Cùng con trai và cháu lên Hà Giang (P3)
Mặc dù dưới chân núi cột cờ vẫn là đất Việt nam, còn vài trăm mét nữa mới tới đường biên nhưng có thể nói đây là cái địa điểm hành chính tận cùng ở phía bắc. Bên phải chúng tôi vẫn là Việt nam, dùng ống nhòm vẫn thấy cờ của ta bay trên trụ sở ủy ban một thôn nào đó bên phải. Chỉ ở góc 11 h là đất Tầu. Điều đặc biệt hiếm thấy ở ngay điểm cực bắc này là ở “đôi mắt rồng” dưới chân núi cột cờ. .
< Một trong 2 mắt rồng.
Đây là hai cái hồ cách chân núi khoảng 100 mét, trẻ con bơi lội cười đùa trong làn nước xanh mát lấp lánh dưới ánh nắng. Có đi cả ngày mới thấy ở cao nguyên đá này, nước là thứ ít được nhìn thấy nhất. Bà con nơi này rất vất vả vì thiếu nước. Năm 2005 tôi đã thò tay vào trong một cái bể nước do Unicef tài trợ và không nhìn thấy tay mình đâu vì nước đặc quánh rêu xanh nhớt. Người dân vẫn phải dùng thứ nước này để ăn uống, chứ tắm giặt là điều xa xỉ.
< Mỗi hồ nước treo trên đá này chứa được khoảng 3000m3 nước- nếu đầy. Nhưng cả ba cái hồ tôi đi qua chỉ nhìn thấy nước xâm xấp. Tỉnh Hà Giang được nhà nước đầu tư cho 30 "túi nước treo" này.
Năm 2010 thì tuyệt nhiên không còn cái bể nào nữa cả, mà thay vào đó là những hồ nước rộng khoảng 100m2 xây trên đá bằng bêtông có đường thu và dẫn nước khi trời mưa từ các triền núi đá quanh hồ. Một hồ nước này có khoảng 3, 4 đường dẫn nước với tổng chiều dài có khi đến cả 5, 6 km vậy mà nước trong hồ cũng chỉ xâm xấp. Địa hình karst đá thì đương nhiên là không tích được nước để khoan giếng vậy mà ở đây, chân núi Rồng nước vẫn đầy ắp trong hai chiếc hồ. Tầng đất sét dưới đáy đã giữ cho hồ luôn đầy nước.
< Đá gần gũi với thôn bản.
Có một điều mà tôi không biết phải làm thế nào, đấy là trên vùng cao Hà Giang này, rất nhiều ngôi nhà tường trình đã thay bằng mái hybrô xi măng, vùng cao khát nước, người dân chắc hẳn sẽ không bỏ qua một giọt nước nào được hứng từ chính cái mái hybro xi măng nguy hiểm đó !...
Trên đầu, lá cờ Tổ quốc vẫn bay trong nắng. Lá cờ rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc trên đất Việt nam hẳn là sẽ lại được tung bay trong dịp 2/9, khi cột cờ Lũng Cú được hoàn thành.
Trở lại con đường về Đồng Văn, ngay ở Lũng Cú, bất chợt bên đường, Sơn nhìn thấy một bể nước có đắp dòng chữ “ Trường Đại học Thủy lợi tài trợ “ thế là vòng ngay lại chụp ảnh cái bể, cách nhà đến 6, 7 trăm cây số nhìn thấy tên trường nhà bà ngoại thật là điều hiếm gặp .
Chương trình của chúng tôi là về Đồng Văn nghỉ ngơi, sáng hôm sau thong thả qua Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc rồi về Hà Giang, hôm sau mới về Hà nội. Vậy mà phải thay đổi lại hết cả chỉ vì không thể ngờ là Đồng Văn không còn một phòng nhà nghỉ khách sạn nào còn trống. Tìm mãi mới đến nhà nghỉ Lũng Cú 2 trông tồi tàn ở ngay cạnh KS Cao Nguyên Đá.
Hỏi em chủ nhà nghỉ( nhìn mặt biết là người gốc Hoa) còn phòng không và giá rổ thế nào thì được dẫn lên một cái phòng tum cầu thang trên sân thượng, xung quanh bức tường và mái của tầng tum này người ta quây bạt dứa dùng trong xây dựng để chống mưa dột và bụi.
Ngay cạnh cầu thang dẫn ra sân thượng họ kê hai cái giường gỗ mà ở Hà nội, ta chỉ có thể thấy nó nằm lẫn trong bãi đổ phế liệu xây dựng. 2 cái đệm của giường so với chăn đệm của nhà trọ cửu vạn bến xe Giáp bát vẫn còn là một trời một vực, nó khăn khẳn mùi mồ hôi lưu cữu và bụi mốc. Oải quá nhưng vẫn cứ phải hỏi là bao nhiêu tiền ? Các bạn có biết chủ nhà quát bao nhiêu không ? 80.000 Đồng một người !!! @#%*!
Tôi đã định xin ngủ nhờ ở Ủy ban hoặc nhà dân chứ bị bắt chẹt kiểu này thì không thể chấp nhận được.
16 h 45 khi tôi vẫn còn đang đi dò hỏi xem có ở đâu chỗ để nghỉ tạm qua đêm thì Sơn gọi cho bố thông báo rằng hai anh em đã quyết định không ở Đồng Văn nữa, bố quay lại ngay để còn sang Mèo Vạc kiếm chỗ ngủ.
Thú thật là tôi không hề nghĩ rằng hai anh lại quyết đoán hơn cả bố và chú ở điểm này. Cảm thấy vui và đúng 17h ba bố con chú cháu lên đường sang Mèo Vạc, bỏ lại sau lưng một Đồng Văn với em chủ nhà nghỉ Lũng Cú 2 gốc Hoa thích bóp chẹt.
< Đường từ Lũng Cú về Đồng Văn, hình như là đoạn này sắp đến lối rẽ về Đồng Văn không ra Sà Phìn nữa.
Kể ra thì cũng có cái tiếc, đó là không đưa hai anh xem dãy phố cổ Đồng Văn, cả hai mới chỉ được đi lướt qua, tôi chưa đưa hai anh em xem cái nhà cổ được xây từ năm 1926 và được lên phim “ chuyện của Pao” được quay tại đây năm 2005, đúng vào dịp tôi cũng lên Đồng Văn, chưa được nhìn lại cái mó nước cạnh núi, nơi bà con xóm nhà cổ vẫn ra giặt rũ hàng ngày.
Đến chân đèo Mã Pì Lèng, trời vẫn còn sáng, đủ để hai anh được nhìn thấy con đèo hùng vĩ . Cao nguyên đá thực sự phô diễn cái uy nghi hùng vĩ chính là ở đoạn này. Những ngọn núi đá xám nguyên khối khổng lồ sườn dốc đứng, những hẻm núi sâu được hình thành do chuyển dịch và đứt gãy địa tầng, những đỉnh núi trọc với bãi đá lô nhô mênh mông sườn núi, cái hang sâu được hình thành do một khối đá khổng lồ giữa quả núi tụt xuống … những hình thái khác nhau của đá cuốn hút đến ma mị.
Con đường mang tên “ Đường Hạnh Phúc “ với gần một năm trời hàng vạn thanh niên xung phong, đồng bào các dân tộc Hà Giang treo mình trên sườn núi phá đá mở con đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc những năm 59 – 60. Con đường mà không biết bao nhiêu người đã phải đổi bằng chính sinh mạng mình mới có con đường vượt qua con đèo đệ nhất hùng quan này. Dòng Nho Quế với vách đá nổi tiếng vẫn chảy tít xa bên dưới, chỉ vài năm nữa, đây sẽ là hồ của thủy điện Nho Quế.
< Mỏm núi Khe Lía với vực canyon sâu 700 m - trên đường lên Lũng Cú.
Dự án “ Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn “ đang được gửi lên UNESCO. Nếu dự án này thành công, tôi tin chắc rằng Hà Giang sẽ là điểm đến của nhiều người. So với Sapa, Hà giang sẽ hấp dẫn hơn nếu hình ảnh của mình được quảng bá nhiều hơn nữa. Sa pa đã bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc sống hiện đại, Hà Giang còn nguyên vẻ nguyên sơ của nó và các điều kiện có sẵn để phát triển du lịch còn nhiều hơn cả Sapa.
Chúng tôi đến Mèo Vạc lúc 19h30. Phòng rộng rãi, sạch sẽ với ba giường chăn đệm trắng tinh, giá chỉ 200 k – Đồng Văn ơi là Đồng Văn ! Sơn và Phương tiếc mãi vì không chụp cái chuồng bò tại Lũng Cú 2 rồi đem ra so sánh với Thủy Tiên của Mèo Vạc này. Bữa tối chúng tôi đi ăn ở gần chợ Mèo Vạc và gặp một bác tài chuyên đưa khách du lịch lên vùng cao có biệt danh phải đọc rất cẩn thận là bác Hồng lùn, bác khuyên tôi đi đường về Bảo Lạc qua Bắc Mê rồi về Hà Giang, dễ đi hơn nhiều so với quay ngược trở lại. Tôi nghe theo ngay bởi trước đó cũng đã dự tính như vậy, chỉ ngại mỗi cái đường xấu .
Trước khi đi, tôi đã đọc lại các bài về các chuyến đi Hà Giang của Taybacgroup, của Vietkyo và Sh0 0p, các bạn trẻ này làm tôi thực sự cảm phục về cái máu phiêu và khả năng độc lập tác chiến. Nhưng đọc xong lại ngại con đường về Bảo Lâm, Bảo Lạc. May quá bác Hồng lùn nói rằng đường đi rất tốt và thế là ba bố con chú cháu quyết định mai từ Mèo Vạc về thẳng Hà nội, không ngủ lại Hà Giang nữa. Biết là cũng mệt đấy vì sẽ phải đi hơn 500 km trong một ngày nhưng mọi mục đích của chuyến đi là điểm cực Bắc Lũng Cú, nhà Vương, đèo Mã Pì Lèng đã hòan thành và vì thế chạy luôn một mạch về Hà nội cho nhà khỏi mong, và bố cũng nhớ Ổi ương lắm rồi.
Rời Mèo Vạc lúc 7h sáng ngày 1/5 . Cũng may là bánh sau của xe Phương bị hết hơi trong đêm chứ giả sử bị tối qua lúc trên Mã Pì Lèng thì rắc rối. Tất nhiên là có mang theo dụng cụ vá săm, tháo lốp, săm dự trữ, đèn Lite X và bơm nhưng sửa chữa ban đêm thì thật là ngại. Sau khi đã thay vào chiếc săm dự trữ, ba chúng tôi lên đường. Dự định là ăn trưa ở Na Hang – Tuyên Quang. Tôi xem bản đồ và thấy rằng đến Bắc Mê có đường đi Na Hang, chỉ khoảng 20 km đầu tiên rẽ vào là đường nhỏ còn từ địa phận Tuyên Quang trở đi là đường tốt.
Hai anh rất thích thú vì lần đầu tiên trong đời được đi trong mây trên đèo Mèo Vạc. Mây mù dầy đặc ướt mi mắt. Những nương ngô bên đường mờ ảo trong sương. Suốt cả vùng Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc tôi đã chỉ cho hai anh những khoảnh nương ngô được xếp đá xung quanh để giữ đất, những sườn núi dốc mà ngô vẫn được trồng xen lẫn trong đá, những cậu bé 10 tuổi đã cùng bố mẹ đi làm nương như một lao động thực thụ, những bé gái 5 tuổi vẹo sườn quắp em bé vừa trông em vừa tranh thủ kiếm thêm ít củi còm, những cụ già gập người cõng quẩy tấu đầy củi vượt dốc… để hai anh thấy được sự vất vả khó nhọc của bà con dân tộc nơi đây…và cũng để các anh biết quý những cái mà các anh đang có.
Qua Bảo Lạc , Pác Miều qua những cung đường mà trong các bài của Vietkyo, Sh0_0p kể lại, tôi đã nhận ra những đoạn đường mà các em đã vất vả vượt qua. Hôm nay chúng tôi sang Bảo Lâm không còn phải đi mảng qua sông Miệm nữa, cầu Lý Bôn vững chãi dành cho xe 15 tấn đi qua, con đường 4C lượn dọc sông Gâm bỏ lại phía sau mờ xa dần những ngọn núi của cao nguyên đá. Phong cảnh hai bên đã lại thấy những ngọn núi cánh rừng quen thuộc của vùng Tuyên Quang Bắc Kạn. Mùa này có lẽ là lúc cây cối trổ lá xanh nhất , không hiểu sao bụi tre bên đường đầy những khối tròn rối, nhẹ bỗng giống như những tổ chim treo lủng lẳng, cả ba chú cháu bố con cứ ngước mãi lên mà nhìn.
Đến di tích Nhà căng Bắc Mê ( nhà căng là từ chỉ nhà tù thời Pháp, thường đặt ở vùng rừng thiêng nước độc ) , tôi thấy con đường rẽ đi Na Hang rất tốt, vậy thì chẳng có lý do gì mà về Hà Giang nữa cả. Cột mốc chỉ đường ghi « Đường Âm- x km» Quái lạ! tên địa danh gì mà nghe sởn da gà quá. Nhưng đường tốt thế này, tôi dự tính Xe Pháo Mã sẽ về đến Tuyên Quang sớm. Ngoài lề một tí, đấy là trên cuốn bản đồ giao thông đường bộ VN xuất bản năm 2006, gần như các địa danh chẳng có cái nào đúng với trên thực tế cả. Ví dụ , Ma lé ( trên biển cắm đầu điểm dân cư ) thì bản đồ ghi là Hùng Ngài ; Phố Cáo thì ghi là Đoàn Kết, rồi là đố tìm ra được Niêm Sơn, Lý Bôn hay Pắc Miều trên bản đồ đấy...nói chung là vừa đi vừa đoán.
Ba bố con chạy ngon lành khoảng 20 km, hết địa phận Hà Giang, sang đến đất Tuyên Quang thì Đường Âm thoắt hiện nguyên hình thành Đường địa ngục! Qua con suối mà chúng tôi dừng lại lấy nước đổ cho máy khỏi nóng, chả báo trước gì hết, đường nhựa biến mất, và ác mộng bắt đầu với con đường đang được làm lại! Cứ một đoạn vài chục mét là đất sạt từ ta luy dương xuống đổ cao ngập đầu và lối đi chỉ vừa một lằn bánh xe , loạng quạng có khi lao vồ xuống ta luy âm bên dưới. Cũng may là ta luy âm không sâu lắm và còn có cây cối, có ngã cũng không đến nỗi nguy hiểm mất mạng như trên Đồng Văn.
Nhưng kinh khủng nhất là những đoạn đất nhão như cháo, đêm mưa nên đất bùn đặc quánh cuộn vào bánh xe, xe của Sơn còn đỡ chứ xe Phương do lốp sau hơi cũ, trượt ngã oành oạch suốt. Nhiều đoạn anh Phương phải xuống dắt xe, Sơn đẩy phía sau, cả hai anh em chân dẫm ngập trong bùn mà xe vẫn đổ. Có những đoạn đá cấp phối to bằng nắm tay mới rải, chưa được đầm mà vẫn phải đi xe vượt qua cái đống đá cạnh sắc đó, ngay ngáy lo săm lốp bị phá hỏng. Có đoạn phải dắt xe khi đường qua con suối cạn, đá lổn nhổn trơn trượt bùn. Ngồi trên xe lượn, người quật bên nọ quật bên kia, cả ba chú cháu bố con chân mỏi nhừ vì phải chống, phải đạp phanh.
Đến khoảng 12h thì thêm cái lốp xe Sơn bị dính đinh cho đủ lệ bộ. Cũng may là có đồ nghề vá xe, sau nửa tiếng, chúng tôi lại tiếp tục được quăng quật tiếp trên đống lầy đó. Nhưng thực sự rằng cái chuyện đã đi chơi thì có vất vả tí cũng chả sao. Càng có cái để sau này kể lại mình đã trở về trong '' chói lòa vinh quang'' thế nào! he he!
Nhưng điều ghét nhất là qua một đoạn đường xấu lại đến một đoạn đường tốt , đã mấy lần cả ba tưởng đã thoát cảnh trần ai, hóa ra lên trên một đoạn thì đoạn sau còn khủng khiếp hơn đoạn trước. Vừa đi tôi vừa nhớ lại câu của Vietkyo ''cứ một đoạn đường nhựa lại đến một đoạn đường bựa''. Cứ đi phấp phỏng, vật vã như vậy trong hơn hai tiếng đồng hồ chỉ đi được khoảng chừng 7, 8 km !
Rồi cuối cùng cũng phải qua cơn bĩ cực. Cái thái lai của ba chúng tôi là nhìn thấy cột giao thông cắm bên đường , có nghĩa rằng đoạn đường phía trước đã hoàn toàn hoàn thành và có thể yên tâm gột bùn khỏi giầy. Tôi không nghĩ rằng mình đã mất nhiều thời gian đến vậy để đến được Yên Hoa lúc đã 3h chiều. Từ đây đến Na Hang còn khoảng 1 tiếng rưỡi nữa. Buổi trưa hai anh đã không ăn gì, chỉ vài cái bánh mang theo, bữa chiều nếu ăn ở Na Hang thì quá sớm mà về đên Tuyên Quang thì lại quá muộn.
Đây mới là mối lo của riêng tôi, để hai anh đói là tôi mang tội lớn với vợ và bác Thanh gái. Có cái may là hai anh cũng rất ''phượt'', tỉnh như không, ăn vài miếng lương khô vẫn vui như tết, thêm nữa là vùng này đêk có sóng di động, hai bà mẹ không remote control được bữa ăn của hai anh và cũng không biết được các cu cậu bị ông chú bỏ đói ra sao.
Na Hang ngày xưa là nơi rừng thiêng nước độc, nay thì nườm nượp người tứ phương đổ về kể từ khi có thủy điện Na Hang. Con đường từ về Chiêm Hóa xưa nghe nói hoang vắng, nay xe đi tấp nập. Về đến Chiêm Hóa, lúc dừng xe để dụi do bị bướm đêm văng vào mắt, hai anh mới được nhìn thấy đom đóm bay lập lòe trong bóng chiều chạng vạng.
Lúc ở bên đập thủy điện Na Hang, tôi đã alô về nhà báo cáo tình hình với ông bà. Ông ra lệnh là đêm phải ngủ ở Tuyên Quang chứ không được đi đêm về nhà. Tôi ừ hữ cho qua chứ đã vật vã từ sáng từ Mèo Vạc về đến tận Tuyên Quang mà còn không cố nốt về đến nhà thì phí công quá. Tôi cũng biết tính bố tôi, hay lo lắng nhưng ông có biết đâu là bây giờ, đi ban ngày ở Hà nội lắm khi còn lắm chuyện tai ương hơn là đi đêm ở Tuyên Quang. Sơ ý đi lúc đèn xanh vừa hết một cái, chẹt vạch một cái, vượt phải một cái là mất ngay cả triệu như bỡn, chứ ở đây, miễn là đừng có phóng ẩu là được.
Sau khi cho hai anh ăn uống đầy đủ ở Tuyên Quang, lúc đó đã là 9h30 tối. Tôi quyết định vẫn về Hà nội, đoán rằng khoảng 12h đêm là cùng sẽ có mặt ở nhà. Thế mà như để cho chọn bộ đầy đủ mọi khía cạnh của một chuyến đi ''phượt '', đến đoạn cao tốc qua Tuyên Quang, xe máy tôi lại xì lốp, lần này nguyên nhân là do chỗ bị đinh đâm thủng ban trưa không chịu nổi cường độ đi nên đã xé dọc chiếc săm! lúc này là hơn 22h30 h rồi.
Đường cao tốc mà lại tối om, thế nên tôi mặc dù đã gài cái tấm che nắng ôtô có phản quang ( mang theo để lúc nào mỏi làm trải nằm lăn ra đất ) phía đằng sau nơi tôi đang hì hục thay săm mới , mà xe tải phóng như sát bên cạnh lắm khi hết cả hồn. Đoạn đường này tuy là cao tốc nhưng hệ thống đèn cao áp không được bật, tối như hũ nút, trở thành nơi xúc tiến thương mại của chị em cave xứ Tuyên. Ba chú cháu bố con đang cắm cúi tháo lắp thì chốc lại thấy có một em lượn xe từ từ qua nhìn nhìn rồi phóng tiếp. Mải làm nên một lúc sau tôi mới vỡ lẽ ra là chị em ra thăm dò thị trường.
Anh Phương rất năng nổ giúp chú một tay sửa xe. Có đi mới biết anh chàng mang biệt danh '' thằng anh họ bác học hâm đơ '' do cô Ngân đặt cho hồi bé không chỉ bác học mà còn rất chịu khó sốc vác. Chữa xong xe, hỏi hai anh là muộn thế này (11g đêm ) thì ngủ lại hay về? 100% biểu quyết về . Thế là tiếp tục phóng. Qua Đoan hùng , Việt Trì trời mưa đêm lạnh, ba bố con chú cháu choàng áo mưa phóng tiếp , vừa đi vừa lo rằng đến nhà lúc 2 h sáng thế này phải gọi cả nhà dậy thì phiền quá.
Đoạn đường về nhà ngắn dần, phố xá quen thuộc của ngoại vi Hà nội , cầu Thăng Long, đê Yên Phụ rồi Cửa Nam, phố Trần Quốc Toản, về đến cửa nhà là 2h 30 sáng 2/5. May quá , hòn vọng phu của tôi vẫn đợi mở cửa...
Thế là bố con chú cháu tôi đã đi quãng đường từ Hà nội lên Lũng Cú rồi quay về , 980 Km trong 70 tiếng đồng hồ. Đi bằng xe máy khác rất nhiều so với đi bằng ôtô. Bằng xe máy, tôi cảm thấy mình như được hòa với thiên nhiên xung quanh. Cái ngăn cách bởi kính chắn gió, điều hòa, seatbelt không còn và ta cảm nhận được mùi vị của rừng núi.
Không còn phải nghe VOV Giao thông báo tắc đường mà để gió ngàn phần phật lướt qua tai. Bùn ngập cổ chân hay vặn người nhừ cơ bắp cũng chỉ khiến cho ta thêm một lần nhớ về nơi đó. Trước và sau chuyến đi, nhiều người cho rằng chỉ có điên mới đi như vậy, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là niềm vui khi được đắm mình trong không khí rừng núi, thoát khỏi cái ồn ào đô thị, cùng con mình, cháu mình nhìn tận mắt, đi tận nơi những địa danh không dễ dàng đến, thì niềm vui đó mới đáng nhớ và mang lại nhiều cung bậc cảm xúc nhất.
Hết
HaHoi
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
- Theo Taybacgroup.com
0 nhận xét: