“Cào cào” vượt Tây Yên Tử

Những cung đường đầy hiểm trở vùng núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc qua các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Giang, Lạng Sơn… luôn là điểm đến đầy thú vị của các bạn trẻ đam mê dòng xe “cào cào” (môtô địa hình).

Những chuyến đi với lộ trình gian khó, nguy hiểm, sau đó là vui sướng khi chinh phục một cung đường mới, khám phá vẻ đẹp núi rừng hoang sơ, thực sự là hành trình đầy hấp dẫn, lôi cuốn nhiều bạn trẻ.

Những chuyến đi ngẫu hứng

Tụ họp ở quán trà ven đường, Hoàng Việt Hưng cùng nhóm bạn trẻ đều là kiến trúc sư mới ra trường đang hào hứng thiết kế chuyến đi cho hai ngày cuối tuần, chinh phục dãy Yên Tử ở cung đường phía tây, với lộ trình từ Hà Nội đến Bắc Giang, Lạng Sơn cả đi và về khoảng 350km.

< Lũ quét lở mất đường.! Chinh phục đường rừng bằng xe cào cào, mỗi cung đường lại là một cảm xúc khác biệt.

Cung đường này phù hợp để thử thách tay lái và không quá xa lạ, nhưng mỗi chuyến đi lại là cảm xúc khác biệt bởi cung đường này còn đậm chất hoang sơ, chưa được khai phá.

< Vượt suối.

Với những trang thiết bị đi kèm của dân đi rừng như thực phẩm, dù bạt, tăng võng, dụng cụ bảo hiểm, thuốc men, dây thừng, máy định vị, la bàn, bản đồ, dao đi rừng… trời vừa tảng sáng, nhóm của Hưng cùng bốn chiếc “cào cào” lên đường. Những con đường trải nhựa, bêtông nối dài từ Lục Nam, sang Tuấn Mậu, Đồng Đỉnh chẳng thấm gì.

< Chuyện té ngã là điều không tránh khỏi.

Đến chân dãy Tây Yên Tử, con đường rẽ vào khu bảo tồn trở nên dữ dội hơn khi nhóm quyết định mở một đường cắt rừng không dấu chân người, dương xỉ phủ xanh mặt đất dày đến ngang thắt lưng. Để chinh phục đoạn đường rừng hoang vu, một người dùng dao mở đường, cả nhóm nối đuôi theo. Vượt khỏi rừng dương xỉ, lại đối mặt con suối rộng đầy đá hộc vắt ngang. Khó khăn dồn đến khi một chiếc bị té ngã gãy tay côn, vướng lại giữa dòng suối. Cả đoàn phải dùng dây thừng kéo chiếc xe nặng trịch lên bờ, bở hơi tai, nhưng đó chỉ là khó khăn ban đầu.

< Mưa rừng làm đất dẻo quánh là một trở ngại lớn trong hành trình.

Hưng cho biết: “Cung đường này không dài, nhưng khá vất vả bởi địa hình dốc núi, rừng rậm, nhiều cung đường chưa được thể hiện lên bản đồ, vì vậy hướng đi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và ngẫu hứng. Chính vì vậy cảm giác chinh phục cung đường này là một trải nghiệm thú vị”.

Cảm giác chinh phục

< Lều dã chiến ven suối làm nơi trú ngụ qua đêm.

Sau bữa trưa dã chiến bên bờ suối, cơn mưa rừng ập đến, sau đó cả đoàn đối mặt với một ngầm rộng gần 50m bị nuốt chửng bởi dòng lũ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về. Trịnh Đình Huy – một thành viên đi cùng quyết định cưỡi “cào cào” vượt ngầm xuyên qua dòng nước lũ. Cả nhóm nín thở chờ đợi từng cú miết ga với bánh xe xiêu vẹo, kháng lại dòng chảy dữ dội. Đến bờ an toàn, Huy vẫn chưa hết cảm giác hồi hộp: “Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi, vượt suối thì bị gãy tay côn, đến đoạn băng ngầm tôi thực sự hồi hộp vì chưa bao giờ đối mặt với tình huống như thế. Qua được ngầm, cảm giác chinh phục thực sự khó tả, vừa hồi hộp, pha lẫn một chút lo sợ, và cuối cùng là sung sướng”.

Mắc cạn ở một ngầm đá hộc trong rừng phòng hộ Tây Yên Tử:

Cả chuyến đi kéo dài hai ngày, ai nấy bê bết với khói bụi, sình lầy lấm lem, nhưng đổi lại là cảm giác đầy hứng khởi bởi lại có thêm những kinh nghiệm đối mặt với khó khăn không lường trước. Tổng kết chuyến đi, Huy cho biết: “Chưa đến 400 ngàn tính cả ăn uống và tiền xăng để đổi lấy những giây phút hồi hộp, lo lắng, sợ hãi, và cuối cùng là cảm giác vui sướng khi vượt qua được những cung đường gian khó. Cái sướng của mạo hiểm với “cào cào” là vậy”.

Theo SGTT.VN