Vẻ đẹp Sa Cần
Giữa lòng sông nổi lên một quả núi nhỏ với nhiều tảng đá lớn chồng chất lên nhau, gọi là hòn Bà, sách Ðại Nam Nhất thống chí gọi là "Ghềnh Thạch Bàn". Bên ngoài cửa biển, đối diện với hòn Bà và lớn hơn hòn Bà là hòn Ông, cũng nhiều đá nhưng có cây cối xanh tốt. Về phía tả ngạn cửa biển còn có hòn Kẽm, núi Cổ Ngựa nên ca dao cổ có câu:
Hòn Ông, hòn Kẽm, hòn Bà Hòn Ông ai đắp, Cổ Ngựa bà ai xây.
Cả vùng chung quanh cửa Sa Cần là một hợp thể của vẻ quyến rũ, thơ mộng, ngay bên cạnh Vũng Quýt, nay gọi là Dung Quất.
Bên cạnh hòn Ông, hòn Bà với những nét sinh động của tạo hóa, với cảnh sông nước êm đềm, ghe thuyền tấp nập, là các làng chài hai bên cửa biển rợp bóng dừa, rừng dương. Phía tả ngạn là xã Bình Thạnh, với bãi Khe Hai sạch sẽ nằm cách cửa biển không xa thu hút rất nhiều du khách đến nghỉ ngơi, tắm biển. Phía hữu ngạn là các xã Bình Ðông, Bình Thuận với các gành đá dựng đứng mặc sóng gió vỗ vào bờ. Cũng chính tại vùng này đang mọc lên nhà máy lọc dầu số và khu công nghiệp phức hợp Dung Quất. Cảnh vật Sa Cần càng thêm đem và thuận đường đi đến nhờ con đường mới mở về Dung Quất và cầu Trà Bồng mới xây cánh cửa biển chỉ một cây số.
Sa Cần không chỉ quyến rủ bởi vẻ thơ mộng của thiên nhiên mà còn hấp dẫn bởi nét sinh hoạt đặc trưng của ngư dân quanh cửa biển với tục thờ cá Ông, hội đua thuyền, hát bả trạo... Sa Cần còn cho du khách mênh mang cảm giác về thời gian, về lịch sử, khi biết cách đây hơn 530 năm (năm 1471), vua Lê Thánh Tông từng thân chinh đến cửa biển này trong cuộc Nam chinh lịch sử, trước khi khai sinh ra đạo Thừa Tuyên Quảng Nam trong lòng Quốc gia Ðại Việt.
Vì vậy khi đến với khu công nghiệp và cảng Dung Quất, ta không nên bỏ qua Sa Cần, cũng như khi đến cửa Sa Cần, ta cũng nên đến với Dung Quất đang tấp nập các công trình dựng xây.
- Theo báo Quảng Ngãi, ảnh sưu tầm
0 nhận xét: