Đánh thức Châu Nham

Núi Đá Dựng còn có tên là Châu Nham (tên cổ là Bạch Tháp) thuộc hệ thống núi đá vôi vùng Hà Tiên, nằm trong địa phận xã Mỹ Đức, cách trung tâm thị xã Hà Tiên 4km. 

< Trên Núi Đá Dựng nhìn xuống.

Nhìn từ hướng quốc lộ 80, núi có hình thang mà mặt tây bắc chỉ cách biên giới VN - Campuchia vài chục mét. Chính vì thế khi khảo sát thực địa ngọn núi, chúng tôi vẫn phải xin phép công an biên phòng và được dặn dò không đi ngoài phạm vi núi Đá Dựng kẻo sẽ lạc qua địa phận nước bạn.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (viết năm Canh Thìn 1820) có đoạn tả: “Núi Bạch Tháp ở phía bắc núi Vân Sơn (Thạch Động) 5 dặm, sông núi quanh co, cỏ cây rậm rạp, hòa thượng Hoàng Long Đại vân du, cắm gậy ở đây.

< Đường lên núi Đá Dựng.

Năm Đinh Tỵ (1737), Túc Tông Hiếu Minh Hoàng đế thứ 13, hòa thượng tịch, đồ đệ xây tháp bảy cấp để cất xá lợi. Hằng năm cứ các ngày Tam nguyên và Phật đản thì chim hạc đến múa, vượn xanh dâng quả, lưu luyến bồi hồi, hình như có ý tham thiền nghe kệ, có thể gọi là cảnh chùa tiêu sải”.

Núi Đá Dựng có đến 11 hang động. Chuyện dân gian xưa kể rằng khi chân núi còn tiếp giáp với biển cạn, chen chúc bao quanh những hang động hình thành từ chân sóng là những cánh rừng tràm, lau sậy rậm rạp đã trở thành sân chim cho các loài chim phương nam tìm về làm tổ, sinh sôi.

Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tích và các thi nhân tao đàn Chiêu Anh Các từng ví khung cảnh đàn cò trắng lao xao bay về đậu trên núi là một trong mười cảnh đẹp xứ Hà Tiên (Hà Tiên thập cảnh).

Đường lên hanh Thạch Sanh Lướt qua những hang dưới chân núi, chúng tôi dừng chân tại hang số 4 hay còn gọi hang Quân Y, nơi lưu dấu nhiều di tích tôn giáo từ thuở khai sơn. Cảnh vật lung linh ẩn hiện dưới làn sương mờ ảo trông u tịch, thâm nghiêm. Đây đó còn ngổn ngang nhiều khối thạch nhũ vỡ vụn do bị bom đạn trong thời kỳ các chiến sĩ cách mạng chọn hang làm căn cứ chống Mỹ. Cuối hang, vài công nhân đang chuẩn bị mở khuôn đúc tượng phật Di Đà trên nền ngôi chùa cổ năm xưa có tên Kỳ Sơn tự. Những năm chiến tranh cảnh chùa hoang phế nay đang được tôn tạo.

< Trong hang núi Đá Dựng.

Núi Châu Nham không cao, chỉ khoảng 100m nhưng hiểm trở bởi vách núi thẳng đứng, lởm chởm với những hang động cheo leo, ngóc ngách. Trước đây người khỏe mạnh dẻo dai leo trèo suốt buổi cũng chỉ đến được vài hang ở quãng giữa thì nay đã có đường bằng đá hộc dài 798m lên núi, vừa an toàn lại mất ít thời gian.

Tuy được qui hoạch 11 hang, được đánh số thứ tự và sơn trên cửa hang để khách phương xa dễ phân biệt, song người dân Hà Tiên vẫn nằm lòng những cái tên:

hang Biệt Động, hang Quân Y, hang Thạch Sanh, hang Thầy, hang Nam Vang, hang Thập Điện, điện Hoàng Gia, điện Bồng Lai... Mỗi cái tên gợi nhớ một sự kiện lịch sử hay người có công khai phá.

Qua khỏi hang số 9 hơn chục mét, đường bị tắc do công nhân đang phá núi xây bậc trên đoạn dốc sâu thăm thẳm. May mà chúng tôi được nhóm thợ giúp đỡ để tham quan hai hang cuối cùng. Tọa lạc trên đỉnh núi, hang Thạch Sanh còn khá nguyên vẹn và là hang đẹp nhất trong quần thể các hang núi Châu Nham. Có lẽ do đường đi trắc trở nên chưa có sự xâm phạm nào đáng kể của con người. Hầu hết những khối thạch nhũ trong hang tạo hình từ năm phiến dây đàn theo truyền thuyết Thạch Sanh; ở đây có giếng Tiên là nơi tiên nữ thường giáng trần tắm mát, có hang Trống Ngực nơi mà ai chui qua, lấy tay vỗ nhẹ vào ngực sẽ nghe vang lên âm thanh tựa tiếng trống, hang Rồng với gò đá nhấp nhô có vảy như thân con rồng.

Chúng tôi dành thời gian đứng trên phiến đá khổng lồ trước cửa hang tựa một đài vọng cảnh ngắm nhìn về phía đồng bằng. Trải dài trong tầm mắt là rừng cây da cổ thụ với tán lá sum sê, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những căn nhà sàn lúp xúp bên nước bạn. Tất cả gợi lên trong lòng chúng tôi thật nhiều cảm xúc...

- Theo Trần Thế Dũng, TTO, internet