như men rượu thì còn phải có thêm tiếng tính tẩu dặt dìu…
Người miền núi thường khoáng đạt. Ca hát như vị thần linh làm cho con người tươi tắn như hoa rừng. Vì thế những cuộc xòe đã vào nhịp thì không dứt nổi, hết mình cho cuộc chơi để tiếp sức cho ngày mai lao động vất vả.
Tương truyền, Đèo Văn Ân là ông vua đa tình và yêu các điệu múa, điệu xòe bậc nhất xứ Thái. Đèo Văn Ân có đến 12 bà vợ mà người vợ nào cũng đẹp như cánh ban, xòe giỏi nức tiếng. Trong nhà Đèo Văn Ân nuôi đến hàng trăm gái xòe và những lễ hội xòe được Ân tổ chức từ ngày này đến tháng khác mà không biết chán.
Điệu xòe giờ vẫn nồng say như thuở nào
< Bản đồng bào Thái bên dòng sông Đà.
Trước thời Đèo Văn Ân, xòe không có nhiều làn điệu. Xòe vốn chỉ là điệu múa cộng đồng dân dã được tổ chức vào các lễ hội của người Thái. Nguyên thủy, xòe chỉ là điệu múa của trai bản, gái Mường nắm tay nhau thành vòng tròn rồi nhảy theo nhịp. Nhạc cụ đệm cho xòe là đàn tính tẩu và kết hợp với trống, nhị và chiêng.
< Tắm suối, sông là nét sinh hoạt văn hóa lâu đời của đồng bào Thái ở vùng Tây Bắc.
Thời Đèo Văn Ân, khắp bãi trên bờ từ dòng Nậm So, Mường So đến dòng Nậm Na của đất Lai Châu đều là nơi tổ chức các cuộc xòe bất tận. Trai Mường trên đi thuyền đuôi én sang sông, gái bản dưới xinh đẹp áo cóm về bờ sông tụ họp bắt chuyện làm quen rồi nồng say nhịp xòe. Chân say nhịp xòe, lưỡi nồng men rượu, tiếng hát gọi bạn, tiếng tính tẩu réo rắt dưới ánh lửa rừng bập bùng tạo nên những đêm huyền ảo ở ven trời Tây Bắc. Vòng xòe trao tình mộng mị, vòng xòe cứ rộng mãi, dài mãi tưởng như bất tận, như núi non trùng trùng, điệp điệp...
“Vua” tính tẩu bị sắc đẹp bủa vây
< "Vua" tính tẩu Nông Văn Nhay đệm tính tẩu cho các cô gái xòe bên dòng Nậm So.
Nói đến người Thái ở Tây Bắc là nói về xòe, nói đến “báo sao”- người con gái múa xứ Mường So- thì không thể không nhắc tên lão nghệ nhân tính tẩu Nông Văn Nhay- người khơi lửa cho nhịp xòe. Năm 13 tuổi lão nghệ nhân đã biết tự làm tính tẩu, đến 15 tuổi chơi tính tẩu du dương, khiến các nhịp xòe cô gái Thái cứ uyển chuyển từng cung bậc.
Năm 15 tuổi (1955), ông đã là đội trưởng đội văn nghệ bản Phiêng Đanh và Văng Pheo, huyện Mường So, Lai Châu. Hơn một năm sau ông phụ trách văn nghệ huyện Mường So. Ông được cử đi thi Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn miền Bắc lần thứ nhất (4-1962) tại Hà Nội. Và trong lần tham dự giải đầu tiên của đời mình, chàng trai người Thái đã làm toàn hội diễn bất ngờ. Tiết mục độc tấu tính tẩu của ông đoạt huy chương vàng hội thi, rồi ông đi theo đoàn chiếu phim phục vụ bà con vùng Tây Bắc…
< Lâu nay, ông Nhay là người luôn bị các cô gái "bủa vây".
Ngoài 70 tuổi, giải thưởng về cuộc thi tính tẩu trong nước, trong tỉnh thì khó đếm nổi. Điều duy nhất mà các “báo sao” bủa vây ông Nhay vào những đêm xòe không phải vì hư danh giải thưởng mà vì tài nghệ của người duy nhất còn chơi được 36 điệu tính tẩu cho nhịp xòe nồng say. Những cuộc thi xòe trong bản, các “báo sao” tìm ông Nhay, những cuộc diễn xòe để thi thố cũng do ông Nhay “chỉ huy” tất cả.
Nhà ông Nhay ở huyện lỵ Phong Thổ. Nằm trên sườn núi, cách đường quốc lộ không xa. Ở Phong Thổ có 17 xã thì tất cả đều có đội xòe xã, thậm chí mỗi bản trong xã cũng đó đội xòe riêng.
< Cối gạo dùng sức nước- sự sáng tạo của người Thái.
Các cô gái múa xòe đều muốn tiếng tính tẩu ông đệm. Họ cho rằng, múa đẹp, tính tẩu hòa nhịp du dương thì chẳng khác hoa ban nở lúc giao mùa, cũng giống như các cô gái Thái đẹp mà trầm mình ở mó nước nóng Mường So thì như sương mai gặp ánh nắng. Các cô gái múa xòe có ông “vua” tính tẩu Nông Văn Nhay đệm thì khiến điều xòe có khiếm khuyết mấy cũng làm người xem thấy đẹp, thấy mê.
Giờ ông Nhay đã già, song những dịp chuẩn bị cho hội thi văn nghệ thì ngay cả đoàn văn nghệ ở mãi ngoài tỉnh cũng kén ông, tìm ông làm người hòa nhịp xòe bằng tài nghệ chơi tính tẩu. Các cô gái Thái bủa vây ông “vua” tính tẩu là bủa vây nhịp xòe Thái thân thương.
Chính những điệu xòe nồng say đã làm cho nhiều người biết đến nét đẹp văn hóa ở ven trời Tây Bắc- đia danh đã được một nhà thơ từng thảng thốt: “Trái tim đập không một ai nhìn thấy. Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu”.
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 1)
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 2)
Lạc vào miền gái đẹp Mường So (Kỳ 3)
- Theo ANTĐ, internet
0 nhận xét: