72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 3: Thương lắm, đất liền ơi
Họ gọi chung những niềm yêu thương đó là đất liền.
Bạc đầu cho đất liền mãi xanh
Có một điểm chung với nhiều chiến sĩ nhà giàn là tóc thường bạc trắng dù tuổi đời còn rất trẻ. Thượng úy Nguyễn Văn Khương, nhân viên cơ yếu nhà giàn DK1/21, mới 39 tuổi mà mái tóc đã muối nhiều hơn tiêu. Song ở nhà giàn không chỉ riêng anh Khương, nhiều anh em chỉ mới chớm 30 tóc đã đổi màu.
Anh Khương tâm sự: “Anh em nhà giàn chúng tôi tóc bạc và rụng nhiều lắm, có lẽ vì thiếu thốn tình cảm đất liền, xa gia đình, vợ con, bạn bè nên trăn trở khó ngủ. Bão dông luôn rình rập đáng sợ. Nhà giàn là nhà sắt, rađa hoạt động liên tục nên bị nhiễm từ. Ăn cá biển quá nhiều nên bị tăng thủy ngân. Uống nước mưa gỉ sắt sơn, ca trực lại thay đổi kéo dài. Có lẽ đó là những nguyên nhân chính khiến anh em tóc bạc sớm”.
Có chiến sĩ nhà giàn khi vừa đặt chân đến đất liền chưa về nhà vội mà tạt ngang qua tiệm cắt tóc để nhuộm lại mái tóc đã bạc. Không phải họ sợ bị người ta chê già, mà sợ vợ con lo lắng nhiều cho những chuyến đi sau của chồng. Đại úy Nguyễn Đình Hoán chia sẻ: “Lính nhà giàn thường nói vui rằng anh em cứ bạc đầu theo ngọn sóng cho đất liền mãi xanh. Nghĩ đến điều đó là chúng tôi thấy ấm lòng”.
Chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động của chuẩn úy Phan Huy Quỳnh, sinh năm 1983, quê Hà Tĩnh. Bố của Quỳnh cũng là một chiến sĩ hải quân, ông qua đời trong lúc đang làm nhiệm vụ khi Quỳnh mới 2 tuổi. Quỳnh chỉ biết hình ảnh bố qua lời kể của mẹ và những chú bộ đội hải quân.
Anh nói: “Từ nhỏ tôi đã được mẹ kể rất nhiều về bố, về sự can trường của người lính biển. Vì thế tôi luôn mơ ước trở thành một người như bố - một chiến sĩ sẵn sàng ra khơi xa để quê mẹ được bình yên. Bây giờ tôi tự hào vì đang làm nhiệm vụ như ngày xưa bố từng làm”. Và không chỉ riêng Quỳnh, ở DK1 còn có rất nhiều chiến sĩ trẻ khác đã ra đây theo bước cha anh gìn giữ biển trời quê hương.
Nhiệm vụ là trên hết, tất cả chiến sĩ ngoài nhà giàn DK1 đều xác định nhiệm vụ cao cả nhất là phụng sự Tổ quốc. Thiếu úy báo vụ Nguyễn Thanh Miễn trên nhà giàn DK1/12 là con trai cả trong một gia đình làm nông ở Hà Tĩnh. Anh vào hải quân đã được chín năm và có năm năm công tác trên năm nhà giàn khác nhau. Bố anh 60 tuổi, thương binh, do những vết thương cũ tái phát nên đột ngột ra đi vào cuối năm ngoái. Khi đó anh Miễn đang theo tàu ra tăng cường trên trạm Phúc Nguyên, phải một tuần sau anh mới nhận được tin dữ.
“Bố tôi mất mà tôi lại không có nhà. Lúc đó buồn ghê gớm vì thương nhớ đất liền nhưng cũng phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, vì chúng tôi là lính thông tin nên luôn phải nhanh chóng, kịp thời và chính xác tuyệt đối. Khi đó đồng đội cứ động viên tôi: Thôi, mình không về được nhưng mình ở đây để canh giữ vùng biển của Tổ quốc, vậy là cũng đủ làm người thân của mình ở đất liền yên lòng rồi”, anh Miễn nói.
Biển rộng sông dài
Những người lính nhà giàn luôn xa quê nên có những câu chuyện đời đáng nhớ với đất liền. Đã có chiến sĩ đành phải chấp nhận đám cưới vắng chú rể vì phải làm nhiệm vụ đột xuất.
Thiếu úy Vũ Hữu Tùng, người vắng mặt trong đám cưới của chính mình, kể: “Quê tôi ở tận Thanh Hóa, tuổi lính được bảy năm thì có bốn năm gắn bó với nhà giàn. Tuy xa xôi cách trở nhưng bạn gái của tôi vẫn hiểu và thông cảm cho tôi để đi đến hôn nhân. Cuối năm ngoái, khi đám cưới đã định ngày, lúc vừa bước xuống tàu để vào đất liền làm đám cưới thì bão tố kéo về, tàu phải neo đậu lại giữa biển đến 18 ngày. Ngày về đến đất liền đám cưới đã xong, một mình cô dâu lủi thủi về nhà chồng. Tôi nghĩ mà thương cô ấy nhiều lắm”.
Câu chuyện tình yêu của lính nhà giàn quả có nhiều nút thắt vì nỗi niềm xa cách. Anh Đàm Cảnh Vĩnh, 37 tuổi, quê Đông Sơn, Thanh Hóa, đã có 18 năm phục vụ trong hải quân và trên mười năm ra công tác ở các nhà giàn. Sau bao lần “cưới hụt” vì người yêu bỏ đi lấy chồng do không đợi nổi, lần về phép đợt rồi anh Vĩnh quen và cưới một cô giáo làng.
Anh kể: “Tôi làm quen cô ấy gần hai tuần và hỏi cưới luôn. Lính mà! Và cũng thật may cô ấy đồng ý. Ngày 21-6-2009, chúng tôi tổ chức đám cưới, sau đó vài bữa là phải cùng nhau xuôi Nam để kịp trả phép, tôi lên đường làm nhiệm vụ. Nghĩ mà thương vợ, cưới xong chồng lại đi biền biệt cả năm trời mới về. Khi tôi lên tàu, vợ gọi điện báo đã có bầu được bảy tuần. Mừng lắm, muốn an ủi vợ mà giọng cứ nghẹn lại”.
Nhưng đó là câu chuyện của những anh lính tuổi đang xuân, còn với những người lính đã có vợ thì đều đồng ý rằng lòng chung thủy của vợ ở nhà có thể so sánh như biển rộng sông dài.
Chồng đi biền biệt, thời gian chồng ở với biển dài gấp bội lần bên vợ con, vậy mà họ vẫn luôn giữ trọn lời thề thủy chung. Quà của lính nhà giàn chẳng có san hô, chẳng có hoa ốc, chỉ có những cánh thư làm quà đi về hai đầu nỗi nhớ. Thiếu úy Phạm Tiến Dũng, nhân viên thông tin ở nhà giàn DK1/21, hóm hỉnh: “Tôi thương vợ con, thương đất liền lắm! Tôi nói với vợ tôi rồi, sau khi về hưu tôi sẽ tặng huy chương cho vợ vì sự thủy chung và hi sinh của cô ấy”.
Những người lính nhà giàn đều tâm sự với chúng tôi rằng khi đã có vợ rồi, họ càng cảm thấy thương yêu vợ con hơn. Bởi không có sự hi sinh và thủy chung của mái ấm ở quê nhà, những người lính khó yên lòng chống chọi với bão tố. Sau những bản tin thời tiết ở biển Đông, nhiều người vợ, nhiều mẹ già chong đèn không ngủ vì lo cho các anh. Nghĩ đến điều đó, những người lính nhà giàn lại càng thương đất liền nhiều hơn.
- Cột mốc chủ quyền giữa đại dương
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 1: Vùng ánh sáng bừng lên
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 2: Sống ở nhà giàn
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 3 : Thương lắm , đất liền ơi
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ cuối: Bố, con và DK1
- Theo Tuoitre, internet
0 nhận xét: