Chuyện nhặt trên đỉnh Mã Pì Lèng...
Có nhiều cách giải thích cái tên Mã Pì Lèng, nhưng tôi nhớ nhất một cách giải thích: Vì cao quá, hiểm trở quá nên ngựa lên được đến đỉnh cũng bị trụy thai. Cao, hiểm trở đến vậy mà con người vẫn sống, vẫn sinh sôi nảy nở đời đời kiếp kiếp.
Rét lắm, nhưng các cháu vẫn có ý đợi khách trên đỉnh Mã Pì Lèng
Ngày 16-11-2009, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, là nơi có thể quan sát toàn cảnh đẹp nhất Việt Nam.
< Con đường Hạnh Phúc thật đẹp giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Đỉnh Mã Pì Lèng cũng là đỉnh của con đường Hạnh Phúc, 50 năm trước hàng vạn thanh niên 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên đã đổ nhiều mồ hôi, máu xương trong 5 năm liền, thường xuyên có mặt trên công trường khoảng 1.000 người, để đục, khoét từng xăng-ti-mét đá tai mèo, thành con đường chơi vơi trong sương mù mà du khách vô cùng thích thú hôm nay. Con đường này là một kì tích, một minh chứng sức người đội đá vá trời.
< Cho bánh kẹo các bé...
Đẹp lắm, hùng vĩ lắm, triển vọng lắm. Nhưng một ngày cuối năm 2009 dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng, lòng tôi xao động theo một hướng khác.
Cách điểm dừng chân chừng 100 mét về phía thị trấn Mèo Vạc bất chợt gặp một phụ nữ cùng mấy cháu nhỏ ngồi lặng bên ven đường.
Nhìn kĩ, người phụ nữ một tay giữ can nhựa, một tay cầm cái muôi nghiêng nghiêng, lựa gạn từng giọt nước rỉ ra từ khe đá, đọng lại trên một vũng bùn. Cô và mấy cháu nhỏ cứ dõi theo từng giọt nước, đợi từng giọt nước.
Chắc ở nhà, mẹ già, con nhỏ cũng đang đợi cô về để có nước nấu cơm. Nước nhiều ư? Dưới sông Nho Quế kia kìa. Từ độ cao gần 2.000 mét, dòng sông Nho Quế như một khúc ruột loằn ngoằn giữa hai vực thẳm cao hàng trăm mét.
< Cô bé cắt cỏ cho bò ăn.
Chuyện kể rằng, 50 năm trước, khi mở đường Hạnh Phúc, công nhân xin đi tắm, nhìn dòng sông gần vậy, mà đi mất một ngày.
Sáng đi tắm, đi mãi, đến trưa tới nơi, tắm xong, bò ngược đến chiều mới về được công trường, mồ hôi nhễ nhại, người lại bẩn như hôm qua!
< Lạnh căm căm nhưng các bé vẫn phong phanh manh áo.
Tôi cứ ước ao, khi nước mình còn nghèo, có một doanh nhân nào đó bỏ tiền ra làm một trạm bơm, hút ngược nước sông Nho Quế lên đỉnh Mã Pì Lèng, rồi đường ống lan đi các bản gần bản xa. Được như thế, chắc là người Mông khu vực Mã Pì Lèng biết ơn lắm.
Lòng tôi xao động hơn khi dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng. Gần chục em nhỏ người Mông “chân đất, tóc râu ngô” tha thẩn chơi trên đó. Cũng không ngẫu nhiên các em chơi trên đó, mà trong thẳm sâu các em đã biết “chào hàng”.
Khách dừng chân là các em ùa chạy đến. Không xin, không lạnh lùng, nhưng cũng không gần gũi. Đỉnh Mã Pì Lèng có các em, đã trở thành một đỉnh cao của sự sống.
Khách nào chụp ảnh, hỏi han mà lại vô tình? Khách nào mặc ấm, đi giày da, đội mũ lông vẫn rét run người mà thấy các em áo một manh, quần một mảnh lại chẳng động lòng trắc ẩn? Và các em không từ chối, chỉ đợi có thế.
Cũng tại điểm dừng chân, chúng tôi gặp Vừ Thị Lỉ, 18 tuổi đi lấy nước. Lúc về, thấy can nước của Lỉ nặng, chúng tôi mời lên xe, Lỉ lên. Tôi đặt vấn đề: “Nhà Lỉ có gần không? Lỉ vào mấy nhà gần đường chơi và “phiên dịch” hộ các chú” (vì Lỉ rất sõi tiếng Kinh). Lỉ bảo: “Vâng, nhưng phải cho cháu 50 nghìn đồng!”.
Một anh bạn trong đoàn nói vui: “Thế thì Lỉ trả tiền ngồi xe ô-tô trước đi”, Lỉ bảo: “Các chú mời, cháu có xin đâu!”. Thực lòng, tôi thấy trong cái sự khôn ngoan, sành sỏi ấy của Lỉ đã bị mất đi cái gì đó quý giá lắm của vùng cao. Nhưng tôi không trách Lỉ, chỉ mừng cho Lỉ.
Vào nhà dân trên đỉnh Mã Pì Lèng, một phụ nữ chỉ cho chúng tôi chụp ảnh khi đã… “chi tiền”. Nếu không, bà xua tay, giấu mặt, chạy vào nhà. Điều này, trong hành trình chúng tôi gặp lại dưới chân cột cờ Lũng Cú.
Kể ra những chuyện này, mong sao chính quyền địa phương biết và có chiến lược giữ gìn những gì mộc mạc, thiêng liêng, làm sức hút cho du khách đến vùng cao.
- Theo TNO, QĐ, internet
0 nhận xét: