Phố cổ Hàng Nón
Nguồn gốc tên phố
< Phố Hàng Nón ngày tết.
Phố Hàng Nón (Rue des Chapeaux) đã có từ thời Pháp thuộc. Sau Cách mạng tên gọi này vẫn được duy trì.
Phố Hàng Nón xưa nguyên là hai phố gộp lại:
Đoạn phía Đông là phố Mã Vĩ chuyên làm và bán những thứ hàng phục sức dùng cho quan lại, cho phường hát tuồng, hát chèo và việc tế lễ, thờ phụng như áo xiêm, mũ, mãng, cờ, quạt... Có thể là do mũ cánh chuồn và một số đạo cụ tuồng chèo làm bằng lông đuôi ngựa nên phố mới có tên “Mã Vĩ”.
< Hàng Nón ngày xưa.
Đoạn phía Tây mới chính là phố Hàng Nón, nơi làm và bán các loại nón khác nhau như nón lá già, nông và dày, khâu bằng móc đen; nón mũ chảo giống như cái chảo gang; nón lính giống như cái đĩa to, ken bằng cật tre, ở giữa có chỏm bằng đồng như cái mũi giáo nhỏ, khi đội phải buộc quai chặt vào cằm.
Ngoài ra, ở phố này còn bán nón nghệ, như một cái bánh xe, đường kính tới gần một mét, thành nón cao tới 10cm. Vì cồng kềnh mà lại ngang phè nên phải có cái “khua” như một cái hộp tròn đan bằng mây, tre để úp chụp vào đầu hay vào vành khăn.
Nón ba tầm thì sâu hơn. Cả nón nghệ và nón ba tầm còn có thêm một cỗ quai thao buộc vào hai cái thẻ bằng bạc treo ở đỉnh nón. Cỗ quai thao là 12 sợi dây tròn, dệt bằng tơ, hai đầu có tua dài chừng một gang tay, buộc thành nhiều quả. Thao nhuộm thâm hoặc tím.
Loại nón thầy đề, thầy lý thì có nón lông đen, ken bằng lông quạ, lông sáo, trên đóng một cái chóp bằng đồng bạch hoặc bằng thiếc có chỏm nhọn. Còn nhà giàu và quan to thì có nón lông trắng, ken bằng lông cò, lông vạc, chóp bằng bạc hoặc vàng.
Di tích lịch sử
Phố Hàng Nón ngày trước nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ.
Tổng này có hai thôn đều có tên Yên Nội, do đó có khi gọi phân biệt là Yên Nội-Đồng Thành (vì ở cạnh thôn Đồng Thành, tức khu vực Hàng Nón, Hàng Thiếc) và Yên Nội-Cổ Vũ (vì ở cạnh phường Cổ Vũ, tức khu vực Hàng Da ngày nay). Đình thôn Yên Nội-Đồng Thành nay là số nhà 42 phố Hàng Nón.
Số nhà 15 Hàng Nón là nơi tổ chức Đại hội Công hội đỏ toàn quốc lần thứ nhất do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập vào mùa hè năm 1920. Đây là một gia đình cơ sở, mở hiệu thuốc lào.
Các đại biểu làm như người buôn các tỉnh về cất hàng. Đại hội đã thông qua chương trình, điều lệ của Công hội đỏ, cử Ban chấp hành với Chủ tịch đầu tiên là đồng chí Trần Văn Lan, công nhân nhà máy sợi Nam Định.
Qua cơn khủng hoảng kinh tế những năm 1930-1931 và nhất là đời sống khó khăn thời kỳ đầu Chiến tranh thế giới (1939-1940), nhiều nhà buôn ở Hàng Nón bị sa sút phải bán cửa hàng dọn đi đến ở phố khác, nhưng cũng có nhiều công chức lại chuyển sang kinh doanh hàng tơ sợi Nhật, tơ Bình Định, Quy Nhơn, tranh khách hàng tơ lụa Lyon của Pháp (như nhà Tô Châu).
Chiến sự năm 1946-1947, Hàng Nón tuy nằm ở giữa Liên khu I song ít bị tàn phá.
Ngày nay, phố Hàng Nón không còn chuyên bán nón nữa mà được thay thế bằng những hiệu buôn các mặt hàng khác nhau.
Cuối phố có gần chục cửa hàng bán guốc, đủ kiểu dáng, phù hợp yêu cầu của khách. Chỗ giáp với phố Hàng Quạt có bán các loại trướng thêu, còn chủ yếu phố này phần lớn là những cửa hàng chuyên làm và bán tủ, chạn bát bằng khung nhôm kính.
Cũng như nhiều phố cổ ở thủ đô Hà Nội, người Hàng Nón cũng có truyền thống "buôn có bạn, bán có phường". Phố đã tạo được nét đặc trưng cho riêng mình với bản sắc của những mặt hàng trong thời kỳ đổi mới, nhưng tên "phố Hàng Nón" thì vẫn còn trong lòng những người Hà Nội xa quê, gợi nhớ về một phố nghề Hà Nội.
- Theo Vietnam+, ảnh sưu tầm
0 nhận xét: