Những gánh hàng rong trên phố Sài Gòn
Đó là những mảng nhỏ trong bức tranh đô thị đầy ắp sắc màu và thừa mứa âm thanh không thể hiện "tầm vóc hiện đại" của cái thành phố chen chúc cao ốc này nhưng chính là nét sinh hoạt đời thường rất riêng, lặng lẽ trong lòng phố Sài Gòn.
Cái điều mà chúng tôi tự cho là một "phát hiện mới" của mình - có thể rất "xưa" với người khác - là những đôi quanh gánh ấy không chỉ phục vụ cho người dân thành phố mà trở thành tâm điểm tò mò của du khách nước ngoài khi rong chơi phố xá Sài Gòn.
< Khách du lịch nước ngoài chụp ảnh một gánh hàng rong trên đường Lê Lợi.
Và điều thú vị hơn là chỉ loanh quanh khu vực quận 1 và quận 3 có chúng tôi đã gặp gần 100 người mưu sinh với chiếc đòn gánh trên đôi vai, hai chiếc thúng hoặc nồi niêu đựng thức ăn.
Bắt đầu từ công viên Tao Đàn chúng tôi theo đường Trương Định đến ngã tư Võ Văn Tần, rẽ qua hồ Con Rùa, vòng sang khu quảng trường Công xã Paris rồi xuôi về hướng dinh Thống Nhất... bắt gặp những hình ảnh mưu sinh linh hoạt, đầy thú vị.
< Hàng bánh bột chiên trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TPHCM.
Vừa ngang qua đường Phạm Ngọc Thạch đã gặp gánh hàng rong của một phụ nữ rất trẻ, nói rặt tiếng miền Nam. Đó là đôi quang gánh được che bọc ni-lông rất kỹ để tránh bụi bặm đường phố. Chỉ trong không gian chật hẹp, chị đã có thể vừa pha bột với thùng bột mang theo, chiếc lò than chiên bánh được che bằng vỏ thùng giấy các tông.
Đầu gánh bên kia sắp những chiếc bánh đã chiên xong. Người đàn bà vô danh trong lòng thành phố Sài Gòn ấy đã thức dậy từ rất sớm ở một con hẻm nhỏ tận quận 10, tất tả gánh gồng "tiệm bánh" của mình tới địa điểm quen thuộc hàng ngày của mình bắt đầu một ngày bươn chải mưu sinh.
< Gánh hàng sữa đậu nành, nước sâm lạnh, món giải khát cho người bình dân.
Còn trên đường Lê Duẩn, ngay khu công viên lại là gánh hàng rong của một người phụ nữ khác. Chị bán cơm chiên dương châu, có hộp xốp cho khách đi đường mua hàng. Gánh hàng rong của chị đặt ngay bên vệ đường, nằm lọt xuống lòng đường. Thoáng chốc, chị lại để cả gánh hàng lên vai, thoăn thoắt bước chân đến một địa điểm đông người khác.
< Một du khách hỏi mua hàng của bà Tin.
Tại công viên Bạch Đằng, nơi rất nhiều du khách dừng chân cũng là điểm tập trung của những gánh hàng rong. Những cụ già và cả những cô gái trẻ gánh hàng đến khu vực này rồi liên tục di chuyển từ điểm này đến điểm kia dễ dàng, mau chóng. Cách chọn lựa địa điểm bán hàng tạo thuận lợi cho khách, còn đôi chân của họ thì mỗi ngày đi qua không biết bao nhiêu cây số trên những con phố Sài Gòn.
< Mua chiếc kem nhỏ cho một buổi đi chơi.
Hè phố Lê Lợi có rất nhiều du khách dạo chơi, cũng là điểm thu hút những người làm đủ thứ nghề với vốn liếng nho nhỏ để tồn tại. Họ bán tiền cổ, hộp quẹt kiểu xưa, những chiếc áo phông và mũ vải có in cờ Việt Nam, và có cả một ông thợ ngồi yên gần góc chợ Bến Thành chỉ với công việc là khắc chữ lưu niệm cho du khách trên những vật dụng như hộp quẹt, cây viết hoặc thứ gì đó có thể khắc lên được mà khách mới mua cũng ngay trên con phố Lê Lợi.
Và tất nhiên, con đường Lê Lợi này cũng mang đậm nét quang gánh Sài Gòn. Bà cụ Tin đã 67 tuổi, quê ở một tỉnh tận miền Bắc, cho biết cụ đã quang gánh như thế hơn tám năm và thường chỉ loanh quanh ở đường Lê Lợi. Cụ mặc chiếc áo xanh lốm đốm hoa. Cụ cần mẫn nướng những chiếc bánh bột bằng chiếc lò đặt một đầu gánh. Hình ảnh cụ nướng bánh giữa phố phường náo nhiệt ấy gây sự tò mò của nhiều du khách đang rong chơi trên con đường nhộn nhịp nhất Sài Gòn. Bên cạnh đó là hàng trái cây của một phụ nữ rất trẻ. Ngồi bên cạnh đôi quang gánh ấy, người phụ nữ chống cằm nhìn con phố đang trôi qua.
Sáng, chiều, sớm, tối và cả ngày nắng hay ngày mưa. Phố Sài Gòn điểm xuyết những đôi quang gánh của đủ mọi con người từ mọi vùng miền đất nước tạo nên nét riêng cho con phố. Có người từng nói là sống ở Sài Gòn, chỉ cần chịu khó là có thể sống được. Với chiếc đòn gánh trên vai, biến đôi quang gánh thành một “cửa hàng” bằng số vốn nghèo nho nhỏ, những người phụ nữ ngược xuôi trong lòng phố ấy tần tảo dưới nắng mưa vì cuộc sống gia đình.
Nhà văn Mỹ E.Shillue đã viết một câu thú vị: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất ở phương Đông - cái đòn gánh...”. Từ nông thôn, đôi quang gánh đã ra phố trong rộn ràng của những tiện nghi, và tồn tại một cách hài hòa trong lòng đô thị Sài Gòn.
- Theo Thời báo kinh tế SG, internet
0 nhận xét: