Miền cung sơn thảo dã
Lên vùng rẻo cao Hoá Sơn chỉ một con đường độc đạo duy nhất vượt eo Lập Cập cao hun hút như lên trời. Qua Lập Cập lại xuống một thung lũng cỏ vàng, cỏ xanh mướt mắt hoang sơ.
Hoá Sơn lọt giữa trường thành đá vôi hùng vĩ. Đứng trên eo Lập Cập nhìn về Hoá Sơn, cảnh làng bản tươi đẹp như vườn treo được cấu trúc kỳ công từ nhiều trăm năm qua.
Những suối chảy, cây mọc, rừng rậm và núi đá điểm vào thung lũng vàng khiến Hoá Sơn đẹp hơn bất cứ mảnh vườn nào được tạo thành bởi các nghệ nhân đa tài. Vùng đất rất mộc và rất quê.
Người Hoá Sơn quây quần 374 hộ, 1.597 khẩu với bốn tộc người Kinh, Sách, Thổ, Mường khăng khít với nhau từ thuở theo chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.
Người dân cộng đồng sinh sống đoàn kết và câu chuyện đầu tiên được nghe là chưa một lần bản làng có chuyện trộm cắp. Nhà cửa tổ tiên làm ra không bao giờ gắn cửa, con người tin nhau chữ tín, không ai bội bạc, trộm cướp của nhau. Lấy lòng nhân đối đãi để vun vầy xóm làng, lấy hoà mục răn đe con cháu thuận lòng cùng bản làng quần tụ ngăn nắp.
< Nhà nổi mùa lũ.
Người Hoá Sơn làm nhà nhưng không hề làm cửa đóng, nhà của họ mở suốt ngày đêm. Mở suốt cả cuộc đời một con người. Tính đặc hữu cửa ngõ ấy không nơi nào có thể có. Bởi nói như Đinh Loan, cư dân bản địa: "Làng bản sống tin nhau là chính, nhà có cái gì quý cũng không sợ mất, cửa nhà không cần đóng thì lòng người đóng làm gì cho phí công nghi ngờ, cứ thoải mái vui cười thì không khí không nặng nề, làng bản không nặng nề và không xem mất mát là nặng nề".
Vào Hoá Sơn như đi vào một cõi tiêu dao thư thái. Nhìn những nhà cửa vô tư không cửa đóng then cài như ngỡ lạc vào vùng đất cổ tích.
Cụ Đinh Vương, 80 tuổi, giải thích thế nhà không cửa: "Không biết từ khi nào, nhưng lúc mình biết lập gia đình, được cho ra ở riêng thì được giải thích nhà không làm cửa là để đón sinh khí trong lành, tốt đẹp của thung lũng vào với gia đình. Lâu dần nhà nào cũng không làm cửa nhà, và ở đây cũng chưa hề có trộm cắp vì nhà không cửa".
Lọt vào thung lũng Hoá Sơn, đi dưới những tàng cây cổ thụ của nhiều vườn nhà xưa như lạc vào vùng điền viên hiếm gặp. Nhà cửa thấp nép mình dưới tán lá cọ già, hoặc khuất dưới vài ba bóng hàng cau cao vút. Nhà này với nhà kia làm chỉ dấu ngăn cách không bằng tường rào bê tông mà chỉ là hàng giậu nhỏ bé, khiêm nhường.
Bóng dáng của công nghiệp bê tông hoá không ăn sâu vào vùng hoang sơn thảo dã này. Người Hoá Sơn sợ bê tông làm chật mảnh làng đẹp như tranh của họ, họ cũng sợ bê tông rang mảnh làng của họ giữa mùa hè oi nực. Vậy nên nhà nào cũng để sân nện đất, không láng xi măng, họ muốn giữ hình ảnh hoang sơn thảo dã mà ngày xưa những hùng binh Cần Vương là tổ tiên của họ đã gầy dựng.
< Nhà trái cóc cầu kỳ vì kèo.
Mê mẩn nhà trái cóc
Người Hoá Sơn được truyền ngôn lại rằng, tổ tiên họ vốn là những tráng binh Cần Vương theo vua Hàm Nghi xuất bôn ra vùng hiểm địa này dựng cờ trượng nghĩa. Việc không thành, kéo vào tử huyệt độc đạo hoang sơn trú thân. Nhiều phen, thực dân Pháp hành quân hàng trăm trận đánh càn nhưng không thể đánh úp được Hoá Sơn, bởi con đường độc đạo qua eo Lập Cập dài cả bốn cây số là chót vót đá vôi. Mỗi lần Pháp vào, trai tráng Hoá Sơn tập kích bằng đá khối, gỗ lớn, tên nỏ đều đánh bại các cuộc càn quấy của thực dân.
Và để định cư lâu dài, người Hoá Sơn sáng tạo ra hai kiểu nhà truyền thống cho vùng thảo dã của mình, ấy là nhà trái cóc và nhà vỏ đậu.
Tương truyền, nhà trái cóc dùng cho những gia đình cự phách với lối chạm khắc công phu, đòn tay, rui mè chạm đường cong hình trái cóc, đối xứng nhau. Nếu nhà của người Kinh dựng một gian hai chái, hoặc ba gian hai chái thì nhà của người Hoá Sơn thảo dã lại không dựng chái mà các gian nhà gần như hình vuông.
Trên các bức rèm nhà, người ta cho chạm khắc các hình ảnh cây cỏ, chim cá trong vùng với mô típ đơn lẻ và tô các phẩm màu chế từ lá rừng. Nhà trái cóc không chạm trổ cầu kỳ như nhà rường miền xuôi, nhưng nhìn vào thấy thanh tao kỳ lạ. Mái nhà lợp ngói hoặc lá cọ, mùa hè, trời nắng bức bối, bước vào bậc nhà trái cóc thấy mát lịm người.
Nhà vỏ đậu là một phiên bản khác của nhà trái cóc, dành cho người bình dân lao động. Họ không cầu kỳ trong đẽo gọt các cấu trúc vì kèo thành hình đối xứng mà chỉ cần cong cong kiểu vỏ đậu là đạt yêu cầu. Nhà làm hoàn toàn bằng gỗ đẵn từ trên núi đá vôi đưa về, tường nhà gắn bằng các thứ ván bào đẽo cẩn thận. Nền nhà nện bằng lớp đất sét bên suối Dương Cau chắc nịch.
Vùng thảo dã Hoá Sơn sống với tự nhiên đã mấy trăm năm không đổi. Bóng dáng ngôi nhà xưa không hề biến dạng. Có chăng chỉ là nhà nào cũng có ánh đèn điện kéo về để bừng lên từng góc nhỏ nhà xưa.
Mọi cấu trúc của cha ông truyền lại người Hoá Sơn giữ gìn như bất biến. Ngay cả nhiều gia đình có điều kiện họ vẫn không cho xi măng vào căn nhà thiêng của mình, bởi với họ, không có gì tự nhiên bằng đi chân trần trên lớp đất thịt mịn màng của căn nhà tiên tổ để lại. Thật là miền hoang sơn thảo dã trứ danh.
- Theo Quảng Bình Online, internet
0 nhận xét: