Trạm Tấu - Bắc Yên: thách thức ngày mưa
Đường từ Trạm Tấu sang Bắc Yên bình thường không quá thử thách các tay lái. Vào ngày nắng ráo, có lẽ chạy xe chỉ khoảng 2 giờ là hết. Nhưng khu vực Tây Yên Bái vừa mới trải qua một tuần mưa...
1 - Từ Trạm Tấu, chúng tôi hỏi đường đi Xím Vàn (Bắc Yên), mới đi được vài trăm mét thì gặp một người đi xe máy ngược chiều bảo: “Phải quay ra thôi, đường sạt hết rồi”. Một thoáng ngập ngừng nhưng chín chiếc xe vẫn nhằm con đường đất mới xẻ và san ủi, đi tiếp như một thói quen, chưa gặp khó khăn mà đã lùi bước thì không phải... dân “phượt”. Và khó khăn đầu tiên xuất hiện chỉ sau 10 phút chạy xe.
Lũ ống từ trận mưa tuần trước đã kéo đứt một đoạn đường mới mở. Một khe rỗng vừa sâu vừa rộng nằm vắt ngang con đường. Mọi người dừng xe xem xét tình hình. Vấn đề không phải ở đoạn sạt này mà liệu con đường phía trước sẽ thế nào. Đi tiếp hay không? Trong lúc cả nhóm đang bàn tính giữ cung hay bẻ cung thì một cặp vợ chồng người Mông xuất hiện. Họ bảo “mình đi được” rồi cả hai nhanh nhảu dắt xe xuống khe, vượt qua đoạn sạt mà không cần trợ giúp. Hành động đó lập tức trở thành động lực hối thúc chúng tôi tiếp tục lên đường.
2 - Trong nhóm có hai chiếc được gọi là “siêu xe”, cồng kềnh, nặng trịch. Trước tiên phải đưa chúng vượt khe. Các bạn nam khá xông xáo và nhanh nhẹn, hỗ trợ nhau vừa kéo vừa đẩy, vừa nổ máy để vượt qua “chữ V”. Không dễ dàng nhưng mới bắt đầu nên rất phấn khích, lần lượt chín chiếc xe vượt khe thành công.
Đoạn sạt thứ hai chỉ rộng hơn 1m nhưng nước mưa đã biến nó thành một con suối ngập chân, xung quanh đất đá nhão nhoẹt, lổn nhổn khiến việc đưa xe qua khá vất vả. Ướt giày, vồ ếch, đổ xe đã trở thành việc đương nhiên. Sau khoảng một tiếng, đoạn sạt thứ hai cũng được giải quyết xong.
Chúng tôi đến đoạn sạt thứ ba, nơi con đường xẻ đôi như ở hai bên bờ vực. Dân địa phương tự tạo một lối mòn đi vòng sâu xuống đáy khe, dùng vài cây gỗ làm cầu tạm. Trời mưa làm đất trơn nhẫy. Khe suối khá sâu. Chiếc cầu gỗ trông quá nguy hiểm, vì thế, các bạn nam bảo thà dắt xe qua suối còn hơn qua cầu.
Sau khi giúp hai người địa phương đưa xe qua khe, chúng tôi được họ quay lại giúp. Vắt kiệt sức, hai chiếc “siêu xe” mới đưa được sang bên kia bờ. Những chiếc còn lại chậm chạp đi từng mét, lê từng vòng bánh xe.
Trời chiều nhập nhoạng, cảm giác lo lắng ập đến. Một vài người địa phương đi ngược lại cho biết chỉ còn một đoạn núi sạt phía trước, đang có xe ủi san đường. Tin rằng phía trước đường sẽ tốt, còn hơn quay lại với đoạn đường vừa qua nên chín chiếc xe lại lầm lũi đi, lặng lẽ vượt dốc, vượt qua những đoạn vực trong cảnh tranh tối tranh sáng. Khi bóng tối hoàn toàn ập xuống, cả đoàn gặp thách thức cuối cùng.
3 - Vách núi bị sạt tạo thành một quả núi đất cao hơn chục mét, độ dốc khoảng 45 độ, đất cát nhão nhoẹt lẫn trong đá hộc. Sau ba khe sạt, nhiều thành viên trong đoàn đã kiệt sức nhưng cũng không thể nào hạ trại giữa rừng lúc này. Mọi người chia nhau từng miếng sôcôla đắng, vài viên kẹo ngọt và những ngụm nước cuối cùng trước khi bắt tay khênh xe qua núi.
Đó là những thời khắc đáng sợ. Kết hợp đèn pin cá nhân, từ hai phía chúng tôi bật đèn xe để lấy ánh sáng cho đoạn đường. Tìm được hai thanh niên người Mông trợ giúp đưa xe qua núi có lẽ là may mắn lớn nhất của chuyến đi.
Khi chiếc xe cuối cùng leo lên đỉnh đống sạt thì trời đổ mưa. Ý thức rất rõ mối nguy hiểm của con đường sau cơn mưa, họ quát ầm ĩ hối thúc cả nhóm.
Tưởng đã vượt qua thách thức cuối cùng thì lại gặp một con dốc, con dốc khủng khiếp nhất mà chúng tôi từng gặp trong đời.
Không biết dốc cao và dài bao nhiêu, chỉ thấy trong bóng đêm cô đặc của núi rừng, những chiếc xe cứ nhích được vài chục centimet rồi lại tụt xuống, ngã sóng soài. Xe ngã, người ngã. Cả đoàn bị tách ra thành những nhóm nhỏ, 2-3 xe một nhóm. Không dừng lại được, chỉ một cách duy nhất tiến lên.
4 - Tôi đã đi bộ một mình trên con dốc đó, trên tay là chiếc đèn pin. Tôi biết phía trước, phía sau đều có bạn đồng hành nhưng hình như họ ở xa lắm, chỉ có núi rừng và sự im lặng đến đáng sợ vây quanh. Tôi lầm lũi bước, balô trĩu trên vai, mặt cắm xuống đường, hít vào thở ra. Thế nên khi gặp chiếc xe mà một đồng đội vì kiệt sức đã bỏ lại giữa con dốc, tôi quyết định nổ máy và dắt nó theo, bất chấp tất cả. Bằng một sức mạnh kỳ lạ, tôi đã bắt kịp “chủ xe” đang ngồi nghỉ giữa đường, một xe nữa ở phía trước và nhóm chúng tôi cùng hai xe đã vượt dốc thành công.
Hai tiếng, có thể là hơn. Hai chiếc xe lầm lũi chạy trong màn mưa, không còn trở ngại đáng kể nào ngoài con đường lầy lội, lép nhép và trơn trượt. Chúng tôi đuổi kịp nhóm phía trước và lo lắng cho nhóm phía sau với hai chiếc “siêu xe”, sợ chúng không qua nổi con dốc đáng sợ. Nhưng khi đang chạy bám nhau thì nhận ra phía sau, bên kia quả núi, có ánh đèn xe loang loáng. Dừng lại ở một ngã ba, chặng đường thách thức đã ở lại sau lưng, trước mặt là con đường nhựa chạy thẳng về Xím Vàn. Và mọi người như vỡ òa khi nhóm cuối cùng với hai “siêu xe” và xe trưởng đoàn ào đến.
Chúng tôi hội ngộ trong đêm đen, giữa một ngã ba đường ướt và lạnh, trong tình cảm ấm áp của bạn đồng hành. Trạm Tấu - Bắc Yên: cung đường đã thông.
- Theo Tuoitre, Ttvnol
: "Đã thông"... theo khái niệm phượt tức là tạm đi được, đi kiểu vất vả như bạn thấy chứ chưa thể vi vu trên nền đường tráng nhựa đâu nghen.
Sao lại vô tư cóp vậy bác? Nên ghi nguyên cả cái phần cuối cùng.
Trả lờiXóa